Ngày pháp luật

Bộ Giáo dục và Đào tạo thay đổi thế nào sau quy định mới của Chính phủ?

Theo Cổng thông tin điện tử Chính Phủ

Chính phủ ban hành Nghị định số 86/2022/NĐ-CP ngày 24/10/2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có một số thay đổi so với trước.

Bổ sung chức năng, nhiệm vụ mới về quản lý nhà nước về tiếng Việt và tiếng các dân tộc

Nghị định số 86/2022/NĐ-CP cơ bản kế thừa các chức năng, nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 17/02/2017 và bổ sung các nội dung mới đã được quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018, Luật Giáo dục năm 2019 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Để đảm bảo đầy đủ chức năng quản lý nhà nước của Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã được bổ sung chức năng, nhiệm vụ mới về quản lý nhà nước về tiếng Việt và tiếng các dân tộc.

Sáp nhập 2 vụ, tổ chức lại 1 đơn vị

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Bộ GD&ĐT đã tiến hành tinh gọn tổ chức bộ máy,

Cụ thể, sáp nhập Vụ Thi đua - Khen thưởng vào Vụ Tổ chức cán bộ; tổ chức lại Cục Cơ sở vật chất thành Vụ Cơ sở vật chất; tiếp tục duy trì không tổ chức phòng trong Vụ.

Để thống nhất việc quản lý các cơ sở giáo dục đại học và các cơ sở đào tạo bồi dưỡng, Bộ GD&ĐT chuyển Học viện Quản lý giáo dục (là cơ sở giáo dục đại học) và Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh (là cơ sở đào tạo bồi dưỡng) về danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ GD&ĐT.

Như vậy, Bộ GD&ĐT chỉ còn 20 tổ chức hành chính (gồm 16 đơn vị hành chính cấp Vụ, 4 đơn vị hành chính cấp Cục):

1- Vụ Giáo dục Mầm non; 

2- Vụ Giáo dục Tiểu học; 

3- Vụ Giáo dục Trung học; 

4- Vụ Giáo dục Đại học; 

5- Vụ Giáo dục thể chất; 

6- Vụ Giáo dục dân tộc; 

7- Vụ Giáo dục thường xuyên; 

8- Vụ Giáo dục Quốc phòng và An ninh; 

9- Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên; 

10- Vụ Tổ chức cán bộ; 

11- Vụ Kế hoạch - Tài chính; 

12- Vụ Cơ sở vật chất; 

13- Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; 

14- Vụ Pháp chế; 

15- Văn phòng; 

16- Thanh tra; 

17- Cục Quản lý chất lượng; 

18- Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục; 

19- Cục Công nghệ thông tin; 

20- Cục Hợp tác quốc tế.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn có 3 đơn vị  sự nghiệp công lập, phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ gồm: Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; Báo Giáo dục và Thời đại; Tạp chí Giáo dục.

Nghị định 86/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/11/2022.

Tin Cùng Chuyên Mục