Ngày pháp luật

Các ngân hàng 'đút túi' bao tiền nhờ lãi thẻ tín dụng?

An An

Theo khảo sát tại một số ngân hàng, lãi suất thẻ tín dụng dao động trong khoảng 18 - 38,8%/năm.

Khi sử dụng thẻ tín dụng, hầu hết khách hàng đều quan tâm đến tiện ích của thẻ nhưng lại ít khi để ý đến một tiêu chí quan trọng không kém, đó chính là lãi suất thẻ tín dụng.

Các loại lãi suất thẻ tín dụng phổ biến hiện nay

Lãi suất thẻ tín dụng là khoản phí mà chủ thẻ phải trả khi thực hiện rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, hoặc chậm thanh toán một phần tối thiểu/toàn bộ số dư nợ thẻ tín dụng của tháng liền kề trước. 

Cụ thể, với lãi suất rút tiền mặt: Do chức năng chính của thẻ tín dụng là thanh toán nên nếu khách hàng rút tiền mặt thẻ tín dụng sẽ phải chịu một khoản lãi suất dao động 3-5% số tiền rút và chỉ được rút 70% hạn mức thẻ tín dụng.

Các ngân hàng 'đút túi' bao tiền nhờ lãi thẻ tín dụng? - Ảnh 1

Với lãi suất trả chậm thanh toán: Bản chất thẻ tín dụng là một khoản “tạm vay” của ngân hàng nên sẽ bị tính lãi. Khách hàng thường được miễn lãi 45 -55 ngày, đồng thời không bị tính lãi nếu thanh toán dư nợ thẻ tín dụng đầy đủ.

Tại từng thời kỳ, lãi suất áp dụng với dư nợ của từng loại thẻ sẽ dựa vào bảng lãi suất do ngân hàng quy định. 

Trong thời gian quy định, nếu khách hàng thanh toán đầy đủ số tiền đã chi tiêu trước hoặc đúng ngày thanh toán sẽ không phải bị tính thêm lãi suất và phí trả chậm.

Để có thể tính được lãi suất của thẻ tín dụng, các yếu tố sau sẽ quyết định:

Thời gian sao kê hằng tháng: là ngày ngân hàng chốt các phát sinh bằng thẻ tín dụng và gửi lại cho bạn.

Chu kỳ thanh toán: là khoảng thời gian giữa 2 lần sao kê gần nhất của ngân hàng, thường là 1 tháng. Các giao dịch phát sinh trong khoản thời gian giữa 2 sao kê gần nhất của ngân hàng sẽ được ngân hàng sao kê cho bạn. Đây cũng chính là thời gian miễn lãi.

Thời gian ân hạn, là thời gian mà ngân hàng có thể cho bạn thêm để thanh toán tiền nợ.

Lãi suất quá hạn và phạt chậm trả

Trường hợp đến hạn thanh toán nhưng chủ thẻ không thanh toán khoản thanh toán tối thiểu, khách hàng sẽ bị tính phí phạt chậm trả và lãi suất quá hạn.

Với ngân hàng VP bank, trong vòng 60 ngày đầu kể từ ngày đến hạn thanh toán, khoản thanh toán tối thiểu sẽ bị tính phạt chậm trả 5% (tối thiểu là 149.000 đồng) và lãi suất quá hạn (2,7 - 3,99%/tháng tùy từng loại thẻ), số dư nợ còn lại (sau khi trừ đi số tiền thanh toán tối thiểu) vẫn tính lãi suất trong hạn.

Sau 60 ngày này, nếu chủ thẻ không thanh toán đủ khoản thanh toán tối thiểu thì toàn bộ dư nợ chưa thanh toán phải chịu lãi suất quá hạn và khoản phạt chậm trả.

Tại ngân hàng VIB, nhà băng này cho phép khách hàng sử dụng thẻ tín dụng miễn lãi lên tới 55 ngày (bao gồm 30 ngày trong chu kỳ sao kê tài khoản và số ngày còn lại là thời hạn thanh toán).

Nếu khách hàng không thanh toán đầy đủ theo theo bảng sao kê kỳ trước vào ngày đáo hạn thì ngay từ ngày tiếp theo khách hàng sẽ phải thanh toán lãi suất theo dư nợ cho ngân hàng. Lãi suất cho việc thanh toán chậm của VIB đang được áp dụng từ 4% - 6%/tháng và áp dụng trên toàn bộ dư nợ cuối kỳ chưa thanh toán theo thông báo sao kê hàng tháng từ ngân hàng. 

Sử dụng thẻ tín dụng TBank, khách hàng được miễn lãi tối đa lên đến 45 ngày. Sau khi quá hạn hoàn trả mà khách hàng chưa trả hết số dư nợ tín dụng thì sẽ bị tính thêm lãi vào kỳ sao kê sau đó.

Lãi suất thẻ tín dụng của TPBank hiện được quy định theo từng loại thẻ và hạn mức thẻ, nằm trong khoảng từ 18,5%/năm đến 35,88%/năm (tương đương 1,54% - 3%/tháng). 

Bên cạnh bị tính lãi khi quá hạn thanh toán, khách hàng sẽ bị tính thêm một khoản phí phạt trả chậm theo quy định của ngân hàng. Phí trả chậm tối thiểu là 150.000 đồng/tháng và bằng 5% trên số dư tối thiểu cần trả.

Ngân hàng Techcombank, tùy từng loại thẻ, lãi suất thẻ tín dụng ngân hàng áp dụng là 22,8% - 38,8%/năm. 

Các ngân hàng 'đút túi' bao tiền nhờ lãi thẻ tín dụng? - Ảnh 2

Ngoài ra, mức lãi suất phạt thanh toán chậm của ngân hàng Techcombank là 6%/năm. Mức lãi phát này áp dụng với tất cả các loại thẻ tín dụng của ngân hàng này và với tất cả hạng thẻ.

Tại ngân hàng MSB, lãi suất thẻ tín dụng thấp nhất là 26%/năm, cao nhất lên tới 40%. Trong khi đó, tại MB Bank, các loại thẻ tín dụng có lãi suất dao động 22,9 - 23,9%/năm. 

 

Những loại lãi suất khác khi sử dụng thẻ tín dụng

Lãi suất chuyển đổi ngoại tệ: Khi khách hàng sử dụng thẻ tín dụng ngân hàng tại các quốc gia khác ngoài lãnh thổ Việt Nam, sẽ chịu một khoản phí trên mỗi giao dịch phát sinh chuyển đổi ngoại tệ. Khoản phí này dao động từ 2% - 4% tùy theo quy định của từng ngân hàng.

Lãi suất chuyển đổi trả góp: Khi khách hàng sử dụng thẻ tín dụng đối với giao dịch mua hàng trả góp, thẻ tín dụng phải chịu lãi suất chuyển đổi trả góp. Biểu phí lãi suất có thể thay đổi theo quy định của từng ngân hàng.

Do đó, khách hàng cần nắm rõ biểu phí trước khi giao dịch hoặc liên hệ ngân hàng phát hành để được tư vấn chi tiết. Hiện nay mức lãi suất chuyển đổi trả góp thẻ tín dụng dao động từ 0,8% - 1,3%/năm.

Tin Cùng Chuyên Mục