Xuất hiện trong tập 10 Shark Tank Việt Nam là Nguyễn Bá Cảnh Sơn - CEO kiêm đồng sáng lập dự án xe máy điện DATBIKE, kêu gọi 50.000 USD cho 0,5% cổ phần công ty, tức định giá 10 triệu USD.
Nhân tài bỏ thung lũng Silicon, về nước lập nghiệp vì môi trường
Cảnh Sơn giới thiệu anh sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng, sau đó từng đến thung lũng công nghệ làm việc nhưng đã quyết định trở về Việt Nam. "Tại Silicon em làm kỹ sư phần mềm. Em suy nghĩ mãi rằng ở đó, làm cho trang web chạy nhanh hơn hay hệ thống xử lý dữ liệu được nhiều hơn có thật sự quan trọng hay không khi mà việc căn bản nhất của cuộc sống là hít thở thì người thân, bạn bè của mình còn chưa có, nên đã quyết định quay trở về thành lập DATBIKE" - Sơn nói.
Theo đó, điều khiến anh trăn trở là môi trường không khí ở Việt Nam ngày càng nhiều khói bụi, ai ra đường cũng đeo khẩu trang và DATBIKE hi vọng giải quyết bài toán này bằng dự án xe máy điện của mình.
Sơn cho biết các bộ phận của xe đều do DATBIKE thiết kế và được sản xuất tại Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc, Hong Kong và Hàn Quốc. Một chiếc xe máy điện DATBIKE có giá 59,9 triệu đồng, hiện khuyến mãi còn 39,9 triệu đồng.
Công suất động cơ là 4.500 W, sạc đầy pin dưới 3 tiếng và đi được 100 km. Tốc độ tối đa của xe đạt 80km/h, để tăng tốc từ 0km lên 50km chỉ cần chưa tới 3 giây. Chi phí sạc điện là 5.000 đồng/100km trong khi xe máy hiện nay ngốn tới 50.000 đồng tiền xăng cho khoảng cách tương tự.
Bị 4 cá mập "đánh đập" không thương tiếc
Đầu tiên các shark đều công nhận Nguyễn Bá Cảnh Sơn là một nhân tài và bày tỏ sự trân trọng khi anh quyết định từ bỏ sự nghiệp ở thung lũng Silicon trở về nước. "Em là thế hệ thanh niên đi thật xa để trở về. Sự dấn thân đấy anh đánh giá rất cao" - shark Dũng khẳng định.
Tuy nhiên điều khiến các shark lo ngại nhất là công suất xe điện quá lớn, tương đương xe máy phân khối 125cc, tiềm ẩn nguy hiểm cao. Startup khẳng định tất cả yếu tố đều lập trình được, đội ngũ DATBIKE sẽ chỉnh tùy theo người sử dụng.
Một yếu tố khác nữa là giá thành xe cũng đắt, lên tới 39,9 triệu khi khuyến mãi, thậm chí giá thông thường gần 60 triệu. Như thường lệ, shark Bình nói thẳng thắn "anh thấy em chẳng có cơ hội nào cả"! Shark cho biết mình không ủng hộ xe máy xăng nhưng mức giá này thì người ta có thể mua xe máy chạy xăng rất đẹp và tiện ích. Hơn nữa thị trường đang có những ông lớn với mạng lưới phân phối toàn quốc, có khả năng sản xuất được xe điện giá thành rẻ hơn DATBIKE nhiều.
Sơn cho biết các hãng lớn nhắm tới là sản phẩm quốc dân còn DATBIKE nhắm tới sản phẩm cá nhân hoá của người sử dụng. Ngoài ra, đây là xe điện đầu tiên sạc điện thời lượng dưới 3 tiếng đi được 100 km. Cũng là xe điện đầu tiên của Việt Nam có công suất ngang với 1 xe máy xăng - hiện tiên phong trên thị trường.
Đồng thời, Sơn dẫn chứng 2 công ty sản xuất xe điện hàng đầu thế giới tại Trung Quốc và Đài Loan khi mới thành lập đã có giá trị 50 triệu USD. Hiện tại, cả hai đều trên 1 tỷ USD. CEO cũng cho biết nhu cầu xe điện trên thế giới rất cao.
Trước lập luận này, các shark lại nảy sinh tranh cãi về nhu cầu của thị trường Việt Nam. Ngoài ra, các cá mập cho rằng việc so sánh với 2 startup xe điện ở Trung Quốc và Đài Loan là có phần khập khiễng. Lí do vì họ có hệ sinh thái lớn từ trước, thu nhập của người dân cũng cao.
Cuối cùng, shark Dũng và shark Liên quyết định không đầu tư vì không thuộc lĩnh vực sở trường. Shark Việt và shark Bình không tin vào viễn cảnh mà startup vẽ ra.
Trước những cái lắc đầu thẳng thừng của 4 cá mập khiến startup bị dồn nén quá nhiều cảm xúc, shark Dũng muốn "giải vây" khi cho biết: "Bản thân anh khi sang Mỹ, gặp rất nhiều người, nói về giấc mơ khởi nghiệp nhưng khi những người trẻ như em về khởi nghiệp mà không hỗ trợ gì thì cảm thấy không phải". Shark Dũng bày tỏ hi vọng được hợp tác cùng shark Hưng - người duy nhất chưa đưa ra quyết định. Tuy nhiên lời đề nghị của shark Dũng bị bỏ ngỏ khi shark Hưng đã có nhiều tính toán khác.
Shark Hưng rót 60.000 USD, tiết lộ kế hoạch lớn
Sau khi ở thế "một mình một cõi", shark Hưng mới cho biết đang có vị trí khu đất ở Đà Nẵng, có sẵn hạ tầng để DATBIKE tham gia sản xuất. Ngoài ra còn đang làm việc với một quỹ đầu tư rất lớn, có mối quan hệ quen biết với tỷ phú công nghệ Elon Musk, cũng như đang thương thảo trong dự án hàng triệu ở với đối tác Mỹ về dự án xe điện.
Đáp lại, Sơn cho biết mong muốn tham gia vào hệ sinh thái của shark Hưng. Đội ngũ của mình cũng có người thuộc team sáng tạo Snapchat và một người khác chuyên về thiết bị tự lái.
Shark Hưng đưa ra offer 50.000 USD cho 2% cổ phần, kèm 2% ESOP. Startup đề nghị 60.000 USD có điều kiện đi kèm và được cá mập gật đầu chấp nhận. CEO Cảnh Sơn vỡ òa trong niềm vui, cho rằng đây là cơ hội đẩy nhanh cuộc cách mạng xe điện.