Người đứng đầu ngành Kế hoạch cho biết điểm đáng chú ý nhất trong năm 2018 là Bộ đã tham mưu tư tưởng, chính sách tiến bộ, cơ chế vượt trội trong dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, hay thường được biết đến với tên Luật Đặc khu. Mặt khác, việc tham gia xây dựng Luật Quy hoạch, Luật Đối tác công tư… được xem là sự từ bỏ lớn.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tổng kết của Bộ Kế hoạch Đầu tư sáng 16/1, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định nền kinh tế trong năm 2018 đã phát triển một tích cực, từng bước củng cố năng lực nội tại, khả năng chống chịu của nền kinh tế trước sự thay đổi của thế giới.
Theo ông, việc đạt tốc độ tăng GDP 7,08% và ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tài chính, thương mại thế giới có nhiều biến động, nhiều nền kinh tế tăng trưởng chậm lại là một minh chứng rõ nét.
Một đặc biệt nữa của năm 2018, theo Bộ trưởng là kết quả đạt được không chỉ toàn diện trên tất cả các ngành, lĩnh vực mà còn toàn diện ở tất cả các địa phương.
Theo đó, ông điểm lại 3 điểm tích cực đã đạt được trong năm vừa qua.
Thứ nhất, ngành kế hoạch đã đạt được sự đoàn kết, nhất trí, đồng lòng của toàn thể cán bộ, công chức, các đơn vị chuyên môn, tổ chức đảng, đoàn thể của cơ quan, quán triệt và phát huy hiệu quả chỉ đạo, giám sát của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng.
Thứ hai, ngành đã quyết tâm cải cách, đổi mới đã được đẩy mạnh và lan tỏa trong toàn ngành và cơ quan, trong công tác chuyên môn, đảng và đoàn thể.
"Đáng chú ý nhất là Bộ đã tham mưu tư tưởng chính sách tiến bộ, cơ chế vượt trội trong dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Quyết tâm vượt qua chính mình, từ bỏ lợi ích riêng để giải phóng nguồn lực quốc gia khi tham mưu xây dựng Luật Quy hoạch, Luật Đối tác công tư, sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp cũng như các nghị định có liên quan", Bộ trưởng Dũng nói.
Bộ cũng đã tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh, thủ tục hành chính. Mạnh dạn đề xuất gỡ bỏ những quy định ràng buộc dễ dẫn tới xin - cho, lợi ích nhóm như bãi bỏ giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án BOT, BT, bãi bỏ quy hoạch sân golf... Quyết liệt đổi mới công tác kế hoạch hóa, áp dụng công nghệ thông tin, tổ chức họp trực tuyến giữa Bộ và các địa phương...
Thứ ba, theo Bộ trưởng Dũng, Bộ đã triển khai hiệu quả công tác phối hợp, nhất là với Văn phòng Chính phủ, các bộ, cơ quan tổng hợp vĩ mô, các cơ quan chuyên môn của Đảng, Quốc hội... trong tham mưu chính sách, giải pháp điều hành của Chính phủ.
Điển hình là Nghị quyết số 01, số 02, các báo cáo lớn đánh giá giữa kỳ Kế hoạch 5 năm về kinh tế - xã hội, đầu tư công, báo cáo tình hình thực hiện các Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XII…
Bộ đã tận dụng cơ hội, tiên phong đi đầu cùng các bộ, ngành, địa phương tham mưu, tổ chức thực hiện và phát triển Mạng lưới sáng tạo Việt Nam, xây dựng Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đề án thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, đề án kinh tế chia sẻ. Tổ chức tổng kết 30 năm đầu tư nước ngoài tại Việt Nam để tham mưu, kiến nghị định hướng thu hút FDI…