Ngày pháp luật

Các biện pháp bảo đảm trong nhập khẩu hàng hóa

Linh Chi

Làm sao đảm bảo được chất lượng, giá trị hàng hóa luôn là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa về Việt Nam. Dưới đây là những tư vấn của luật sư về vấn đề này...

Các biện pháp bảo đảm trong nhập khẩu hàng hóa

Hỏi:

Chào luật sư, hiện nay tôi đang tiến hành thành lập doanh nghiệp chuyên kinh doanh mỹ phẩm nhập khẩu từ Hàn Quốc. Xin luật sư tư vấn giúp: Khi nhập khẩu mỹ phẩm từ Hàn Quốc về Việt Nam thì cần những thủ tục gì? Điều kiện để nhập khẩu hàng từ nước ngoài là những gì? Tôi cần có biện pháp bảo đảm nào trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam, thưa luật sư?

Luật sư Trần Thị Trà My - Công ty Luật TNHH Thuế và Luật Hà Nội
Luật sư Trần Thị Trà My - Công ty Luật TNHH Thuế và Luật Hà Nội

Luật sư Trần Thị Trà My - Công ty Luật TNHH Thuế và Luật Hà Nội trả lời như sau:

Đăng ký kinh doanh (ĐKKD) thể hiện chức năng nhập khẩu và kinh doanh mỹ phẩm

Doanh nghiệp muốn nhập khẩu mỹ phẩm cần có ĐKKD thể hiện chức năng nhập khẩu và kinh doanh mỹ phẩm. Nếu ĐKKD hiện tại của doanh nghiệp không có ngành nghề này thì phải làm thủ tục xin bổ sung trên ĐKKD.

Đối với mặt hàng mỹ phẩm, doanh nghiệp không cần xin giấy phép nhập khẩu. Tuy nhiên, do mỹ phẩm là mặt hàng đặc thù, chịu sự quản lý của Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế, nên trước khi nhập khẩu mỹ phẩm vào Việt Nam, doanh nghiệp cần phải làm thủ tục Công bố mỹ phẩm theo Thông tư 06/2011/TT-BYT.

Doanh nghiệp lần đầu làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa cần Đăng ký sử dụng Hệ thống và Cài đặt phần mềm khai báo hải quan VNACCS/VCIS. Trường hợp doanh nghiệp chưa có chữ ký số thì cần chuẩn bị chữ ký số và đăng ký với cơ quan Hải quan. Doanh nghiệp có thể ủy quyền cho một đại lý làm thủ tục hải quan đại diện cho mình để tiến hành các thủ tục nhập khẩu.

Điều kiện để nhập khẩu hàng từ nước ngoài

Theo quy định tại Điều 35 Thông tư số 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế: Quy định về quản lý mỹ phẩm thì các sản phẩm mỹ phẩm đã được Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm còn hiệu lực được phép nhập khẩu vào Việt Nam. Thủ tục nhập khẩu thực hiện tại cơ quan Hải quan theo quy định hiện hành. Khi làm thủ tục nhập khẩu, doanh nghiệp xuất trình với cơ quan Hải quan Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đã được Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế cấp số tiếp nhận.

Như vậy, quy trình để mỹ phẩm nhập khẩu được lưu hành tại Việt Nam gồm 2 bước: Làm thủ tục nhập khẩu mỹ phẩm tại cơ quan Hải quan; Bước tiếp theo là làm thủ tục công bố sản phẩm mỹ phẩm.

- Muốn nhập khẩu một lô hàng vào Việt Nam, doanh nghiệp cần phải chuẩn bị bộ chứng từ nhập khẩu hợp lệ (tờ khai hải quan, hợp đồng thương mại, hóa đơn thương mại, danh sách hàng, chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, các chứng từ khác theo quy định của pháp luật đối với mặt hàng mà người khai hải quan phải nộp hoặc xuất trình cho cơ quan hải quan).

- Đối với mặt hàng mỹ phẩm, trước khi nhập khẩu doanh nghiệp cần làm thủ tục công bố mỹ phẩm với Cục Quản lý Dược (Bộ hồ sơ gồm: Phiếu công bố, ĐKKD, giấy ủy quyền của nhà sản xuất, chứng nhận lưu hành tự do, bảng danh sách thành phần sản phẩm theo danh pháp quốc tế INCI…)

- Để thực hiện được thủ tục công bố mỹ phẩm, doanh nghiệp phải đáp ứng được một số điều kiện cơ bản như sau:

Doanh nghiệp phải đăng ký ngành nghề kinh doanh có hoạt động mua bán hoặc xuất nhập khẩu mỹ phẩm trong danh mục ngành nghề đăng ký với Sở Kế hoạch & Đầu tư;

- Việc công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm (mục đích sử dụng của sản phẩm) phải đáp ứng hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm.

- Thành phần của sản phẩm phải đáp ứng quy định về các chất cấm, giới hạn nồng độ các chất bị hạn chế dùng trong mỹ phẩm theo quy định của Hiệp định mỹ phẩm ASEAN+, đảm bảo an toàn về sức khỏe cho người sử dụng.

- Để đáp ứng những tiêu chuẩn cho phép nhập khẩu một mặt hàng, doanh nghiệp phải đảm bảo điều kiện quy định tại Điều 34 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 về điều kiện bảo đảm chất lượng hàng hoá nhập khẩu, nghĩa vụ của người nhập khẩu quy định tại Điều 12 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007, các quy định liên quan đến quản lý nhập khẩu mỹ phẩm tại Điều 35 Thông tư 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế: Mỹ phẩm được nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam phải là loại mỹ phẩm thuộc sản phẩm nhập khẩu hợp pháp, đảm bảo những quy định về chất lượng, đủ các điều kiện để có thể lưu hành ở Việt Nam; Mỹ phẩm khi nhập khẩu về Việt Nam phải đảm bảo nhãn hiệu, không được thay đổi vỏ hay sang chiết, phải tuân thủ đúng quy định và chất lượng nhãn hiệu khi đăng ký với Bộ Y tế; Doanh nghiệp không được nhập khẩu những nhãn hiệu trùng với những nhãn hiệu đã được đăng ký độc quyền ở Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam phải chịu trách nhiệm đối với việc quản lý hồ sơ công bố chất lượng mỹ phẩm nhập khẩu.

Các biện pháp bảo đảm hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam

Để đảm bảo chất lượng hàng hóa, doanh nghiệp nên tìm hiểu thật kỹ đối tác nước ngoài trước khi ký hợp đồng. Yêu cầu nhà sản xuất cung cấp các giấy tờ liên quan về các sản phẩm thuộc sở hữu: Chứng nhận nguồn gốc xuất xứ; Chứng nhận kiểm định chất lượng; Chứng nhận lưu hành tự do hợp lệ.

Tìm hiểu và đối chiếu kỹ cũng như kiểm tra và phân tích thành phần chất lượng sản phẩm trước khi nhập khẩu. Đặc biệt cần tham khảo danh mục chất cấm trong mỹ phẩm do Nhà nước đã ban hành.

Tìm hiểu và khảo sát thị trường trong nước trước khi nhập khẩu một sản phẩm từ nước ngoài: Cần xem xét nhãn hàng đó có được cấp phép lưu hành tại Việt Nam không? Sản phẩm có thuộc danh mục kinh doanh độc quyền của doanh nghiệp khác hay không? Sản phẩm có thuộc doanh mục hạn chế nhập khẩu hay không?…

Cần kiểm định chất lượng sản phẩm nhiều lần trước khi chính thức nhập khẩu; Tìm hiểu kỹ các quy định chất lượng cũng như quy định lưu hành sản phẩm của Bộ Y tế vì quy định này có thể khác ở mỗi nước.

Mỹ phẩm nhập khẩu phải đảm bảo các quy định của pháp luật
Mỹ phẩm nhập khẩu phải đảm bảo các quy định của pháp luật

Đảm bảo các quy định về nhãn mác, chất lượng, quy cách đóng gói, quy cách bảo quản và phương thức lưu hành trên thị trường; Tránh để xảy ra việc lưu hành hàng kém chất lượng, hàng nhái hàng giả gây ảnh hương đến doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Bảo đảm điều kiện bảo quản trong quá trình vận chuyển và lưu trữ để tránh gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Tin Cùng Chuyên Mục