Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng xem xét cho phép Tổng công ty Sông Đà được tham gia thi công một số đoạn cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông, giai đoạn 2017 - 2020 theo hình thức chỉ định thầu. Theo Bộ, việc làm này nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực con người, thiết bị sẵn có, kinh nghiệm của doanh nghiệp, đồng thời cũng đúng với chủ trương chuyển đổi hình thức đầu tư một số dự án PPP sang đầu tư công.
Tổng công ty Sông Đà được cổ phần hóa từ năm 2018. Sau cổ phần hóa, Bộ Xây dựng là cơ quan đại diện chủ sở hữu cổ phần vốn nhà nước, nắm giữ 99,7% vốn điều lệ.
HIện tại, Tổng công ty Sông Đà có hơn 20.000 cán bộ, công nhân viên, kỹ sư và từng thi công các công trình trọng điểm quốc gia như Nhà máy thủy điện Hòa Bình, thủy điện Ialy, thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, cao tốc Hà Nội - Lào Cai, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi…
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng cho biết, hiện Sông Đà gặp nhiều khó khăn, áp lực về duy trì việc làm, bảo đảm đời sống của người lao động, cũng như sử dụng hiệu quả thiết bị đã đầu tư.
Cuối năm 2019, trong một báo cáo, Bộ Tài chính cho biết, kết hợp nhất cho thấy doanh thu và lợi nhuận của Sông Đà cũng giảm mạnh. Doanh thu đạt 6.300 tỷ đồng, giảm gần 3.400 tỷ đồng so với 2017. Lợi nhuận kế toán sau thuế cũng chỉ đạt hơn 333 tỷ đồng, giảm 40%.
Đặc biệt, nợ phải trả của Sông Đà là 11.135 tỷ đồng, nợ phải thu cũng lên tới 8.000 tỷ. Công nợ của công ty mẹ chủ yếu liên quan đến các khoản phải thu và phải trả với các công ty con và liên kết. Do vậy, mặc dù các chỉ số cho thấy công ty mẹ - tổng công ty có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn nhưng Bộ Tài chính đánh giá vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu các công ty con, liên kết gặp khó khăn, không có khả năng trả.
Tình trạng nợ phải trả tại Tổng công ty Sông Đà kéo dài suốt 3 năm nay vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện. Từ năm 2016, trong phương án cổ phần hóa được phê duyệt, các cơ quan liên quan đã cảnh báo về tình hình nợ và hiệu quả kinh doanh.