Bố ơi mình đi đâu thế? 2025 - tập 9: Dàn cast mở mini concert tại đình làng, Neko Lê, Trung Ruồi, Duy Hưng lần đầu hát xẩm

Hà Minh

Tập 9 của “Bố ơi mình đi đâu thế? 2025” là câu chuyện đầy cảm xúc về hành trình lần đầu chạm ngõ nghệ thuật hát xẩm của các cặp bố con - kết thúc bằng một mini concert rộn ràng tiếng cười giữa sân đình làng cổ. Điều đặc biệt không chỉ đến từ tinh thần nhập cuộc hết mình của các ông bố nghệ sĩ, mà còn từ những khoảnh khắc các bạn nhỏ tự tin mời gọi bà con, chủ động giao tiếp, vượt qua sự rụt rè để cùng bố chinh phục thử thách của chương trình.

Một chiều hội làng rộn ràng tiếng cười và những tràng vỗ tay không dứt đã diễn ra tại Cố Viên Lầu - một điểm đến nằm trong vùng đệm của Quần thể di sản thế giới Tràng An, Ninh Bình - khi dàn bố con của chương trình “Bố ơi mình đi đâu thế? 2025” bất ngờ tổ chức một mini concert dân gian giữa sân đình.

Đạo diễn Neko Lê đảm nhiệm vai trò dàn dựng tiết mục; diễn viên hài Trung Ruồi trở thành giọng hát chính, Thái Hòa góp giọng bè, còn “giang hồ màn ảnh” Duy Hưng thì hào hứng múa phụ họa.

Học hát buổi sáng, buổi chiều đã “lên sân khấu” biểu diễn

Trong tập 9 của Bố ơi mình đi đâu thế?, hành trình tại Ninh Bình đưa các cặp bố con đến với một trải nghiệm văn hóa đặc biệt: thăm đền, chùa Khả Lương - nơi thờ Hộ Sinh Đại Vương, vị thần linh thiêng gắn liền với nhiều huyền tích cứu dân độ thế. Tại không gian đậm màu thời gian ấy, các gia đình lần đầu được tiếp xúc với nghệ thuật hát xẩm - một loại hình âm nhạc dân gian.

Bố ơi mình đi đâu thế? 2025 - tập 9: Dàn cast mở mini concert tại đình làng, Neko Lê, Trung Ruồi, Duy Hưng lần đầu hát xẩm - Ảnh 1

“Hát xẩm như đọc thơ trên một giai điệu lên xuống liên tục, lại phải tròn vành rõ chữ, nhấn nhá đúng chỗ, trầm bổng nhịp nhàng mà còn phải hát bằng giọng Bắc, với tôi là thử thách lớn,” ông bố miền Nam Neko Lê chia sẻ thật lòng. Càng ý nghĩa hơn khi người trực tiếp truyền dạy lại chính là bà Nguyễn Thị Mận - con gái của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu, người từng được mệnh danh là “báu vật nhân văn quốc gia” trong nghệ thuật xẩm.

Duy Hưng xúc động nói: “Đây là bộ môn rất cần được bảo tồn. Tôi không nghĩ hôm nay lại có cơ hội học từ người đang tiếp nối dòng chảy quý giá của nghệ thuật truyền thống này.”

Tuy nhiên, buổi học không chỉ dừng lại ở việc “trải nghiệm cho biết”. Bác Leng Keng bất ngờ giao nhiệm vụ “khó nhằn”: “Chiều nay, các bố con sẽ biểu diễn hát xẩm tặng bà con trong làng.” Lệnh phát ra, cả đoàn lập tức nghiêm túc tập luyện.

Bố ơi mình đi đâu thế? 2025 - tập 9: Dàn cast mở mini concert tại đình làng, Neko Lê, Trung Ruồi, Duy Hưng lần đầu hát xẩm - Ảnh 2

Trong khi Trung Ruồi, Duy Hưng và Thái Hòa nhanh chóng được “duyệt sơ bộ”, thì bố Neko Lê lại bị nghệ nhân giữ lại để hát đi hát lại nhiều lần. Dù đầy quyết tâm, nhưng giọng miền Nam hòa vào làn điệu xẩm Bắc khiến anh loay hoay tìm cách bắt đúng “chất xẩm”. Đạo diễn bỗng hóa học trò - một cảnh tượng khiến khán giả bật cười, nhưng cũng cảm nhận rõ tinh thần cầu thị và tình yêu văn hóa dân gian của anh.

Trung Ruồi, Duy Hưng, Neko Lê vác loa mời khán giả đến xem mình biểu diễn

Trước giờ diễn, các bố con rủ nhau đi khắp làng để mời bà con đến xem - và chính khoảnh khắc này mới thực sự trở thành “điểm nhấn”. Bé Dứa tay cầm loa gọi lớn: “Ai xem ca nhạc của bố con Trung Ruồi đê? Ai xem ca nhạc của bố con Trung Ruồi không” khiến cả đoàn bật cười vì sự đáng yêu và tự tin của cô bé.

Bố Trung Ruồi xúc động chia sẻ: “Dứa vốn rụt rè với người lạ, nhưng hôm nay con lại chủ động đi mời khán giả, khiến bố thật sự bất ngờ và tự hào.” Không khí càng thêm rộn ràng khi bố Thái Hòa “quảng cáo”: “Có ca nhạc miễn phí của các nghệ sĩ nổi tiếng Trung Ruồi, Duy Hưng, Neko Lê nhé!”

Bố ơi mình đi đâu thế? 2025 - tập 9: Dàn cast mở mini concert tại đình làng, Neko Lê, Trung Ruồi, Duy Hưng lần đầu hát xẩm - Ảnh 3

Còn bố Trung Ruồi thì “chốt hạ” bằng bài thơ mời khán giả đậm chất dân gian pha hài hước:

“Đi đâu mà vội mà vàng,

Mà vấp phải đá, mà quàng phải dây,

Dừng chân đứng lại nơi đây,

Vào xem ca nhạc, lòng đầy niềm vui.”

Hình ảnh các bố con mặc áo truyền thống, đi guốc mộc, đạp xe rong ruổi khắp làng, tay cầm loa tay cầm cờ mời gọi… gợi nhớ về hình ảnh gánh hát rong xưa – nhưng mang màu sắc hiện đại, duyên dáng và hóm hỉnh. Ngồi phía sau xe bố, các bé Dứa, Bean, Minh Khôi, Audi, Cati ríu rít cười đùa, chỉ trỏ, như những “nghệ sĩ nhí” đầy háo hức chờ đến giờ diễn.

Tiếng loa vang vọng giữa làng cổ, xen lẫn tiếng cười trẻ nhỏ, tiếng xe lọc cọc... tạo nên một bức tranh làng quê sống động, chan chứa tình thân. Một cảnh tượng không chỉ đẹp mắt, mà còn là minh chứng sống động cho sự lan tỏa của giá trị văn hóa truyền thống giữa đời sống hiện đại.

Mini concert “ăn gian” đầy duyên dáng

Hiểu rõ rằng khả năng hát xẩm của các ông bố mới chỉ ở mức nhập môn, đạo diễn Neko Lê đã khéo léo “dàn dựng chiến thuật”: “Cách tốt nhất để “ăn gian” khi không biết hát là để các nghệ nhân mở màn trước, họ sẽ hát 4 câu, sau đó từng người mình bước ra góp giọng nhẹ nhàng. Bốn người đi ra là hết nửa bài rồi, mình chỉ cần kết bằng vài động tác vũ đạo đơn giản là xong.”

Bố ơi mình đi đâu thế? 2025 - tập 9: Dàn cast mở mini concert tại đình làng, Neko Lê, Trung Ruồi, Duy Hưng lần đầu hát xẩm - Ảnh 4

Sáng kiến của Neko nhận được sự đồng tình hào hứng từ cả đội. Và dù chỉ tập trong vài tiếng buổi sáng, buổi biểu diễn buổi chiều vẫn thu hút đông đảo bà con. Trung Ruồi khiến cả sân đình cười nghiêng ngả khi “chốt hạ” bằng câu cảm ơn bá đạo: “Giờ thì mình hiểu tại sao chương trình này không bán vé mà phát miễn phí rồi. Mong bà con thông cảm vì tụi con mới tập sáng nay.”

Anh cũng thẳng thắn chia sẻ: “Mình nghĩ mình sẽ làm tốt hơn nhưng hát xẩm chuyên nghiệp thì đúng là quá khó. May mà mọi người đến bằng tinh thần cổ vũ nên không ai chê trách cả.”

Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống đến thế hệ trẻ

Không chỉ dừng lại ở tính giải trí, Bố ơi mình đi đâu thế? đang từng bước góp phần đưa nghệ thuật dân gian đến gần hơn với thế hệ trẻ - những người sẽ kế thừa và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc trong tương lai.

Thông qua những trải nghiệm chân thực như thế này, các bạn nhỏ không chỉ hiểu, mà còn cảm được nét đẹp của di sản: từ giai điệu xẩm trầm bổng, tiếng trống hội làng, đến tình cảm chan hòa giữa nghệ sĩ và khán giả quê nhà.

Từ những phút giây ngẫu hứng đầy “chất bố”, buổi biểu diễn tại sân đình không chỉ khiến khán giả cười nghiêng ngả, mà còn để lại dư âm văn hóa đậm đà trong từng khung hình - như một minh chứng rằng: văn hóa truyền thống không hề cũ, chỉ cần được trao truyền bằng trái tim.

Tin Cùng Chuyên Mục