Cách đây 7 năm, Manish Chandra đã tạo ra Poshmark, một trang web giúp mọi người kiếm tiền từ việc đăng bán quần áo cũ. Đến nay, Poshmark đã "lột xác" hoàn toàn khi kinh doanh các mặt hàng mới và là nơi nhiều thương hiệu trong nước gửi gắm sản phẩm thời trang của mình.
Công ty của Chandra đã tạo ra trải nghiệm mua sắm tương tự như việc đi dạo quanh phố phường, ngắm nhìn quần áo qua những ô cửa trưng bày mà không mua thay vì trải nghiệm tìm kiếm và mua hàng trên Amazon. Mọi người theo dõi các tủ quần áo của nhau và chia sẻ những sản phẩm họ thấy thú vị. Càng nhiều lượt chia sẻ thì cơ hội bán được hàng càng cao. Poshmark hiện là một mạng xã hội có gần 40 triệu người dùng gần giống như Instagram hay Pinterest nhưng điểm khác biệt là tất cả những gì bạn thấy trên Poshmark đều là để bán.
Trong số 40 triệu người dùng đó, có khoảng 5 triệu người, tương đương 12,5% là người bán hàng thông qua ứng dụng. Được biết Poshmark không có bất cứ mặt hàng nào trong kho bởi người dùng giao dịch trực tiếp với nhau.
Poshmark tính phí 20% cho mỗi lần bán hàng thành công và doanh thu của họ dự kiến sẽ đạt 140 triệu USD trong năm 2018. Tuy vậy, công ty vẫn xác định là chưa có lợi nhuận vì tập trung vào việc mở rộng các danh mục mới như sản phẩm cho nam giới, mỹ phẩm và phát triển trên quy mô toàn thế giới.
Đến nay, họ đã huy động được 160 triệu USD tiền đầu tư và được định giá 625 triệu USD. Năm 2017, tăng trưởng doanh thu của Poshmark đạt 70% và họ đã vinh dự có tên trong danh sách startup "tỷ đô" tiềm năng của tạp chí Forbes.
Các nhà sáng lập và quản lý cấp cao của Poshmark.
Tuy chỉ chiếm một phần khiêm tốn trong thị trường thương mại điện tử trị giá 600 tỷ USD của Mỹ nhưng Poshmark đã thành công tại thị trường ngách được nhiều người quan tâm: Quần áo giảm giá. Theo thống kê, cứ 10 người thì có 9 người mua đồ từ các cửa hàng giảm giá và 75% luôn đợi đến khi được khuyến mại mới mua. Chính vì vậy, cùng sự phát triển của hình thức bán lẻ trực tuyến, Chandra đã quyết định xây dựng mạng xã hội mua sắm Poshmark.
Startup đầu tiên của ông là Kaboodle ra mắt năm 2005 với mục đích kết hợp giữa mạng xã hội và mua sắm. Sản phẩm chủ yếu của họ là trang trí nhà cửa. Hai năm sau, Chandra đã bán Kaboodle cho Hearst với giá 30 triệu USD. Tuy thành công bước đầu với mô hình trên nhưng ông cho biết vẫn cần phải chờ sự chấp nhận hàng loạt của các mạng xã hội.
Poshmark là ý tưởng tiếp theo của Chandra, được xây dựng trên ý tưởng cách giới thiệu sản phẩm thời trang mới là thông qua mọi người chứ không phải thương hiệu.
Trước đây, sự nghiệp của Chandra bắt đầu từ lĩnh vực phần mềm. Ông từng học ngành khoa học máy tính tại Học viện công nghệ Kanpur Ấn Độ và sau đó là Thạc sĩ tại Đại học Texas. Sau khi tốt nghiệp năm 1989, ông làm việc tại mảng cơ sở dữ liệu cho Intel trong vòng một năm rồi chuyển sang một loạt các startup cơ sở dữ liệu ở miền Bắc California và lấy bằng MBA (Quản trị kinh doanh) của Berkeley năm 1995.
Tại trường mầm non của con gái, Chandra đã tình cờ gặp Pungaliya, một cộng sự trước đây của ông và hai người đã bàn bạc ý tưởng về Kaboodle. Họ đã mời thêm một nhà đồng sáng lập nữa để phụ trách kỹ thuật và mỗi người bỏ ra 100.000 USD để ra mắt Kaboodle từ… ga ra xe của Chandra (và cũng là nơi ra đời của Poshmark sau này).
Doanh nhân 51 tuổi cho biết ông muốn tập trung vào người mua và người bán riêng lẻ. Sau cuộc đại suy thoái, mọi người có xu hướng tìm cách để kiếm thêm tiền và bán quần áo dường như là một phương án không tồi. Thời điểm đó, Poshmark và một nhóm các công ty khởi nghiệp khác đã tận dụng thời cơ để phát triển. Họ cho phép người dùng mua bán qua lại và tính phí trên mỗi giao dịch thành công.
Sự khác biệt của Poshmark nằm ở chỗ xây dựng một mạng xã hội không chỉ gồm những người mà bạn biết mà còn về sở thích trang phục của bạn. Người dùng theo dõi lẫn nhau và chia sẻ danh sách sản phẩm mà họ thấy thú vị cho mọi người. Ngoài ra, họ còn có thể bình luận để hỏi về tình trạng sản phẩm và thậm chí là nhờ người bán tư vấn cách kết hợp trang phục phù hợp.
Hầu hết các "đại gia" thương mại điện tử ngày nay đều hoạt động theo phương thức tìm kiếm và mua hàng. Dù vậy, theo Chandra, chúng ta không nhất thiết phải mua sắm một cách máy móc và không có tương tác như vậy.
Năm 2012, Poshmark mới chỉ có khoảng 1.000 người dùng nhưng hiện tại, con số đó đã tăng lên 40 triệu. Sự phát triển chóng mặt thậm chí còn suýt "giết chết" công ty vào năm 2013 với tỷ lệ tăng trưởng gấp 10 lần trong một năm. Mặc dù vậy, sau khi nâng cấp và mở rộng quy mô máy chủ, Chandra đã có thể tạm yên tâm về những thách thức liên quan đến kỹ thuật và quan trọng hơn là thu hút được người dùng để cạnh tranh với eBay.
Tháng 4 năm nay, sau sáu năm, Suzanne Canon đã trở thành người bán hàng đầu tiên trên Poshmark đạt tổng doanh thu 1 triệu USD và cô đã cùng một người bạn khác mở cửa hàng đầu tiên của mình tại Gainesville vào tháng 5.
Mới đây, Chandra cho biết sắp tới Poshmark sẽ mở rộng sang trang phục dành cho trẻ em, nam giới, hàng ngoại cỡ và đồ xa xỉ.