Ngày pháp luật

Black Friday: Giảm giá “kịch sàn”, dân buôn vẫn lãi?

Trần Ngọc/VOV

Người tiêu dùng cần cẩn trọng với các chiêu trò câu khách của dân buôn dịp Black Friday bởi dù áp dụng mức sale “kịch sàn” họ vẫn có lãi.

Bí mật “đen tối”

Black Friday là đợt khuyến mãi “khủng” nhất trong năm với nhiều món hàng giảm giá “kịch sàn”, lên tới 70 - 80%, song đằng sau món hàng giảm giá là những bí mật “đen tối” mà ít khách hàng ngờ tới.

Nắm được tâm lý chung là rất nhiều người tiêu dùng mong đợi Black Friday để “săn” hàng giảm giá nên không ít cửa hàng lợi dụng dịp này để dễ dàng đẩy hàng tồn, hàng lỗi mốt, ế ẩm, thậm chí là hàng "nhái". Nếu không cẩn trọng, người mua dễ “sa bẫy”, mua phải hàng kém chất lượng hoặc giá "đội" lên gấp 2, gấp 3 lần giá trị thật. Các chủ cửa hàng có thể đẩy giá lên cao rồi gắn mác giảm giá 50 – 70% để “câu” khách.

Black Friday: Giảm giá “kịch sàn”, dân buôn vẫn lãi? - Ảnh 1

 Giảm giá “kịch sàn”, dân buôn vẫn lãi dịp Black Friday (Ảnh: Huy Phương/VOV.VN)

Dịp Black Friday năm nay sẽ diễn ra vào thứ Sáu ngày 29/11. Nhưng cách đây cả tuần, nhiều cửa hàng từ bình dân đến sang trọng đã liên tục tung chiêu khuyến mại, giảm giá. Các tuyến phố mua sắm lớn ở Hà Nội như: Chùa Bộc, Phố Huế, Bà Triệu, Bạch Mai, Kim Mã..., biển quảng cáo Black Friday đã được treo rầm rộ. Các quảng cáo hút khách như "Giảm 50% toàn bộ cửa hàng", "mua 1 tặng 1", "sale all items” (giảm giá toàn bộ sản phẩm), “giảm giá lên tới 80%"... được trưng ra kín phố. 

Các mặt hàng giảm giá chủ yếu là các món đồ thời trang, mỹ phẩm, quần áo, giày dép, đồ điện tử, đồ gia dụng..., với các mức khuyến mại vô cùng hấp dẫn. Vì thế cảnh chen lấn xô đẩy, hay xếp hàng chờ đến lượt thanh toán, hay cảnh chật vật tìm chỗ đỗ xe để mua hàng giảm giá trở nên quen thuộc vào mỗi dịp Black Friday.

Nhiều người đi mua hàng vào “ngày hội” khuyến mãi thắc mắc vì sao các nhãn hàng giảm giá “khủng” liệu sale “sập sàn” thế họ có lãi không? Theo giải thích trên tờ The Wall Street Journal, thông thường nhiều mặt hàng giảm giá sẽ tăng giá trước Black Friday, để sau đó giảm giá vào dịp này. Do đó, việc khuyến mãi đôi khi chỉ là “ảo”.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng nên cân nhắc khi mua sắm bởi đôi khi chỉ vì ham rẻ mà khuân về nhà toàn hàng tồn, lỗi mốt, thiếu size… Cùng với mức giá rẻ, người mua thường bị “hút” vào chiêu quảng cáo “số lượng có hạn”, điều này khiến nhiều người “đốt” thêm tiền vào đống sản phẩm mà ban đầu họ không hề có ý định mua.

Black Friday: Giảm giá “kịch sàn”, dân buôn vẫn lãi? - Ảnh 2

 Nhiều cửa hàng đề biển giảm giá sâu dịp Black Friday. (Ảnh: Huy Phương/VOV.VN)

Kênh CNN còn tiết lộ, một số hãng bán lẻ lớn thường bán hàng điện tử "đặc biệt", được sản xuất bởi thương hiệu lớn chỉ dành riêng trong Black Friday. Những món đồ này thường có chất lượng thấp hơn các mặt hàng họ sản xuất trước đó.

Để có thể giảm giá “khủng” dịp Black Friday, nhiều nhà bán lẻ còn đặt hàng nhà sản xuất sản xuất cả tivi, với giá khuyến mãi cực kì hấp dẫn cho kiểu dáng y hệt dòng sản phẩm mà bạn vẫn thấy. Nhưng chúng thường có chất lượng màn hình kém hơn hoặc thiếu những tính năng nổi bật. Vì thế, nếu mua tivi hay đồ điện tử vào Black Friday, khách hàng nên nghiên cứu thật kỹ model của sản phẩm và so sánh cẩn thận về giá để tránh bị “móc ví” mua những món đồ khuyến mãi “ảo”.

Tránh nhận “trái đắng” khi ham rẻ

Chính vì nhiều "chiêu trò" câu khách ngày càng tinh vi của dân buôn, nên không ít người tiêu dùng cũng đã bỏ túi "bí kíp" khi săn lùng hàng giảm giá. Chị Thanh Hương - một khách hàng sành mua hàng thời trang ở Hà Nội gợi ý: Trước khi mua hàng cần soi kỹ chất lượng, nhất là hàng thời trang như đường may, xem sản phẩm có bị sờn, rách ở những chỗ ít để ý hay không. Bên cạnh đó cần xem tem mác của sản phẩm và đến mua ở những cửa hàng uy tín…

Với hàng công nghệ, trước khi thanh toán, người mua cần kiểm tra kỹ các thông tin trên sản phẩm và đặc biệt lưu ý đến khâu hậu mãi, thời gian bảo hành. Để tránh mua sản phẩm bị "thổi giá", khách hàng cần so sánh giá sản phẩm trước và sau khi giảm giá, hoặc giá sản phẩm cùng chủng loại so với các thương hiệu khác để có thông tin chính xác nhất.

Black Friday: Giảm giá “kịch sàn”, dân buôn vẫn lãi? - Ảnh 3

 Tại một số cửa hàng ở Hà Nội, do số lượng khách mua dịp Black Friday quá đông đã phải nhờ an ninh hỗ trợ để kiểm soát, phân bổ lượng khách hàng vào mua sắm.

Đưa ra lời khuyên khi mua sắm online, anh Tuấn – một chủ cửa hàng trên mạng cho rằng, dịp Black Friday, nhiều hãng thời trang, giày dép, mỹ phẩm, điện máy tung ra những lời mời chào như mua một tặng một, sale sập sàn, khuyến mại khủng, giảm giá kịch sàn tới 70 – 80%, thậm chí là đồng giá, hoặc giá “rẻ như cho” khiến các tín đồ mua sắm dốc ví. Mua sắm online, khách hàng chủ yếu nhìn sản phẩm qua màn hình mà không có cơ hội xem tận mắt, sờ tận tay hay dùng thử hàng nên tình trang trà trộn hàng tồn kho, hàng kém chất lượng để tranh thủ bán cũng không phải là hiếm. Vì vậy, người tiêu dùng cần thỏa thuận về việc đổi trả sản phẩm cũng như phí vận chuyển hàng đến tận tay người dùng.

“Đôi khi giá mua sản phẩm chỉ vài chục ngàn đồng nhưng tiền ship cùng gần bằng giá đó. Nên tổng cộng giá phải trả khi mua hàng online còn đắt hơn cả mức giá khi chưa được khuyến mại”, anh Tuấn cho hay.

Theo nhiều người tiêu dùng cho biết, kinh nghiệm của họ là những hàng giảm giá khủng từ 70% cho tới 90% thường là những hàng lưu kho, chất lượng sản phẩm có thể là tốt nhưng lỗi mốt. Thông thường hàng mới sẽ chỉ có mức giảm từ 10% - 20% mà thôi.

Chiến dịch giảm giá Black Friday thực ra không phải là cơ hội “vàng” mua sắm mà nhiều người tiêu dùng vẫn lầm tưởng. Có thể, đó chỉ là dịp để các hãng bán lẻ thu hồi vốn hoặc tăng doanh số của mình trong những ngày cuối năm theo một cách rất thông minh./.

Tin Cùng Chuyên Mục