"Thật thú vị khi lần đầu tiên trong đời tôi thấy người ta đặt ra câu hỏi ‘Nên có các tỷ phú hay không? Liệu chúng ta có nên tạo ra một loại thuế dành cho các tỷ phú không nhỉ?’ Tôi nghĩ đó sẽ là một cuộc tranh luận rất hay".
Đó là cuộc thảo luận mà Bill Gates vừa tham gia gần đây: "Ý kiến của tôi là nên có thuế tài sản và thậm chí còn cao hơn mức hiện nay". Ông nói tiếp: "Về ý tưởng cho rằng không nên có các tỷ phú – tôi e là nếu chúng ta làm thế, những gì đạt được sẽ ít hơn nhiều so với những gì mất đi".
Nhìn vào sự thật là Gates đang bỏ ra hàng chục tỷ USD để làm từ thiện, ta mới thấy được việc hiểu hướng suy nghĩ đó của ông là rất quan trọng.
"Làm như vậy có vẻ giống với việc cứu mạng một người hơn là nói rằng bạn đang cứu một triệu người. Và điều đó thật kỳ cục", ông nói.
Trong bức thư ngỏ hàng năm của mình, hai vợ chồng Bill và Melinda Gates đã viết về BAM (Becoming A Man), một chương trình tư vấn theo nhóm nhằm giúp các nam thiếu niên không bị đuổi học nhờ chuyển hướng sự giận dữ của họ vào các mục tiêu khác. Họ còn nói về "hội chợ toilet" ở Bắc Kinh của mình, được thiết kế để truyền cảm hứng cho thế hệ toilet tiếp theo có khả năng loại bỏ mọi vấn đề về vệ sinh.
Ngoài ra còn có nội dung về những hoạt động của quỹ Bill & Melinda Gates tại Châu Phi, nơi thế hệ trẻ lục địa đen hứa hẹn sẽ làm biến đổi lực lượng lao động toàn cầu.
Tất cả những sáng kiến trên đều kể cùng một câu chuyện. Chúng đều là những "ý tưởng mới được lựa chọn" hay những "giả thuyết lạ thường" (như Gates nói), và sau đó đều phát huy tác dụng. "Khi bạn tìm được một giải pháp và muốn nhân rộng ra, thường thì đó là tiền của chính phủ". Tuy nhiên nếu có một người trong quốc hội lên tiếng ‘Này, giúp đỡ các nước khác có vẻ chả mang lại lợi lộc gì cho chúng ta, đúng không nhỉ?’ thì mọi chuyện lại dậm chân tại chỗ.
Chính tầm nhìn ngắn hạn này đang là vấn nạn toàn cầu. "Chúng tôi lo ngại rằng nếu kế hoạch Brexit diễn ra không êm thấm, ít nhất sẽ có một khoảng thời gian người Anh không coi viện trợ nước ngoài là ưu tiên", Bill Gates cho biết. "Nếu các vấn đề trong nội bộ nước Pháp không được giải quyết, liệu họ có còn hào phóng như trước nữa hay không?"
Vậy tại sao các tỷ phú lại được quyền chọn vấn đề nào cần giải quyết?
"Các hoạt động từ thiện được sinh ra vì chính phủ không phải lúc nào cũng tân tiến, và không dám chấp nhận rủi ro. Đặc biệt họ không có những người đủ khả năng chọn ra những gương mặt cố gắng thử nghiệm những phương pháp mới", Gates nói.
Các hoạt động thiện nguyện, như Bill Gates thực hiện, cũng dám chấp nhận rủi ro ở những lĩnh vực mà các chính trị gia thường cực kỳ thận trọng. Ông cùng với bạn thân là Warren Buffett vẫn lo ngại về tình trạng phổ biến vũ khí hạt nhân. Sự bùng nổ trí tuệ nhân tạo cũng là một mối lo ngại được tạo ra từ sự phát triển của con người. "Về lâu về dài", Gates nói, "AI là một vấn đề cực kỳ nan giải".
Điều đáng chú ý là Gates lại không cảm thấy như vậy về truyền thông xã hội. Rõ ràng ông hết sức thông cảm cho Mark Zuckerberg – hiện đang đứng mũi chịu sào cho vai trò của Facebook trong công cuộc làm xói mòn nền dân chủ.
"Họ đang gán cho Mark đủ mọi thứ tội lỗi. Rõ ràng là tôi được đọc những gì tôi muốn, được nghe đài phát thanh của cánh hữu, được nghe cả Fox News nữa. Người ta tấn công Facebook nhưng đó đâu phải lỗi của Facebook. Làm như vậy chả khác nào bảo ‘Này Mark, một ngày nào đó hãy thức dậy và giải quyết vấn đề này đi’. Không, rõ ràng các quan chức chính phủ không có một giải pháp thực tiễn nào cho vấn đề đó.
Rốt cuộc, Bill Gates, với tổng tài sản lên tới 100 tỷ USD, coi các hoạt động thiện nguyện là nguồn sinh lực không thể thiếu cho các mục đích tốt đẹp. Và ông nghĩ rằng những người đang chỉ trích hướng đi này sẽ hồi tâm chuyển ý và thấy được ưu điểm của nó.