Ngày pháp luật

Bộ Công Thương vẫn đề xuất tiếp tục xuất khẩu gạo

Nhật Thu

Sau một lần báo cáo đề xuất tiếp tục xuất khẩu (XK) gạo vào 28/3, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương và các Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cùng Bộ Tài chính xem xét lại kỹ lưỡng đề xuất này. Trong báo cáo vừa gửi đi hôm 6/4/2020, Bộ Công Thương vẫn giữ nguyên đề xuất như ngày 28/3/2020.

Theo đó, báo cáo do Bộ trưởng Công Thương - Trần Tuấn Anh ký vẫn tiếp tục đề xuất cho phép xuất khẩu gạo nhưng sẽ kiểm soát chặt số lượng theo từng tháng với số lượng xuất khẩu trong tháng 4 là 400.000 tấn. Cùng đó, lượng dự trữ trong nước sẽ tăng từ 300 nghìn tấn lên 700 nghìn tấn.

Báo cáo Bộ trưởng Công Thương cho thấy, nhu cầu lương thực, thực phẩm tăng khá mạnh trên thế giới. Xuất khẩu gạo hai tháng đầu năm đã tăng 31,7% về lượng và là mức cao nhất trong 3 năm gần đây. Xuất khẩu gạo tăng khiến giá gạo trong nước tăng từ 20%-25%.

Bộ Công Thương vẫn đề xuất tiếp tục xuất khẩu gạo - Ảnh 1
Bộ Công Thương tiếp tục đề xuất cho xuất khẩu gạo

Với nhu cầu và tốc độ xuất khẩu gạo trong quý I, dự báo quý II xuất khẩu gạo của Việt Nam có thể đạt 2 triệu tấn. Tổng cộng 6 tháng đầu năm có thể xuất khẩu trên 3,7 triệu tấn, lớn hơn nhiều so với số lượng gạo hàng hóa mà Việt Nam có thể xuất khẩu như dự báo trước đó.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp kiến nghị phương án xuất khẩu gạo có kiểm soát trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng vẫn đảm bảo duy trì sản xuất và tăng trưởng kinh tế.

Đoàn liên ngành cũng đề xuất lượng gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4 và 5 vào khoảng 800 nghìn tấn, giảm 40% so với cùng kỳ của năm 2019. Trước mắt trong tháng 4 tiếp tục cho xuất khẩu 400 nghìn tấn. Vào tuần cuối cùng của tháng 4, căn cứ vào diễn biến dịch bệnh và báo cáo của các bộ ngành, Thủ tướng sẽ xem xét, quyết định phương hướng điều hành xuất khẩu gạo cho tháng 5.

Cũng theo báo cáo này, nếu chỉ tính riêng các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nếu tuân thủ nghiêm túc chỉ đạo không ký hợp đồng mới của Thủ tướng, lượng gạo dư vào thời điểm 31/5 vào khoảng 266 nghìn tấn.  Còn tính cả lượng gạo của các doanh nghiệp ngoài VFA, lượng gạo trong kho hiện có 1,7 triệu tấn gạo và 144 nghìn tấn thóc (tương đương 75 nghìn tấn gạo).

Một điểm mới của báo cáo mới này là Bộ Công Thương đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính đôn đốc, chỉ đạo Vinafood 1 và các công ty thành viên ưu tiên ký ngay hợp đồng với số lượng đã trúng thầu tại các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực theo kết quả đấu thầu.

Trước đó, khi Bộ Công Thương gửi báo cáo đề xuất tiếp tục cho XK gạo, Thủ tướng đã giao Bộ Công Thương lấy ý kiến các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay.

Yêu cầu các Bộ Nông nghiệp và Phát triên nông thôn, Tài chính và các cơ quan liên quan có ý kiến chính thức bằng văn bản gửi Bộ Công Thương trước ngày 5/4/2020. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương hoàn thiện phương án đề xuất, ký văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 6/4/2020, bảo đảm nguyên tắc đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng gạo trong nước trong mọi tình huống, tuyệt đối không để xảy ra thiếu gạo

Trong văn bản, Thủ tướng cũng nêu rõ bảo đảm an ninh lương thực là vấn đề chiến lược, trọng đại liên quan đến đời sống nhân dân, an ninh, quốc phòng trong tình hình dịch Covid diễn biến khó lường và biến đổi khí hậu đang dự báo ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp và nguồn cung lúa gạo trong nước; một số quốc gia và vùng lãnh thổ đã phong tỏa và tăng cường dự trữ lương thực.

Tin Cùng Chuyên Mục