Ngày pháp luật

Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản lao đao khi “trung tâm phụ tùng” Đông Nam Á ngấm đòn Covid-19

Đỗ Hiền

Đại dịch Covid-19 bùng phát khắp Đông Nam Á đã gây ra một làn sóng cắt giảm sản lượng tại nhà cung cấp thiết bị, phụ tùng ô tô. Hệ quả là, hàng loạt nhà máy lắp ráp xe hơi buộc phải đóng cửa.

Cách đây 1 tuần, nhà sản xuất chip Thụy Sĩ STMicroelectronics đã được thông báo, nhà máy của hãng ở bang Johor, miền nam Malaysia sẽ phải tạm ngừng hoạt động khi hơn 200 công nhân nhà máy được chẩn đoán mắc Covid-19. Từ tháng 7, nhà máy đã thường xuyên rơi vào tình trạng hoạt động gián đoạn.

Đáng lẽ hoạt động sản xuất của nhà máy phải diễn ra mạnh mẽ trong bối cảnh khan hiếm chất bán dẫn toàn cầu. Song những đợt tạm đóng cửa do tác động của đại dịch đã và đang ảnh hưởng xấu tới sản lượng, kéo theo đó là việc giao hàng của nhà máy.

Gián đoạn chuỗi cung ứng phụ tùng từ Đông Nam Á khiến nhiều nhà sản xuất ô tô Nhật Bản lao đao. Ảnh: Toyota
Gián đoạn chuỗi cung ứng phụ tùng từ Đông Nam Á khiến nhiều nhà sản xuất ô tô Nhật Bản lao đao. Ảnh: Toyota

Malaysia hiện ghi nhận tới hơn 20.000 ca nhiễm Covid-19 mới mỗi ngày. Từ tháng 6, chính phủ nước này đã ban lệnh phong tỏa toàn quốc. Với việc biên chế tại các nhà sản xuất ô tô và các nhà máy sản xuất phụ tùng chỉ giới hạn ở 10% công suất, có thể hiểu được tại sao sản lượng ở một số tiểu bang nước này gần như bị đình trệ trong một thời gian dài.

Khu vực ASEAN đóng vai trò là trung tâm sản xuất của ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản. Theo Hiệp hội Công nghiệp phụ tùng ô tô Nhật Bản, đây là nơi tập trung ít nhất 30% các địa điểm sản xuất cho các nhà cung cấp ô tô Nhật Bản - nhiều hơn đáng kể so với bất kỳ khu vực nào khác.

Ngành công nghiệp phụ tùng ô tô của Đông Nam Á – vốn được đánh giá cao nhờ nhân công giá rẻ - không chỉ cung cấp phụ tùng cho các nhà sản xuất khu vực mà còn cho cả các đối tác Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc và các nước khác. Song những đợt bùng phát dịch Covid-19 gần đây đã phá vỡ những động lực đó.

Cùng với Malaysia, các quốc gia Đông Nam Á khác cũng đang phải vật lộn với ảnh hưởng của dịch bệnh. Hiện, một số nhà máy của Toyota cùng nhiều nhà sản xuất ô tô Nhật Bản khác đang phải tạm ngừng hoạt động do sự gián đoạn chuỗi cung ứng ở khu vực Đông Nam Á.

Khoảng 20% các nhà máy của Yazaki là ở Đông Nam Á, tạo ra khoảng 17% tổng doanh thu hợp nhất. Đại diện của Furukawa Electric thừa nhận, “từ tháng 7 vừa qua, công suất nhà máy đã giảm sút”.

Đầu tuần, nhà máy tại Malaysia của hãng sản xuất đèn pha ô tô Nhật Bản Koito Manufacturing đã bắt đầu hoạt động trở lại sau quãng thời gian đóng cửa từ đầu tháng Sáu tới nay. Tuy nhiên, đại diện của Koito Manufacturing cho hay, “hoạt động sản xuất của nhà máy này trong tương lai không chắc chắn bởi chính hoạt động của các nhà sản xuất ô tô cũng đang không ổn định.”

Các nhà sản xuất vật liệu Nhật Bản như Toray và Mitsubishi Chemical cũng đã đồng loạt cắt giảm việc sản xuất sản phẩm, trang thiết bị dành cho ô tô ở Đông Nam Á.

Gián đoạn chuỗi cung ứng khiến các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản ngày càng khó mua được linh kiện. Hôm 20/8, Daihatsu Motor cho biết, bốn nhà máy lắp ráp tại Nhật Bản của hãng sẽ tạm ngừng hoạt động trong tối đa 17 ngày. Cùng với tình trạng khan hiếm chất bán dẫn, Daihatsu Motor còn đồng thời phải đối mặt với việc nguồn cung các linh phụ kiện khác từ Malaysia và Việt Nam đang bị đình trệ.

Dự kiến, trong tháng 8 và tháng 9, sản lượng của Daihatsu Motor sẽ giảm khoảng 30.000 tới 40.000 xe. Tính tới cuối năm 2021, sản lượng cả năm của hãng sẽ giảm từ 19% tới 25%.

Trước đó công ty mẹ của Daihatsu, Toyota Motor đã thông báo cắt giảm sản lượng sản xuất toàn cầu của tháng 9 xuống 40% so với mục tiêu trước đó, nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng khan hiếm phụ tùng ô tô từ Đông Nam Á. Sản xuất tại Bắc Mỹ, Trung Quốc, châu Âu và các khu vực khác cũng sẽ được hạn chế ở mức 220.000 xe/tháng.

Cùng với Toyota, Honda Motor trong tháng này đã cắt giảm sản lượng 20.000 xe tại Quảng Châu, (Trung Quốc), giảm 20% so với kế hoạch sản xuất ban đầu được công bố hồi cuối tháng Bảy. Tại Nhật Bản, hãng xe này đã cho nhà máy Suzuka ở tỉnh Mie tạm ngừng hoạt động.

Trong khi đó, Nissan Motor đã đóng cửa một nhà máy lắp ráp ở bang Tennessee (Mỹ) trong hai tuần vì các vấn đề liên quan tới việc mua sắm chất bán dẫn ở Malaysia. Động thái này được dự báo sẽ khiến Nissan phải cắt giảm sản lượng hàng chục nghìn xe. 

Các nhà cung cấp phụ tùng ô tô đã xây dựng nhà máy ở nhiều quốc gia Đông Nam Á để duy trì chuỗi cung ứng của mình trên toàn cầu. Nhưng đại dịch Covid-19 đã khiến chiến lược này hoàn toàn đảo lộn.

Tin Cùng Chuyên Mục