Trong số 195 thành viên mới trong danh sách tỷ phú năm nay, rất nhiều người đã làm giàu từ các ngành như sản xuất hay thực phẩm - đồ uống. Một số tỷ phú khác thì tận dụng các xu hướng hiện nay, và cách làm giàu gây tranh cãi nhất tại thời điểm này là bán thuốc lá điện tử. Đây là ngành đem lại khối tài sản trị giá hàng tỷ USD cho hai nhà đồng sáng lập công ty Juul Labs, James Monsees và Adam Bowen.
Mặc dù vậy, hầu hết các tỷ phú trên thế giới làm giàu từ ngành tài chính - đầu tư. Năm nay, có 306 tỷ phú đến từ ngành công nghiệp này, chiếm 14% trong tổng số 2.153 tỷ phú trong danh sách. Thành viên trong danh sách đầu tư và tài chính đáng chú ý bao gồm tỷ phú giàu thứ ba trên thế giới Warren Buffett, và Robert Smith, người sáng lập công ty cổ phần tư nhân Vista Equity Partners. Mặc dù Bitcoin và các loại tiền điện tử khác đã sụt giá trong năm qua, Brian Armstrong, giám đốc điều hành (CEO) và đồng sáng lập của ví tiền điện tử Coinbase, đã trở thành tỷ phú trong năm nay. Năm ngoái, tài chính - đầu tư cũng được xếp hạng là ngành có nhiều tỷ phú nhất với 310 người.
Một cách làm giàu khác là kinh doanh thời trang, đồ trang điểm và những mặt hàng tương tự. Ngành thời trang - bán lẻ có nhiều tỷ phú thứ hai thế giới với 230 người, chiếm 11% tổng số. Alice, Jim và Rob Walton, người thừa kế của Walmart là những tỷ phú nằm trong số 20 người giàu nhất thế giới, cùng với CEO Bernard Arnault của hãng cung cấp hàng hóa xa xỉ LVMH, hay nhà sáng lập Amancio Ortega của hãng quần áo Zara. Những tỷ phú mới tham gia ngành thời trang - bán lẻ bao gồm Luciano Hang với khối tài sản trị giá 2,2 tỷ USD (~51 nghìn tỷ VND) nhờ chuỗi cửa hàng bách hóa Havan ở Brazil, hay Dani Reiss, với 1,3 tỷ USD (~30,1 nghìn tỷ VND) nhờ công ty áo khoác thời thượng Canada Goose.
Môi giới bất động sản hay cho thuê văn phòng cũng là cách phổ biến để làm giàu. Bất động sản là lĩnh vực đứng thứ ba toàn cầu về số lượng tỷ phú với 223 người, chiếm khoảng 10% người giàu nhất thế giới. Trung Quốc có nhiều tỷ phú bất động sản nhất với 55, so với 46 tại Hoa Kỳ. Chủ tịch Hui Ka Yan của tập đoàn Evergrande Group là ông trùm bất động sản giàu nhất thế giới với khối tài sản 38,3 tỷ USD (~888,2 nghìn tỷ VND). Donald Bren, chủ sở hữu của Công ty Irvine có trụ sở tại Nam California, là nhà phát triển bất động sản giàu nhất nước Mỹ với 16,4 tỷ USD (~380,3 nghìn tỷ VND). Nổi tiếng nhất trong số các tỷ phú bất động sản là Tổng thống Mỹ Donald Trump, người có giá trị ròng không đổi so với một năm trước ở mức 3,1 tỷ USD (71,9 nghìn tỷ VND).
Phát triển các ứng dụng di động, phần mềm doanh nghiệp và các sản phẩm công nghệ phổ biến khác cũng là hướng đi nhiều tỷ phú lựa chọn. Công nghệ đứng thứ tư với 214 tỷ phú, chiếm 10% số người giàu nhất thế giới, tăng 1% so với năm ngoái. Tăng trưởng trong lĩnh vực công nghệ là một bước tiến khá lớn, bởi số tỷ phú công nghệ trong danh sách của Forbes năm 2005 chỉ là 42. Năm nay, 34% trong số 195 tỷ phú mới đã làm giàu trong lĩnh vực này nhiều hơn bất kỳ ngành nào khác.
Ly hôn cũng là một yếu tố giúp nhiều cái tên góp mặt trong danh sách tỷ phú thế giới. Đầu năm nay, Jeff Bezos, người giàu nhất thế giới với khối tài sản trị giá 131 tỷ USD (~3 triệu tỷ VND), tuyên bố ông chia tay vợ là bà MacKenzie. Nếu MacKenzie ra đi với 65 tỷ USD (~1,5 triệu tỷ VND) cổ phiếu Amazon, đây có thể là sự dàn xếp ly hôn đắt đỏ nhất từ trước đến nay.
Bà Sue Gross, vợ nhà đồng sáng lập PIMCO Bill Gross cũng đã gia nhập danh sách tỷ phú sau khi ly hôn năm 2017. Bà nhận được khoảng 1,3 tỷ USD (~30,1 nghìn tỷ VND), một ngôi nhà trị giá 36 triệu USD (~834,8 tỷ VND) ở Laguna Beach và một nửa số bộ sưu tập nghệ thuật của hai vợ chồng.
Danh sách 10 ngành công nghiệp hàng đầu giúp các tỷ phú làm giàu bao gồm tài chính - đầu tư, thời trang - bán lẻ, bất động sản, công nghệ, chế tạo, kinh doanh đa ngành, thực phẩm - đồ uống, chăm sóc sức khỏe, năng lượng và truyền thông - giải trí.