Ngày pháp luật

Bốn năm xử lý, chỉ một đại dự án thua lỗ được rời khỏi danh sách 'đen'

Theo Kinh tế Sài Gòn

Sau hơn bốn năm bị phát hiện và phải xử lý, 12 đại dự án thua lỗ của ngành Công Thương hầu hết vẫn “dậm chân tại chỗ”, duy nhất chỉ có dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP 1 Hải Phòng đủ điều kiện được xem xét đưa ra khỏi danh sách “đen”.

Có dự án thoát lỗ và lỗ trở lại

Kế hoạch sẽ xử lý dứt điểm 12 đại dự án thua lỗ của ngành Công Thương vào cuối năm 2020 này của Chính phủ không thể hoàn thành.

Báo cáo của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 19-8 về việc thực hiện Nghị quyết số 60/QH 14 tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, quản lý về sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, dẫn lời của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, tính đến 24/6/2020, chỉ có dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP 1 Hải Phòng đủ điều kiện xem xét đưa ra khỏi danh sách 12 dự án "đen" này.

Cho dù đến nay, Chính phủ đã đã yêu cầu các bộ, ngành, doanh nghiệp tích cực hơn nữa để xử lý, không kéo dài công tác xử lý quá nửa đầu năm 2021 nhưng thực tế là một việc rất khó. Lý do: các dự án còn quá nhiều vấn đề phải xử lý và Nhà nước kiên quyết không cấp thêm vốn để xử lý những vấn đề này.

Dự án Bột giấy Phương Nam trong danh sách 12 đại dự án thua lỗ của ngành Công Thương mà Chính phủ liên tục phải trả nợ thay. Ảnh: Báo Tuổi trẻ.
Dự án Bột giấy Phương Nam trong danh sách 12 đại dự án thua lỗ của ngành Công Thương mà Chính phủ liên tục phải trả nợ thay. Ảnh: Báo Tuổi trẻ.

Trong số 12 dự án nói trên, năm 2018 - 2019 có hai dự án là DAP-1 Hải PhòngThép Việt Trung, doanh nghiệp có lãi nhưng vẫn còn phát sinh lỗ lũy kế. Tuy nhiên, đến hết quý I/2020, hai dự án này có kết quả kinh doanh lỗ.

Bốn dự án từng bước khắc phục khó khăn, giảm lỗ, gồm Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP-2 Lào Cai và Công nghiệp tàu thủy Dung Quất DQS. Một dự án, doanh nghiệp dừng hoạt động nay đã vận hành trở lại là Nhà máy Xơ sợi Polyester Đình Vũ PVTex. Hai dự án đủ điều kiện vận hành trở lại nhưng chưa khởi động do điều kiện thị trường khó khăn (Nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và Bình Phước).

Với dự án Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ (Hải Phòng), vụ việc tranh chấp Hợp đồng EPC đối với Tổng thầu Trung Quốc đã được xử lý. Còn ở dự án Liên doanh nhà máy thép Việt Trung, đã rà soát pháp lý, đàm phán thành công việc sửa đổi bổ sung các căn cứ pháp lý (hợp đồng liên doanh, điều lệ liên doanh) bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho các bên góp vốn.

Chính phủ khẳng định, các dự án đều đã được tiến hành thanh tra các cấp (12/12 dự án), kiểm toán (7/12 dự án), điều tra và khởi tố (4/12 dự án), để làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan.

Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu hướng dẫn triển khai các nội dung xử lý đối với 12 dự án theo hướng không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý thua lỗ của doanh nghiệp phù hợp tình hình thực tế, cố gắng cao nhất để có thể xử lý dứt điểm các dự án, doanh nghiệp, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho Nhà nước. Như hướng dẫn giãn, giảm mức trích khấu hao tài sản (một trong những giải pháp tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí cho doanh nghiệp).

Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính hướng dẫn giãn, giảm mức trích khấu hao tài sản cố định đối với các doanh nghiệp thuộc Vinachem. Doanh nghiệp đã thực hiện từ năm 2017 đến nay.

Đối với dự án thua lỗ mà Tập đoàn dầu khí (PVN) phải quản lý như các dự án Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ, dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất, Thủ tướng đã giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước (sau đây gọi tắt là Ủy ban - NV) tại doanh nghiệp chỉ đạo PVN yêu cầu đơn vị thành viên khẩn trương thực hiện quyết toán tổng mức đầu tư.

Cùng với đó, PVN cập nhật đánh giá lại hiệu quả dự án sau khi điều chỉnh lại thời gian khấu hao và chủ động làm việc với bên cho vay để đạt được thỏa thuận các bên cho vay đồng ý tái cấu trúc khoản vay (gia hạn, khoanh nợ…) làm cơ sở để cấp có thẩm quyền xem xét kiến nghị của PVN về giãn, khoanh khấu hao tài sản cố định.

Bộ Tài chính cũng đã hướng dẫn xử lý vướng mắc giữa PVN và Vinashin (SBIC) trong bàn giao nguyên trạng con tàu 104.000 tấn từ Vinashin sang PVN (nằm trong danh mục 12 Dự án yếu kém, thua lỗ ngành Công Thương). Đến nay Ủy ban và Bộ Giao thông Vận tải đang phối hợp chỉ đạo PVN và SBIC thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Vướng mắc ở xử lý dư nợ

Trong nhiều báo cáo gửi Quốc hội ở các kỳ họp trước, Chính phủ cho biết, 12 dự án này có tổng mức đầu tư ban đầu là 43.673 tỷ đồng, sau khi được phê duyệt đã điều chỉnh lên 63.610 tỷ đồng, tăng hơn 45,65%. Trong đó, vốn chủ sở hữu là 14.350 tỷ đồng, vốn vay 47.451 tỷ đồng (chiếm gần 75%), còn lại từ các nguồn khác. Trong số này, vay các ngân hàng trong nước 41.801 tỷ, vay nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ 6.617 tỷ đồng.

Riêng về xử lý nợ, lãi suất vay vốn của các dự án, doanh nghiệp tại Ngân hàng phát triển Việt Nam (NHPT). Ngân hàng này đã cho vay tổng cộng bảy dự án. Đến ngày 31/12/2019, có sáu dự án còn dư nợ, gồm Dự án sản xuất phân bón DAP số 2 Lào Cai; Dự án cải tạo, mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc; Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; Dự án Mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên; hai dự án/khoản vay của Nhà máy Công nghiệp tàu thủy Dung Quất.

Đến nay, ngân hàng còn tồn gần 10.000 tỷ đồng dư nợ gốc và hơn 1 triệu đô la Mỹ. Chưa tính dư nợ lãi đến hạn chưa trả khoảng 4.500 tỷ đồng. Hai năm 2015-2017, trên cơ sở đề xuất của chủ đầu tư và khó khăn thực tế của các dự án, NHPT đã điều chỉnh mức trả nợ trong các kỳ hạn trả nợ theo hợp đồng tín dụng.

Tuy nhiên, với tình hình thực tế của các dự án, việc áp dụng giải pháp tín dụng không giải quyết được những khó khăn mà cần thiết phải áp dụng các biện pháp mạnh mẽ và triệt để hơn (gia hạn nợ vay, giảm lãi suất, khoanh nợ…) và một số cơ chế chính sách khác (thuế VAT, khấu hao…) thì dự án mới có thể hoạt động bình thường và có nguồn trả nợ.

Bộ Tài chính cũng nhận thấy rằng trường hợp cơ chế xử lý, phương án sản xuất kinh doanh và tài chính cho các dự án chưa được cấp có thẩm quyền đánh giá và phê duyệt thì việc áp dụng các giải pháp xử lý rủi ro và giảm lãi suất cho các dự án không đảm bảo tính khả thi, nợ xấu tiếp tục tăng cao, ảnh hưởng đến tình hình tài chính và tác động tiêu cực đến việc thực hiện Đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2019 - 2021 của Ngân hàng phát triển. Các giải pháp để xử lý tài chính vẫn chưa được phê duyệt .

Do đó, chỉ khi nào tổng thể cơ chế xử lý, phương án sản xuất kinh doanh và tài chính cho các dự án được phê duyệt đồng bộ thì các giải pháp xử lý rủi ro cho 11 dự án thua lỗ nặng nề mới có hướng ra sáng sủa hơn, thay cho tình trạng lơ lửng hiện tại.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục