Lãi suất huy động đồng loạt giảm
Nhiều NH đã thay biểu lãi suất huy động mới, trong đó chủ yếu điều chỉnh giảm lãi suất huy động dưới 6 tháng. Cụ thể, tại Vietcombank, lãi suất kỳ hạn 7 ngày và 14 ngày đã về mức 0,5%/năm, kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng vẫn duy trì ở mức thấp hơn trần là 4,3%/năm, kỳ hạn 3 tháng giảm từ 4,8%/năm xuống 4,7%/năm… Lãi suất huy động cao nhất của NH này vẫn ổn định ở mức 6,8%/năm dành cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Tại VietinBank, lãi suất huy động kỳ hạn 3 đến dưới 6 tháng giảm nhẹ 0,05%/năm so với tuần đầu tháng 3, xuống còn 4,75%/năm, lãi suất kỳ hạn 1 tháng đến 3 tháng ở mức 4,3%/năm.
Với nhóm NH TMCP, nhóm có lãi suất huy động cao hơn so với nhóm NH có vốn nhà nước, cũng ghi nhận sự điều chỉnh lãi suất khá “mạnh tay”. Cụ thể, Viet Capital Bank đã điều chỉnh giảm đồng loạt lãi suất tất cả các kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng xuống còn 4,7%/năm thay vì mức 4,85-4,9%/năm trước đó. Hiện mức lãi suất cao nhất tại NH này là 8,5%/năm với kỳ hạn 13 tháng. Sacombank cũng điều chỉnh lãi suất huy động từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ mức 4,9-5%/năm xuống mức từ 4,3-4,7%/năm tùy thuộc vào kỳ hạn gửi.
VPBank cũng điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng về mức 4,25%/năm (kỳ hạn 1-2 tháng) và 4,35%/năm (kỳ hạn 3-5 tháng). Tuy nhiên, kỳ hạn 6 tháng và trên 6 tháng vẫn neo ở mức cao (6,9%/năm đối với kỳ hạn 6, 12, 13, 15 tháng). Lãi suất tiết kiệm online được cộng thêm 0,1%/năm so với gửi tại quầy ở tất cả các kỳ hạn. Các mức lãi suất trên áp dụng đối với tiền gửi dưới 300 triệu đồng. Số tiền lớn hơn (trên dưới 10 tỷ đồng) lãi suất tại quầy cũng chỉ 4.65%/năm đối với kỳ hạn 3-5 tháng.
OCB điều chỉnh giảm 0,2% lãi suất huy động cho tất cả các kỳ hạn, hiện dao động từ 4,6%/năm đến 4,75%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, riêng kỳ hạn từ 6 tháng trở lên lãi suất vẫn được áp dụng mức từ 7% trở lên.
Lãi suất tiết kiệm online trên OCB OMNI được cộng thêm 0,1%/năm so với gửi tại quầy ở tất cả kỳ hạn. Mức lãi suất này được công thêm 0,1-0,2% đối với kỳ hạn từ 01 tháng trở lên với mức tiền gửi từ 1–5 tỷ đồng.
Tương tự tại Techcombank, LienVietPostBank, SeABank..., lãi suất huy động cao nhất dao động mức 4,7-4,8%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng...
Tác động trễ…
Sau 2 ngày các NH điều chỉnh lãi suất huy động vẫn chưa có thông điệp hạ lãi suất cho vay mới từ các NH. Trao đổi với PLVN, một số NH cho biết họ đang tính toán phương án hạ thêm lãi suất cho vay, có NH cho biết họ vẫn đang còn gói hỗ trợ lãi suất thấp vẫn chưa giải ngân hết. VPBank cho biết, trước đó, hồi đầu tháng 2, NH này đã giảm tới 1,5% lãi suất cho vay đối với các DN chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Cũng có khả năng các NH sẽ tiếp tục hạ lãi suất cho vay sau khi NHNN điều chỉnh lãi suất điều hành và bản thân các NH cũng đã giảm lãi suất huy động. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp chưa thấy điểm dừng, DN không ít tâm tư.
“Giảm được từng nào hay từng ấy. Tuy nhiên, vay trong thời điểm này cũng chủ yếu chi trả tiền lương, tiền thuê mặt bằng…, chứ chưa tính chuyện làm gì tiếp. Đây là nhu cầu cấp bách hiện nay nhưng liệu có được NH giải quyết cho vay?”, một DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch khách sạn chia sẻ. DN này cũng cho rằng, điều nhiều DN cần hơn là được vay dài hạn để tính chuyện khôi phục lại sản xuất kinh doanh sau này bởi khó khăn với DN khả năng còn kéo dài…
Thực tế cho thấy, sau Quyết định điều chỉnh lãi suất điều hành của NHNN, các NH chỉ giảm lãi suất huy động ngắn hạn, lãi suất huy động dài hạn vẫn neo ở mức cao nên DN khó có cơ hội vay với lãi suất thấp.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia NH, việc NHNN hạ lãi suất sẽ không hỗ trợ nhiều cho nền kinh tế, do trong bối cảnh chịu cú sốc ngắn hạn hiện nay. Mặt khác, dư địa giảm lãi suất cũng không nhiều, sức hấp thụ vốn vẫn thấp (tín dụng 2 tháng đầu năm chỉ tăng 0,1%). “Điều mà người dân và DN cần chính là dòng tiền, thanh khoản hỗ trợ tức thì, trong khi việc giảm lãi suất có độ trễ nhất định…”, chuyên gia này nhận định.
TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng, giải pháp quan trọng hàng đầu hiện nay là phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả và ưu tiên sử dụng các chính sách tài khóa hơn là chính sách tiền tệ do hiệu quả tức thì, ít độ trễ hơn chính sách tiền tệ. Đồng thời, phải kết hợp hài hòa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa thì hiệu quả hỗ trợ mới tốt hơn.
Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng cho rằng cần thực hiện quyết liệt, hiệu quả các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. “Làm sao chính sách đi vào cuộc sống sớm nhất, nhanh và đúng đối tượng sẽ là liều vaccine tốt nhất trong bối cảnh hiện nay”, TS. Cấn Văn Lực khẳng định.