Trước việc bùng phát của dịch bệnh, ngành du lịch đang trực tiếp phải chịu ảnh hưởng nặng nề. Trên thế giới, các công ty lữ hành và khách sạn đang phải xoay xở để vượt qua thử thách khắc nghiệt mang tên Covid-19.
Các công ty lữ hành xoay xở trong mùa dịch
Trong bối cảnh bóng đen của Covid-19 phủ lên khắp các địa danh du lịch nổi tiếng, các công ty lữ hành đang loay hoay tìm cách xoay xở để sinh tồn.
Bên cạnh đó, họ cũng đóng vai trò làm cầu nối thông tin với khách du lịch, cập nhật kịp thời những thông báo mới từ đất nước mà khách hàng đang muốn đến.
Theresa Chu-Bermúdez - chủ công ty lữ hành Get Out Custom Travels, đang liên hệ với những khách hàng có chuyến đi trong vòng 60 ngày tới các khu vực được cảnh báo nguy hiểm, bao gồm cả Ý: "Tôi nói với họ tình hình hiện tại trong nước và bất kỳ khuyến nghị nào của chính phủ từ CDC và WHO.
Thông tin được cập nhật liên tục thông qua email. Tôi cũng cung cấp cho họ các tùy chọn nếu họ cần hủy hoặc sắp xếp lại thông qua các hãng hàng không và nhà điều hành tour du lịch."
"Tốt hơn là nên chủ động", cô quả quyết: "Tôi luôn cho khách hàng biết những thông tin mới nhất. Tôi cung cấp cho họ số liệu thống kê, từ đó đưa ra quyết định chuẩn xác hơn. Hơn hết, họ phải được đảm bảo an toàn về sức khỏe."
Một số công ty khác thì mỏi mắt tìm kiếm cơ hội làm ăn tại những khu vực ít bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Anh Scott Walters, sở hữu công ty lữ hành "Go Away Often Travel" đang làm việc với các nhà cung cấp tại các địa danh mà anh cho rằng sẽ thu hút du khách trong năm tới. Dĩ nhiên, anh không quên gửi email tới toàn bộ khách hàng, nhấn mạnh: "hiện tại mọi thông tin đều có khả năng thay đổi vào phút chót, vì vậy hãy chú ý làm theo những hướng dẫn để đảm bảo an toàn."
Lựa chọn tập trung vào thúc đẩy các tour du lịch trong nước là cách mà nhiều công ty hướng tới. Công ty lữ hành Boutique Travel Advisors là một ví dụ. Họ cho khách hàng những lựa chọn tốt ngay tại nước Mỹ, đồng thời khẳng định không hề lo ngại một vài chỉ số kinh doanh bị thâm hụt trong những ngày dịch bệnh leo thang: "Chúng tôi tin rằng làm việc chăm chỉ và tận tâm với khách hàng sẽ mang lại những giá trị bền lâu."
Khách sạn tại Nhật Bản nghĩ ra đủ "chiêu trò" để bù lỗ
Tại Nhật Bản, việc thắt chặt nhập cảnh, đồng thời duy trì "khoảng cách xã hội" (social distancing) càng làm các khách sạn vắng vẻ, đìu hiu hơn. Số lượng booking "rơi tự do" khiến các nhà quản lý phải nghĩ ra chiêu trò để hút khách.
Homeikan, khách sạn, hay nói đúng hơn là một nhà trọ mang phong cách Nhật Bản xưa. Trong lịch sử, đây là nơi mà các tác giả nổi tiếng như Takuboku Ishikawa, Hakushu Kitara tự "cách ly" bản thân để sáng tạo tác phẩm.
Một căn phòng của Homeikan.
Với 8000 yên một đêm, người thuê phòng có thể ở một mình theo đúng nghĩa đen. Họ sẽ được sống lại cảm giác mà những tác giả huyền thoại đã từng trải qua. Đặc biệt, họ không được phép ra ngoài, ngoại trừ trường hợp khẩn cấp.
Ý tưởng này đã thành công ngoài mong đợi. Ngay khi xuất hiện vài giờ, Homeikan đã nhận được lượng đặt phòng kỷ lục trong tháng 3.
Tomoko Kazu, đại diện kinh doanh của chuỗi khách sạn, cho biết ý tưởng này được đưa ra trong bối cảnh khách sạn đã gặp tổn thất lớn vì làn sóng huỷ phòng. Ước tính, Homeikan mất 30% lượng khách trong tháng.
Ở Osaka, câu chuyện của khách sạn mang cái tên đặc biệt - Khách sạn Corona, còn khó khăn hơn thế.
"Trong giai đoạn đầu của dịch bệnh, nhiều khách hàng còn nghi ngại khi nghe tới cái tên của chúng tôi. Họ hỏi rằng có phải đã có chuyện gì xảy ra không." - Kohei Fujii - đại diện bộ phận kinh doanh chia sẻ.
"Chính bởi cái tên, chúng tôi phải bước vào cuộc chiến đấu khắc nghiệt hơn những khách sạn khác."
Hideki Hirayama, Chủ tịch NaSpa Hirayama Kensetsu, sở hữu chuỗi khách sạn ở Chiba, lại biến phòng khách sạn trống thành một không gian làm việc riêng tư cho khách hàng.
"Công việc làm ăn không được thuận lợi cho lắm. Tôi nảy ra ý định cho thuê các phòng đơn, vì chúng rất yên tĩnh và hợp cho người cần gọi điện thoại liên tục, hay phải giải quyết các tài liệu riêng tư mà không tiện ngồi ở nhà." - cô cho biết.