Đi làm thuê và nhận lương hàng tháng không khó như mọi người nghĩ, "check-in" tại văn phòng, làm tròn trách nhiệm, đều đặn lãnh tiền, người đi làm thuê dễ dàng cân bằng công việc và cuộc sống để theo đuổi những thú vui cá nhân.
Kinh doanh riêng mới thật sự là một cơn ác mộng, cũng "check-in" vào văn phòng, cũng làm tròn trách nhiệm, nhưng nếu sản phẩm/ dịch vụ không được khách hàng ủng hộ thì thu nhập sẽ là con số không tròn trĩnh.
Vào năm 2006, Jason Sadler vẫn "ngoan ngoãn" trong vị trí chuyên viên thiết kế của giải quần vợt lớn nhất thế giới - ATP, dù đây là một công việc khá tốt vào thời điểm đó, nhưng Jason vẫn không có chút động lực làm việc nào vì đấy không phải là ước mơ của anh.
Nỗi sợ trở thành một "con robot" ngày càng lớn thôi thúc Jason nhận thêm hợp đồng thiết kế website để làm thêm vào buổi tối và cuối tuần. Dù thu nhập từ nghề tay trái vẫn còn rất bấp bênh, nhưng Jason cảm thấy cực kỳ "máu lửa" khi được làm chủ chính mình, anh liên tục kiểm tra email để nhận thông tin mới và háo hức về tới nhà để bắt đầu "công việc chính" của mình.
Sau hơn một năm làm việc miệt mài, Jason quyết định nghỉ hẳn công việc toàn thời gian để tập trung vào khởi nghiệp, hứa hẹn tăng chức và lương của công ty cũ cũng chẳng thay đổi được quyết định này, nhất là khi Jason đã quá mệt mỏi vào mỗi buổi sáng trước khi đi làm.
Doanh nghiệp của Jason cũng sớm tìm được thành công sau đó, dù đã thỏa ước nguyện khởi nghiệp và tránh được "kiếp làm thuê", nhưng trong thâm tâm anh chàng này vẫn muốn làm được một cái gì đó thật đặc biệt.
Mặc áo để được trả tiền?
Là một người làm trong ngành quảng cáo, Jason thường xuyên tham gia các chương trình marketing có tặng áo miễn phí, biết rằng thông tin trên áo luôn thu hút sự chú ý của nhiều người, Jason quyết tâm trở thành một "bảng hiệu di động" và sử dụng các trang mạng xã hội miễn phí để truyền thông.
Vào thời điểm đó, mạng xã hội vẫn chưa phổ biến và các doanh nghiệp vẫn chưa xem đây là một kênh truyền thông chính, đó chính là lý do khiến ý tưởng của Jason gặp rất nhiều khó khăn.
"Trong những ngày đầu, tôi lật lại từng địa chỉ liên lạc và gửi đến cho họ một bức tâm thư chia sẻ ý tưởng, không cần họ mua dịch vụ cũng như đưa lên báo chí, tôi chỉ mong mọi người sẽ gửi ý tưởng này đến người mà họ nghĩ là phù hợp." – Jason chia sẻ.
Với sự thành thật và khiêm tốn của mình, bức thư của Jason đã nhanh chóng được mọi người chia sẻ rầm rộ trên mạng và những khách hàng đầu tiên dần xuất hiện.
Bắt đầu với giá 1 USD vào ngày 1/1/2009, Jason tăng giá dịch vụ của mình lên 1 USD mỗi ngày cho đến hết năm đó và dễ dàng bỏ túi hơn 66.795 USD, thêm vào đó là hơn 18.000 USD tiền bảo trợ của các nhãn hàng.
Jason bắt đầu mỗi ngày bằng cách giới thiệu sơ lược về công ty mà mình đang là "đại sứ" thông qua Ustream, YouTube, Facebook và Twitter.
"Nó như là một chương trình giải trí vậy" – một người dùng Facebook chia sẻ. Jason không chỉ mặc áo mà còn đội tóc giả, mặc thêm váy, sử dụng một số vật dụng hỗ trợ… cho các video của mình và liên tục tương tác với người dùng nhằm hạn chế cảm giác "quảng cáo".
Tiếng lành đồn xa, chương trình mặc áo của Jason nổi tiếng đến mức số lượng nhãn hiệu được đặt kín hết năm đầu chỉ trong vòng 6 tháng.
Ý tưởng có phẩn "điên khùng" đó đã kéo hơn 50.000 người theo dõi các nội dung của IwearYourShirt mỗi ngày. Jason còn thuê hẳn một nhân viên tại California để cùng anh mặc áo, gia tăng gấp đôi thu nhập của doanh nghiệp.
Đến khi quyết định dừng lại vào năm 2013, IwearYourShirt đã phục vụ hơn 1.500 khách hàng lớn nhỏ, trong đó có cả Nissan, Starbucks và thu được tổng cộng hơn 1 triệu USD tiền dịch vụ.
Câu chuyện thú vị của Jason nhanh chóng được chia sẻ trên The Today Show, CBS Evening News, và tạp chí danh giá Fortune, chàng trai "mặc áo tính tiền" này còn tự hào viết về chặng đường khởi nghiệp của mình trong cuốn tự truyện Creativity For Sale.
Nhưng mọi chuyện không dừng lại tại đó. Vào năm 2012, Jason còn bán… quyền sử dụng họ của mình trong một năm. Trang web kinh doanh tai nghe Headsets.com đã thắng thầu với số tiền 45.000 USD, để từ đó, Jason Sadler trở thành "Jason Headsets-chấm-com".
Trái với suy nghĩ của nhiều người, những giải pháp marketing "điên rồ" đem về hàng triệu USD trên hoàn toàn không phải là "ăn may".
Jason Sadler đã đánh vào đại dương xanh mạng xã hội mà chưa công ty truyền thông nào khai thác, thuyết phục các doanh nghiệp nhỏ với chương trình marketing vừa rẻ mà vừa hiệu quả, và đồng thời cũng "dụ" các thương hiệu lớn thử "lên mạng" một lần với chi phí cực kỳ phải chăng.
Dám thử những gì chưa ai làm, Jason Sadler đã đạt được những điều ít ai có.