Gần đây, Hà Nội liên tiếp đón thêm các hãng công nghệ cung cấp dịch vụ giao nhận hàng hoá, đồ ăn. Sau một năm hoạt động tại TP HCM, Lalamove vừa gia nhập thị trường Thủ đô sáng nay (3/10). Hôm qua, Grab cũng chính thức cung cấp dịch vụ giao nhận đồ ăn (GrabFood) tại Hà Nội sau một thời gian thử nghiệm. Trước đó, Go Việt - đối tác chiến lược của "ông lớn" trong lĩnh vực đi chung xe Indonesia Go Jek ra mắt cùng lúc dịch vụ xe ôm công nghệ (Go Bike) và giao hàng (Go Send) với sự tham dự của Tổng thống Joko Widodo hồi giữa tháng 9.
Lĩnh vực giao đồ ăn, hàng hoá trực tuyến tại Việt Nam đang dần trở thành miếng bánh "béo bở". Trước khi bước chân vào thị trường Hà Nội, Lalamove đã có kinh nghiệm 5 năm hoạt động tại 112 thành phố, ở 7 quốc gia châu Á. "Đến năm 2020, Việt Nam sẽ có hơn 50 triệu khách hàng mua sắm trực tuyến. Đây là một thị trường lớn với các hãng cung cấp dịch vụ giao nhận tức thời", ông Philippe Rambaud - Trưởng bộ phận phát triển thị trường Hà Nội của đơn vị này nhận định.
Riêng với thị trường đặt món trực tuyến, theo một báo cáo của Euromonitor, lĩnh vực này ở Việt Nam có giá trị khoảng 33 triệu USD vào năm nay và dự báo đạt hơn 38 triệu USD vào năm 2020. Bởi vậy, ngày càng có nhiều doanh nghiệp muốn được chia phần.
Ông Nguyễn Đức Lợi - Giám đốc điều hành Lalamove Việt Nam đặt mục tiêu có 10.000 đối tác tài xế giao hàng thường xuyên, với thu nhập trung bình 7 triệu đồng mỗi tháng vào đầu năm sau. Doanh nghiệp này cho biết, lợi thế cạnh tranh so với các đơn vị cung cấp dịch vụ tương tự trên thị trường ở mảng vận chuyển hàng hoá là có cả ôtô, sau là xe để chở các loại hàng hoá cồng kềnh.
Trong khi đó, Jerry Lim - Giám đốc điều hành Grab Việt Nam cho biết, GrabFood tăng trưởng ấn tượng sau một tháng thử nghiệm tại Hà Nội khi số lượng đối tác kinh doanh dịch vụ này với Grab đã tăng trưởng gấp 8 lần. Đồng thời, nhờ việc giao thêm hàng hoá, đồ ăn, thu nhập các tài xế Grab đã tăng thêm 20% so với tháng 8.
|
Dịch vụ giao đồ ăn được Grab chính thức triển khai tại Hà Nội từ tháng 10. |
“GrabFood là bước phát triển quan trọng tiếp theo của Grab nhằm trở thành siêu ứng dụng đáp ứng mọi nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày của người dân. Cách các dịch vụ kết nối và bổ trợ lẫn nhau đang cho phép chúng tôi xây dựng một hệ sinh thái mang đến những lợi ích thiết thực không chỉ cho khách hàng, tài xế mà còn cho các đối tác kinh doanh và giao nhận", Giám đốc điều hành Grab tại Việt Nam chia sẻ.
Cùng chung mục tiêu phát triển thành một siêu ứng dụng như Grab, nhưng Go Viet hiện mới chỉ cung cấp dịch vụ giao hàng Go Send. Doanh nghiệp này cũng đặt kế hoạch ra mắt dịch vụ giao đồ ăn tại Việt Nam trong thời gian sớm nhất, dự kiến vào cuối năm nay. Tại thị trường Indonesia, Go Jek đã hợp tác với hơn 250.000 tiệm ăn. Năm ngoái, dịch vụ Go Send của hãng công nghệ này đã phân phối hơn 800.000 sản phẩm thời trang và 2,3 triệu mặt hàng đồ ăn cho 203.000 cửa hàng trực tuyến quy mô nhỏ.
Dù ồ ạt đổ bộ lĩnh vực giao đồ trực tuyến với tham vọng lớn, ba tân binh kể trên vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn khi hiện diện muộn hơn các thương hiệu đã được nhiều người biết đến như Delivery Now (tức Foody) và Vietnammm. Bên cạnh đó, khá nhiều tài xế cũng còn e ngại phải ứng tiền trước cho bên gửi hàng và có khả năng chịu rủi ro khi người dùng không nhận hàng hoá, món ăn. Ví dụ, Lalamove hiện áp dụng chính sách để tài xế ứng tiền, mua hộ tối đa lên đến 3 triệu đồng tại TP HCM và 2 triệu đồng tại Hà Nội.
Về phía các cửa hàng, một số đơn vị cũng chưa coi trọng việc bán, giao hàng qua ứng dụng của bên thứ ba. Trao đổi với VnExpress, đại diện một chuỗi cửa hàng trà sữa ở Hà Nội nói, doanh thu chủ yếu vẫn đến từ kênh bán hàng trực tiếp và đặt, giao hàng qua số điện thoại, ứng dụng của chính cửa hàng. Thời gian tiếp nhận và giao đơn hàng của hệ thống này vẫn nhanh hơn qua ứng dụng của bên thứ ba. Vị này cho biết, khi ngày càng có nhiều hãng cung cấp dịch vụ giao hàng, yếu tố mà doanh nghiệp quan tâm nhất là chính sách hỗ trợ và chiết khấu.
Trong bối cảnh cuộc đua giao hàng trực tuyến nóng lên, khách hàng sẽ ngày càng được hưởng lợi, có thêm nhiều lựa chọn khi các hãng đua cạnh tranh bằng cách tung khuyến mại, nâng cao chất lượng dịch vụ... để giành thị phần. Đại diện các hãng như Grab, Go Viet hay Lalamove đều khẳng định, cạnh tranh là tốt cho thị trường, người tiêu dùng, cũng như bản thân doanh nghiệp. Lãnh đạo một trong ba đơn vị này còn cho rằng thị trường Việt Nam sẽ có thêm nhiều đối thủ trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng dự báo, sự bùng nổ này sẽ sớm châm ngòi cuộc chiến giữa các hãng giao hàng công nghệ với các doanh nghiệp truyền thống trong lĩnh vực này như Uber, Grab với taxi truyền thống trước đây.