Trong phần cuối của màn giới thiệu Bphone 3, Nguyễn Tử Quảng nhận xét về sản phẩm của mình: "Chất thật!" và những tràng vỗ tay trong buổi ra mắt lần này khi công bố mức giá gần 7 triệu đồng cũng "thật hơn". Nếu so với 2 lần ra mắt Bphone 1 và Bphone 2, lần thứ 3 là sự thay đổi lớn với từ ngữ bớt "đao to búa lớn".
Với mức giá 6,99 triệu đồng cùng thiết kế tràn đáy, tính năng chống nước chuẩn IP68, camera AI chụp xóa phông chuyên nghiệp… Bphone 3 được nhiều người đánh giá là có khả năng cạnh tranh trong phân khúc tầm trung. Thế nhưng, khi sản phẩm có nhiều cải thiện hơn nhiều so với trước, đối tác phân phối mà BKAV chọn lại không còn Thế giới di động. Thay vào đó, BKAV chọn 300 cửa hàng bán điện thoại trên toàn quốc mà Nguyễn Từ Quảng gọi là các "đối tác liên kết".
Bí ẩn của "đối tác liên kết"
Tại sao BKAV chọn các "đối tác liên kết" mà không chọn các chuỗi cửa hàng phân phối smartphone lớn mà cái tên nổi tiếng nhất là Thế giới di động? Câu chuyện phân phối Bphone 2 đã cho thấy rõ, các thương hiệu phân phối lớn không đủ nhiệt tình để thúc đẩy việc bán Bphone. Bởi nếu so với nhiều sản phẩm ở phân khúc cao cấp hoặc cận cao cấp, doanh số bán Bphone 2 khó tương xứng với nỗ lực họ bỏ ra.
Và khi đặt cược vào các "đối tác liên kết", BKAV đã chấp nhận một cuộc chơi hoàn toàn khác so với trước. Thay vì những tuyên bố "quăng bom", Nguyễn Tử Quảng chỉ quăng "lựu đạn" vừa tầm với sản phẩm đã được nỗ lực cải tiến mà như ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương nói trong buổi ra mắt là "rất kinh ngạc".
Việc phân phối đã được BKAV trao cho những cửa hàng bán điện thoại bình thường, chấp nhận đi thị trường ngách – nơi mà vị trí dành Bphone 3 sẽ nổi bật hơn và được coi như một flagship ở đó.
Thế nhưng, ngay cả khi chấp nhận đi vào thị trường ngách, BKAV vẫn phải chấp nhận một cuộc chơi rủi ro lớn. Trao đổi với chúng tôi tại buổi trải nghiệm sản phẩm sau màn ra mắt Bphone 3, anh Nguyễn Danh Đức – chủ một cửa hàng bán điện thoại di động ở 1207 đường Ngô Quyền, thành phố Đà Nẵng cho biết: BKAV bán ký gửi Bphone 3. "Mình thấy sản phẩm này cũng tốt, giá ổn lại được ký gửi nên ủng hộ nhiệt tình thôi", anh Danh Đức chia sẻ.
Ông chủ của "đối tác liên kết" với BKAV cho biết, với việc tài trợ chi phí, mời nhiều chủ cửa hàng bán điện thoại trên khắp đất nước về dự lễ ra mắt Bphone 3, cộng với ký gửi điện thoại tại các cửa hàng, số tiền phải bỏ ra là rất lớn. Tuy nhiên, đổi lại, với các cửa hàng như của anh Danh Đức thì Bphone 3 sẽ nhận được sự quan tâm, thúc đẩy nhiệt tình hơn rất nhiều so với đặt tại các chuỗi phân phối smartphone lớn.
Chấp nhận đi thị trường ngách, BKAV còn chấp nhận thêm một việc khác không giống với những tuyên bố của Nguyễn Tử Quảng. Họ co về những fan ủng hộ mình để bắt đầu lan ra chứ không đánh rộng trên mọi mặt trận như trước.
Lòng tự hào và "những giọt máu cuối cùng"
Sau buổi ra mắt, Bphone 3 nhận được nhiều đánh giá tích cực từ giới công nghệ và bắt đầu với những cải tiến về sản phẩm, mức giá hợp lý… chứ không phải vì những phát ngôn "nổ tung trời" của Nguyễn Tử Quảng như trước đây.
Khi bình luận về lòng tự hào với Bphone 3, một nhà báo trả lời người bạn trên facebook cá nhân của mình: "Tự hào chứ anh. Em chỉ nghĩ đơn giản nếu cầm điện thoại này gặp người nước ngoài, mình có thể nói rằng: ‘Đây là điện thoại do nước tao sản xuất'. Thế là oai rồi. Dùng từ tự hào cho nó đúng văn phong báo chí, chứ thực chất nó là từ ‘oai’, dưới hãnh diện một chút. Không sao cả!".
Câu chuyện về "tinh thần dân tộc" với Bphone mà Nguyễn Tử Quảng từng bị cộng đồng mạng chế giễu, "ném đá" rất nhiều giờ quay trở lại nhưng dưới một cái nhìn chia sẻ và cảm thông hơn.
Thế nhưng, tất cả những tín hiệu tích cực cùng với sự thay đổi mạnh mẽ trong sản phẩm, tiếp cận thị trường của Nguyễn Tử Quảng cũng như BKAV không thể thay đổi được một điều: họ đang đứng trước một canh bạc gần như chót. Đầu tư khoảng 500 tỷ đồng vốn tự có trong 10 năm (như Nguyễn Tử Quảng tiết lộ), không thể vay được vốn ngân hàng nhưng vẫn tiếp tục sản xuất và phân phối Bphone 3 theo hình thức ký gửi qua 300 đối tác liên kết, Nguyễn Tử Quảng có lẽ đang "đốt đến những giọt máu cuối cùng".
Năm 2015, BKAV lãi chỉ 5,7 tỷ đồng – đây cũng là năm ra mắt Bphone 1; năm 2016 lỗ 5,3 tỷ đồng và năm 2017 lãi 8,7 tỷ đồng. Với mức lợi nhuận có cải thiện chút ít nhưng khi đem so sánh với "canh bạc lớn" của Bphone 3, cơ hội tiếp tục nếu Bphone 3 thất bại là vô cùng khó khăn. Trước đó, Nguyễn Tử Quảng phải dùng lợi nhuận tích lũy những năm trước để đầu tư cho Bphone.
Tính đến chiều 11/10, hơn 1 ngày kể từ khi ra mắt Bphone 3, đã có hơn 3.200 khách hàng đặt mua sản phẩm – một con số không tồi nếu so sánh với 12.000 sản phẩm Bphone 1 và Bphone 2 được bán ra trong suốt 3 năm qua. Thế nhưng, Bphone 3 có thể thành công thực sự hay không thì còn phải chờ thời gian mới có câu trả lời chính xác.