Doanh thu giảm, lợi nhuận đi xuống là thực tế mà không ít doanh nghiệp hiện nay đang phải đối mặt. Và những "ông lớn" ngành bán lẻ cũng không phải ngoại lệ.
Công ty cổ phần Thế giới Số (Digiworld, mã ck: DGW) mới đây công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 với kết quả có phần ảm đạm.
Trong 3 tháng đầu năm, Digiworld ghi nhận doanh thu thuần giảm 43,5% so với cùng kỳ, đạt 3.960 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính quý I chỉ đạt 37 tỷ đồng, giảm 49,4% so với quý I năm ngoái.
Chi phí tài chính tăng lên mức 26,5 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp ghi nhận ở mức 45,5 tỷ đồng, cùng cao gần gấp 2 so với cùng kỳ.
Khấu trừ chi phí, Digiworld ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 81,9 tỷ đồng, giảm 62% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2023, DGW đặt kế hoạch kinh doanh đi lùi so với cùng kỳ do lo ngại khó khăn chhung của nền kinh tế sẽ khiến sức mua của người tiêu dùng suy giảm đối với mảng ICT - mảng kinh doanh chính của doanh nghiệp.
Cụ thể, doanh nghiệp đưa mục tiêu đạt 20.000 tỷ đồng doanh thu, giảm 9%; lợi nhuận sau thuế ở mức 400 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả đạt được trong quý I, DGW mới chỉ hoàn thành được 19,8% kế hoạch doanh thu và 20,5% kế hoạch lợi nhuận.
Dù kết quả có không mấy ấn tượng, tuy nhiên, DGW vẫn giữ được mốc lợi nhuận quý ở trên mức 50 tỷ đồng, được thiết lập từ năm 2019 đến nay.
Không nằm ngoài vòng xoáy, Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã ck: MWG) cũng chứng kiến cảnh lợi nhuận sau thuế giảm 98,5% dù đã tiết giảm chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tới 18,6%.
Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp của MWG được tiết giảm 18,6%, tương ứng giảm 1.166 tỷ đồng, về 5.109,4 tỷ đồng. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế của công ty này vẫn giảm gần 99%, chỉ còn 21,28 tỷ đồng.
Doanh thu quý I/2023 cũng chỉ ghi nhận ở mức 27.105,8 tỷ đồng, giảm 25,7% so với cùng kỳ.
Với kết quả lợi nhuận trên, MWG ghi nhận quý thứ hai liên tiếp tăng trưởng âm trong bối cảnh các ngành hàng ICT đều có sức cầu yếu. Kể từ khi niêm yết vào năm 2014, chưa quý nào lợi nhuận của Thế giới Di động xuống dưới 21,28 tỷ đồng. Do đó, kết quả lợi nhuận quý I/2023 là mức lợi nhuận quý thấp nhất mà nhà bán lẻ này ghi nhận được kể từ khi niêm yết.
Năm 2023, Thế giới Di động đặt mục tiêu 135.000 tỷ đồng doanh thu và 4.200 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng lần lượt 1,2% và 2,4% so với kết quả năm 2022. Như vậy, kết thúc quý đầu năm, doanh nghiệp mới chỉ hoàn thành 0,5% kế hoạch lợi nhuận năm.
Nhằm giúp kinh doanh ổn định, MWG ưu tiên duy trì doanh thu và bảo vệ dòng tiền, bên cạnh đó là kiểm soát các hạng mục chi phí lớn như chi phí thuê mặt bằng, chi phí điện.
Một đơn vị bán lẻ lớn khác là Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã ck: FRT) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh quý I/2023 với kết quả lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 2 tỷ đồng, giảm 99% so với mức lãi 169 tỷ đồng quý I/2022.
Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm 5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 164,5 tỷ đồng. Đây là mức lãi ròng thấp nhất trong gần 3 năm qua, kể từ quý II/2020.
Doanh thu trong 3 tháng đầu năm 2023 của chuỗi bán lẻ này cũng giảm nhẹ so với cùng kỳ, đạt 7.753 tỷ đồng.
Trong kỳ, chuỗi bán lẻ này có doanh thu tài chính giảm 67% so với cùng kỳ, đạt 16,5 tỷ đồng do giảm lãi tiền gửi, tiền cho vay. Trong khi đó, các chi phí lại tăng mạnh, chi phí tài chính tăng 58% lên 86,3 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng 24% lên 913 tỷ đồng, riêng chỉ có chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 30% xuống 205 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh ảm đạm, công ty lý giải rằng, trong 3 tháng đầu năm, nhu cầu hàng hoá của người dân giảm sút, lạm phát và lãi suất vẫn đang ở mức cao. Bên cạnh đó, mức độ cạnh tranh trong ngành bán lẻ điện tử đang diễn ra mạnh mẽ, dẫn đến doanh thu và lợi nhuận cùng sụt giảm mạnh.
Sức mua ngành bán lẻ dự báo có thể phục hồi vào nửa sau năm 2023
Phát biểu trong đại hội cổ đông thường niên 2023, Chủ tịch Công ty cổ phần Thế giới Số - ông Đoàn Hồng Việt cho biết, sức mua của ngành bán lẻ dự báo sẽ tiếp tục yếu cho đến năm 2024, nửa sau của năm 2023 có thể phục hồi so với nửa đầu 2023 nhưng không nhiều, sức mua sẽ quay trở lại bình thường vào nửa cuối năm 2024 .
Nguyên nhân được lý giải là vì mặt bằng lãi suất cao (trong nước và quốc tế) khiến doanh nghiệp không thể mở rộng mạnh tay hoạt động kinh doanh, không có nhiều công việc được tạo ra, sức mua tiêu dùng kém.
Đề cập đến riêng DGW, ông Việt cho biết, "Chúng tôi kiểm soát chi phí cố định rất tốt, và hầu hết tất cả sẽ là những chi phí biến động, nghĩa là doanh thu giảm thì chi phí cũng giảm. Tôi có thể khẳng định rằng, từ ngày thành lập đến giờ, DGW chưa có một quý nào bị lỗ", ông Việt tự tin nói.
Theo lãnh đạo của FPT Retail, gia dụng sẽ là ngành hàng được FPT Shop tập trung mở rộng. Bên cạnh đó, công ty sẽ làm việc với các đối tác trong lĩnh vực tài chính để có được những gói hỗ trợ tài chính cho khách hàng như trả góp không lãi suất hoặc lãi suất thấp, trả chậm… nhằm kích cầu.
Đánh giá chung cho thấy các yếu tố như tăng trưởng thu nhập, ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ, cùng với đó là ngành vận tải, lưu trú phục hồi sẽ thúc đẩy ngành bán lẻ dần đi lên trong nửa cuối năm nay. Kỳ vọng ngành sẽ có sự tăng trưởng trong hai quý cuối năm nay nhưng các doanh nghiệp cần chú trọng đến việc cắt giảm chi phí để cải thiện biên lợi nhuận.