Xem xét đưa đàn hương vào danh mục loài cây trồng chính
Thưa ông, theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, thực trạng cây đàn hương ở Việt Nam hiện nay thế nào, giá trị cây này ra sao?
- Gần đây, cây đàn hương (Santalum album) đã được khảo nghiệm giống và trồng thử nghiệm tại một số tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên. Năm 2019, giống đàn hương xuất xứ Karnataka Ấn Độ đã được Bộ NN&PTNT công nhận cho vùng trồng là TP Buôn Mê Thuột, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk); TP Bắc Giang, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang); huyện Thạch Thất, TX Sơn Tây (Hà Nội) và những nơi có điều kiện sinh thái tương tự.
Hiện có khoảng 15 vạn cây được trồng tập trung, xen canh và trồng phân tán từ giống được công nhận. Ngoài ra, đàn hương cũng được trồng tự phát ở một số nơi từ nguồn giống chưa rõ nguồn gốc.
Do đàn hương mới được di thực từ Ấn Độ về Việt Nam, đang ở giai đoạn trồng khảo nghiệm, thử nghiệm nên giá trị thực của nó chưa được xác định rõ, hiệu quả kinh tế gây trồng phụ thuộc vào nhiều nhân tố; hiện cũng chưa có nghiên cứu mang tính hệ thống... Tuy nhiên, đây là loài có triển vọng đem lại hiệu quả kinh tế nếu được trồng bằng giống đã được công nhận, trên lập địa phù hợp và với quy mô cũng như phương thức trồng hợp lý.
Đàn hương được giới thiệu là cây đa tác dụng, hàm lượng dầu (vegetable oil) trong hạt có thể đạt 20-25%, hàm lượng tinh dầu (essential oil) trong gỗ biến động từ 3,2-4,0%. Các bộ phận của cây đều có giá trị sử dụng nhất định.
Về thực trạng một số nơi tự ý nhân giống đàn hương tràn lan, mập mờ nguồn gốc cây giống, Tổng cục Lâm nghiệp có giải pháp gì để quản lý?
- Pháp lệnh Giống cây trồng 2004 (có hiệu lực trong giai đoạn 2005 - 2019) quy định rõ: Giống cây trồng lâm nghiệp nhập khẩu chỉ được sản xuất kinh doanh khi đã qua khảo nghiệm, công nhận và được đưa vào Danh mục sản xuất kinh doanh. Luật Lâm nghiệp 2017 có hiệu lực từ năm 2019 cũng quy định: Đối với cây trồng chính, chỉ đưa vào sản xuất, kinh doanh giống, nguồn giống, vật liệu giống được công nhận.
Đàn hương đã chứng minh tính thích ứng, hữu ích với Tây Nguyên.
Đàn hương là cây nhập nội, chưa là cây trồng chính, nên giải pháp chính được xác định như sau:
- Quản lý bằng Nghị định về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp đang triển khai để thay thế Pháp lệnh Giống cây trồng vừa hết hiệu lực.
- Xem xét đưa đàn hương vào danh mục loài cây trồng chính để áp dụng theo quy định của Luật Lâm nghiệp cũng như áp dụng quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, song cần có thêm thời gian.
- Phối hợp liên ngành, chỉ đạo các cơ quan, ban ngành địa phương, đặc biệt là các Sở NN&PTNT kiểm soát chặt chẽ các hoạt động sản xuất, cung ứng giống trên địa bàn.
- Tuyên truyền, khuyến lâm, khuyến cáo người dân về việc đưa giống tốt vào sản xuất. Chú trọng nâng cao năng lực cho người sử dụng giống, qua đó điều chỉnh hành vi của những người sản xuất, cung ứng giống.
Ủng hộ, đánh giá cao những người như nông dân Nguyễn Quang Tòa
Về thành công của ông Nguyễn Quang Tòa trong việc phát triển cây đàn hương ở Tây Nguyên mà Báo PLVN phản ảnh, quan điểm ngành lâm nghiệp thế nào? Tổng cục Lâm nghiệp và Bộ NN&PTNT có cơ chế nào “tiếp sức” cho những mô hình khởi nghiệp này?
- Chúng tôi ủng hộ và đánh giá cao nỗ lực của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, khảo nghiệm, chọn tạo giống mới theo quy định pháp luật.
Thúc đẩy quá trình xã hội hóa trong phát triển giống cây trồng là một trong những mối quan tâm của ngành lâm nghiệp. Chúng tôi mong muốn trong cơ cấu giống cây trồng được công nhận, ngày càng có nhiều giống được tuyển chọn, lai tạo, cung ứng từ các cá nhân, tổ chức, DN. Tôi mong mô hình của ông Nguyễn Quang Tòa thành công, an toàn, hợp lệ và sớm phát huy hiệu quả vào thực tiễn sản xuất.
Hiện nay, Đảng và Nhà nước có chủ trương khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng lâm nghiệp. Chẳng hạn, Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg quy định: “Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng trồng rừng khảo nghiệm (giống mới, trên vùng đất mới) theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì được hỗ trợ vốn bằng 60% giá thành trồng rừng được duyệt. Mỗi mô hình trồng rừng khảo nghiệm được hỗ trợ không quá 2ha”.
Trong một vườn ươm đàn hương tại Tây Nguyên.
Hoặc Nghị định số 75/2015/NĐ-CP quy định: “Cho vay không có tài sản bảo đảm phần giá trị đầu tư, tối đa là 15.000.000 đồng/ha. Thời hạn cho vay từ khi trồng đến khi khai thác chính theo chu kỳ kinh doanh của loài cây trồng nhưng không quá 20 năm. Mức lãi suất là 1,2%/năm”.
Để được hỗ trợ theo các quy định trên, các tổ chức, cá nhân liên hệ với Sở NN&PTNT tại địa phương để được hướng dẫn.
Ông có thể cho biết thêm về thủ tục công nhận giống cây, công nhận vườn sản xuất giống?
- Hồ sơ, trình tự, thủ tục công nhận giống và nguồn giống (rừng giống, vườn giống, cây trội…) cây trồng lâm nghiệp được quy định tại Thông tư 30/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ trưởng NN&PTNT.
Thông tư này quy định rất rõ ràng, cụ thể, đúng mức và thuận tiện. Tổ chức, cá nhân, hay trường hợp vườn ươm của những nông dân như ông Nguyễn Quang Tòa có thể liên lạc với Sở NN&PTNT sở tại hoặc với Tổng cục Lâm nghiệp để được hướng dẫn cụ thể hơn.
Có nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan chức năng như Bộ NN&PTNT cần nhanh chóng vào cuộc, có những nghiên cứu, nếu thấy hữu ích thì khuyến khích, sau đó quản lý, điều tiết, quy hoạch phát triển cây đàn hương. Ông có ý kiến thế nào?
- Chúng tôi ghi nhận, tiếp thu và học hỏi từ những ý kiến này, Tổng cục Lâm nghiệp đã sớm quan tâm đến vấn đề này. Phát triển giống cây trồng lâm nghiệp có chất lượng tốt, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng là một trong những nội dung quan trọng của tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.
Hiện nay, đã kiểm soát được trên 85% lượng giống tốt được đưa vào sản xuất, trong đó tỷ lệ cây mô, hom chiếm 23,5%. Theo kế hoạch, tỷ lệ này đạt 45% vào năm 2025 và trên 60% vào năm 2030. Các nội dung về hỗ trợ bảo quản, chế biến sau thu hoạch cũng được chú ý.
Đối với cây đàn hương, chúng tôi tiếp tục quan tâm thúc đẩy nghiên cứu, đánh giá, tổng kết và đưa ra các khuyến cáo cụ thể.
Cần làm gì để phát triển đàn hương bền vững?
Theo nhiều ý kiến, cần có sự chỉ đạo của cơ quan nhà nước, kết hợp sự liên kết của các nhà quản lý, nhà chính sách, doanh nghiệp, nhà khoa học… để tìm hướng đầu ra tốt nhất cho các sản phẩm làm từ đàn hương. Xin Phó Tổng cục trưởng cho biết quan điểm?
- Không hẳn là Nhà nước làm tốt nhất, mà tốt nhất là Nhà nước thể hiện tốt vai trò “kiến tạo”. Chúng tôi cho rằng:
Nông dân Nguyễn Quang Tòa khởi nghiệp với cây đàn hương.
Một là, hỗ trợ người sản xuất không chạy theo “thị trường ảo”. Hiệu quả kinh doanh là do “thị trường thực” chi phối. Sự cân bằng giữa cung và cầu với giá bán mà tại đó có hiệu quả kinh tế cao nhất là mong muốn chung.
Về điểm này, chúng tôi nhất trí cần có vai trò chủ lực của các ngành và sự phối hợp tốt giữa “5 nhà” để dự báo, tìm thị trường tiêu thụ, phân tích biến động của thị trường, giá cả, rủi ro, qua đó đưa ra các khuyến cáo và hướng dẫn cụ thể về quy mô sản xuất và định hướng sản phẩm. Chúng tôi có trách nhiệm cùng tham gia giải quyết vấn đề này theo chức năng, nhiệm vụ của ngành.
Hai là, tiếp cận với thị trường đòi hỏi cần liên kết theo chuỗi giá trị. Điểm đáng lưu ý là mỗi mắt xích của chuỗi đều phải đảm bảo tính hợp pháp thì chuỗi mới tồn tại và sản phẩm mới được thị trường tiếp nhận.
Việc sản xuất, cung ứng giống cây hợp pháp, canh tác hợp lý theo hướng “Đàn hương không gây mất rừng, không suy thoái đất và nước”, nâng cao hiệu quả kinh tế sử dụng đất bền vững, góp phần tạo ra “nguồn cung hợp pháp và bền vững” để kết nối với “thị trường thực”, rất cần sự chỉ đạo của ngành.
Ba là, giải bài toán thị trường cũng là trả lời câu hỏi trồng ở đâu, trong điều kiện nào và trồng như thế nào thì vừa có lãi, vừa bền vững về mặt môi trường? Về điểm này, đúng như PV đã nêu, cần có ngành lâm nghiệp quan tâm chỉ đạo. Chúng tôi cũng đang làm như vậy.
Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn!
Trước đó, PLVN có một số bài viết thuật lại câu chuyện khởi nghiệp gian nan của ông Nguyễn Quang Tòa (SN 1971, Giám đốc Công ty CP Phát triển cây đàn hương và Thực vật quý hiếm Tây Nguyên, trụ sở tại số 143, đường Hùng Vương, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) khi là người đầu tiên đưa đàn hương do Viện nghiên cứu cây đàn hương và thực vật quý hiếm nhập từ Ấn Độ về Tây Nguyên.
Thực tế cho thấy loài cây quý này chứng tỏ sức sống bền bỉ, tính hữu ích với môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, nhiều ý kiến cho rằng cơ quan chức năng cần có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích để nhân rộng giống loài cây hữu ích này.