Ngày pháp luật

Bốn bài học thành công tỷ phú Warren Buffett gửi đến cổ đông Berkshire

Theo Ngọc Trang/VnEconomy

Dưới đây là 4 lời khuyên về thành công trong kinh doanh mà tỷ phú 88 tuổi gửi tới các cổ đông của mình trong những lá thư đầu tiên, theo CNBC.

Warren Buffett mua lại Berkshire Hathaway vào năm 1965, khi đó là một công ty dệt sắp phá sản. Hiện nay, Berkshire Hathaway trở thành đế chế đầu tư với vốn hoá hơn 500 tỷ USD. Mỗi năm, ông đều viết một lá thư gửi cho các cổ đông của công ty. Dưới đây là 4 lời khuyên về thành công trong kinh doanh mà tỷ phú 88 tuổi gửi tới các cổ đông của mình trong những lá thư đầu tiên, theo CNBC.

Bốn bài học thành công tỷ phú Warren Buffett gửi đến cổ đông Berkshire - Ảnh 1

 

Bằng cấp không phải tất cả 

Trong thư gửi cổ đông vào năm 1988, Buffett khen ngợi thành tích của đội ngũ quản lý vận hành của Berkshire Hathaway và nhấn mạnh sự chú trọng tới kinh nghiệm trong tuyển dụng của mình.

"Kinh nghiệm của chúng ta với những thạc sĩ quản trị kinh doanh mới ra trường không phải quá tuyệt vời", Buffett viết. "Bảng điểm của họ luôn rất ấn tượng và các ứng viên luôn biết phải nói gì; nhưng họ thường không có cam kết cá nhân với công ty cũng như hiểu biết về kinh doanh nói chung. Rất khó để dạy cho những người mới những kỹ năng cũ".

Không làm tất cả vì tiền 

Có rất nhiều cách để Berkshire Hathaway có thể kiếm được nhiều tiền hơn, Buffett viết trong thư gửi cổ đông năm 1989. Nhưng tiền không phải là tất cả.

"Chúng ta có thể thu về lợi nhuận sau thuế lớn hơn bằng việc thường xuyên luân chuyển giữa các khoản đầu tư", huyền thoại đầu tư viết. Nhưng kinh nghiệm đã dạy cho Buffett cũng như cộng sự lâu năm của ông - Charlie Munger "không làm vậy, kể cả khi việc này đồng nghĩa lợi nhuận sẽ ít đi".

"Lý do của chúng tôi rất đơn giản. Chúng tôi thấy rằng những mối quan hệ kinh doanh tuyệt vời là rất quý giá, đến mức chúng tôi muốn duy trì tất cả những gì đã phát triển", Buffett tiếp tục. "Cân nhắc điều đó, chúng tôi cho rằng sẽ chẳng ý nghĩa nếu từ bỏ thời gian với những người mà mình biết chắc là rất thú vị và đáng ngưỡng mộ để đến với những người mà mình không hề biết, những người với phẩm chất kém xa mức trung bình. Điều này giống như trở thành nô lệ của đồng tiền - một sai lầm lớn trong hầu hết tình huống và là sự điên rồ nếu một người đã giàu có rồi".

Tìm cách tránh những rào cản lớn, thay vì cố sức vượt qua

Theo Warren Buffett, không cần thiết phải cố gắng giải quyết một vấn đề nan giải nếu bạn có thể tìm một cách khác để tránh nó.

"Sau 25 mua và giám sát vô số công ty, Charlie và tôi không học cách giải quyết các vấn đề khó trong kinh doanh. Điều chúng tôi học được là tránh chúng", Buffett viết trong thư gửi cổ đông năm 1989. "Ở mức độ nào đó, chúng tôi đã thành công, bởi vì chúng tôi luôn tập trung vào những rào cản mà mình có thể vượt qua chứ không phải vì chúng tôi có khả năng đạp đổ những rào cản lớn".

Không bao giờ có được thương vụ tốt với một người xấu 

"Sau một vài sai lầm, tôi học được rằng chỉ làm kinh doanh với những người mà tôi quý mến, tin tưởng và ngưỡng mộ", Buffett viết trong thư năm 1989.

"Như tôi từng đề cập trước đây, bản thân nguyên tắc này không đảm bảo mang lại thành công: Một nhà máy dệt hay công ty bách hoá hạng hai sẽ không làm ăn phát đạt chỉ bởi họ có những quản lý tốt. Nhưng ông chủ hay nhà đầu tư của một công ty sẽ thành công nếu có thể hợp tác cùng với những người như vậy trong kinh doanh. Chúng ta không thể có một thương vụ tốt với một người xấu", Buffett viết.

Tin Cùng Chuyên Mục