Được biết đến là một hãng thời trang lớn trên thế giới, Uniqlo mới đây đã chính thức khai trương cửa hàng ở Việt Nam.
Từ một tiệm may nhỏ, sau 30 năm kinh doanh Tadashi Yanai - Chủ tịch và CEO của Fasst Retailing - công ty mẹ của hãng thời trang Uniqlo đã đúc rút những triết lý, nguyên tắc quản lý để dần trở thành một gã khổng lồ trong thị trường thời trang thế giới.
Ông từng nói rằng, linh hồn chính là thứ quý giá nhất và nếu không có nó, một con người hay một công ty chỉ là một cái vỏ rỗng mà thôi.
Điểm lại ngay 8 triết lý kinh doanh của ông Yanai. Đến nay, những nguyên tắc này vẫn được phát cho nhân viên công ty trên khắp thế giới để họ luôn ghi nhớ và thực hành.
1. Đặt khách hàng lên hàng đầu
Một trong những nguyên tắc hàng đầu của ông Yanai đó là luôn hiểu và đem đến cho khách hàng thứ mà họ cần. Bên cạnh đó, ông cũng luôn chú trọng để tìm ra tệ khách hàng mới.
Ông nhấn mạnh, chỉ có khách hàng mới cho chúng ta việc làm. Hay nói cách khác, họ chính là trung tâm mọi việc ta làm. Đối với ông, Steve Jobs chính là biểu tượng tiêu biểu của việc đặt khách hàng lên hàng đầu.
2. Học từ thất bại
Giống như nhiều tỷ phú thành công khác, ông Yanai từng thất bại không ít lần. Thế nhưng Yanai cho rằng điều này hết sức bình thường và không hề buồn vì điều đó.
Hơn nữa, ông còn coi đây là cơ hội tốt để rút kinh nghiệm và học hỏi từ những vấp ngã. Ông luôn coi thất bại là hạt giống của thành công trong tương lai.
3. Luôn lạc quan
Thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng thay đổi không ngừng, ông Yanai tin rằng các công ty phải luôn kỳ vọng vào tương lai. Ông luôn khuyến khích các nhà quản lý của Fast Retailing suy nghĩ tích cực. Có như vậy thì mới có động lực để tiến tiếp.
4. Chú trọng vào từng chi tiết nhỏ
Vị tỷ phú tin rằng, chúng ta có thể tạo ra những điều lớn lao bằng cách tập trung vào việc hoàn thiện từ chi tiết nhỏ nhất.
Ông từng chia sẻ: "Chỉ một milimet khoảng cách cũng có thể tạo ra sự khác biệt khi nhân lên nhiều lần. Vì vậy, đừng ngại tiến về phía trước hết mức có thể".
5. Tự đánh giá
Một trong những nguyên tắc chính của Yanai là tự đánh giá và phê bình. Để thực hiện điều này, ông thường tự đặt mình vào vị trí của khách hàng để hiểu và cảm nhận xem vị khách hàng đó có bị thu hút, hấp dẫn bởi món đồ hay không. Nhân viên bán hàng có nhiệt tình hay không...
Có như thế, bạn mới có cái nhìn khác về hoạt động công ty, từ đó hiểu mình đang yếu, thiếu chỗ nào để điều chỉnh cho phù hợp.
6. Kết nối với thế giới
Yanai luôn muốn biến Fast Retailing thành một công ty toàn cầu bởi ông biết của công ty không thể chỉ phụ thuộc vào doanh số tại Nhật Bản được.
Bên cạnh đó, ông muốn tiếng Anh trở thành ngôn ngữ chính thức của công ty, mở các trung tâm đào tạo ở nước ngoài như New York, Thượng Hải, Paris và Singapore. Không chỉ kết nối với các quốc gia khác, theo ông, cần phải nâng cao ý thức kết nối với khách hàng để đáp ứng hiệu quả hơn nhu cầu của họ.
7. Thay đổi để tồn tại
Công nghệ biến đổi không ngừng, vậy nên Yanai cho biết, ta cần phải hiểu mình để thích nghi, tồn tại. Ngành công nghiệp may mặc đang dần trở nên lỗi thời nếu không bắt kịp xu hướng. Do đó, ta cần luôn cải tiến. Ngay cả công ty có quy mô lớn, hay nhỏ thì vẫn phải luôn đưa ra ý tưởng mới để không bị tụt hậu.
8. Chia sẻ cộng đồng
Ông cho hay, một công ty nào cũng cần gắn liền với giá trị mà nó mang lại cho xã hội. Nếu chỉ chăm chăm biết việc mình thì dù thành công mấy bạn cũng dễ bị đào thải. Do vậy, gắn kết với xã hội, cộng đồng, làm điều tích cực thì bạn mới dễ thành công.