Công tác xã hội thúc đẩy sự biến đổi xã hội, hướng tới tiến bộ và công bằng xã hội
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế Cao Đăng Vinh cho biết, hiện nay hệ thống luật pháp và chính sách của Việt Nam đã có những quy định trong trợ giúp đối tượng là người vi phạm pháp luật và người là nạn nhân của xâm hại, bạo lực, bóc lột, mua bán tại các Luật, nghị định, đặc biệt đối tượng là người chưa thành niên.
Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện nay vẫn chưa có quy định rõ ràng, cụ thể về công tác xã hội tham gia trong hệ thống tư pháp một cách có hệ thống như: Chưa có quy định về vị trí, vai trò, chức năng, trách nhiệm và quyền hạn của người làm công tác xã hội; các quy định về việc hỗ trợ, trợ giúp các đối tượng trong hệ thống tư pháp còn rải rác, manh mún ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Điều này cũng làm ảnh hưởng đến việc phát triển các quy định phát triển dịch vụ công tác xã hội chuyên nghiệp trong lĩnh vực Tư pháp và cả các lĩnh vực khác.
Nắm bắt được sự tất yếu của xã hội về nhu cầu công tác xã hội, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo Bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp về phát triển công tác xã hội. Tại đây, các chuyên gia sẽ khai thác những chiều cạnh khác nhau của công tác xã hội trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.
Mục tiêu của công tác xã hội không phải là cứu trợ và giúp đỡ những khó khăn trước mắt của các cá nhân hay cộng đồng mà chủ yếu là giúp họ nhận thức, giải quyết những vấn đề của mình và vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng, góp phần ổn định, thúc đẩy xã hội phát triển. Công tác xã hội hướng tới tạo ra “thay đổi” tích cực trong xã hội, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho tất cả mọi người đặc biệt là những nhóm người yếu thế. Công tác xã hội thúc đẩy sự biến đổi xã hội, tăng cường các mối tương tác hài hoà giữa cá nhân, gia đình và xã hội hướng tới tiến bộ và công bằng xã hội.
Nâng cao vai trò của hoạt động công tác xã hội trong các lĩnh vực của đời sống, xã hội
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã trình bày các tham luận về: Nâng cao vai trò của hoạt động công tác xã hội trong lĩnh vực giáo dục - một số kiến nghị và đề xuất; Nâng cao vai trò phối hợp của công tác xã hội trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý cho các đối tượng yếu thế; Quá trình xây dựng Nghị định về công tác xã hội và một số nội dung chính nêu tại dự thảo Nghị định về công tác xã hội; Vai trò phối hợp của công tác xã hội trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý cho các đối tượng yếu thế - Thực tiễn tại địa bàn thành phố Hà Nội; Nâng cao vai trò của công tác xã hội trong lĩnh vực nuôi con nuôi; Nâng cao vai trò của hoạt động công tác xã hội trong lĩnh vực y tế.
Kết luận Hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế Cao Đăng Vinh đánh giá cao những tham luận của các chuyên gia về việc nâng cao vai trò của công tác xã hội, đồng thời ghi nhận, tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội thảo.
Theo đánh giá, với thực trạng pháp luật Việt Nam hiện nay quy định về việc hỗ trợ, trợ giúp các đối tượng yếu thế trong xã hội thì đã đến lúc cần nghiên cứu để xây dựng một đạo luật riêng về công tác xã hội (Luật Công tác xã hội), trong đó có các quy định về công tác xã hội trong lĩnh vực Tư pháp như: vai trò, vị trí, chức năng, trách nhiệm của nhân viên công tác xã hội trong việc cung cấp các dịch vụ công tác xã hội chuyên nghiệp trong hệ thống tư pháp; yêu cầu năng lực, trình độ chuyên môn cán bộ làm công tác xã hội trong lĩnh vực Tư pháp; tổ chức tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ bảo đảm tính chuyên nghiệp của các dịch vụ can thiệp….
Công tác xã hội không chỉ được hiểu đơn giản là những hoạt động từ thiện mà “Công tác xã hội là nghề nghiệp tham gia giải quyết vấn đề liên quan tới mối quan hệ của con người và thúc đẩy sự thay đổi xã hội, tăng cường sự trao quyền và giải phóng quyền lực nhằm nâng cao chất lượng sống của con người. Công tác xã hội sử dụng các học thuyết về hành vi con người và lý luận về hệ thống xã hội vào can thiệp sự tương tác của con người với với môi trường sống.”