Để doanh nghiệp quản trị hiệu quả tài chính
Trên quan điểm của bà Lưu Bảo Liên - Thành viên Điều hành, Trưởng Bộ phận Tư vấn Quản lý Tài chính: Năm 2023 là một năm rất khó khăn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh khủng hoảng kéo dài. Để doanh nghiệp đứng vững, việc quản trị tài chính hiệu quả và tối ưu phải đi đôi với hành động. Bắt đầu là từ chuyện rà soát, đó là việc xem xét quá trình phát triển và có gì cần đổi mới hay không. “Đôi khi có những doanh nghiệp chẳng gặp bất kỳ vấn đề gì, đơn giản họ đến một ngưỡng hoặc là cần thay đổi, hoặc là đứng yên, hoặc là sẽ đi xuống, có rất nhiều lý do khác nhau, tựu chung lại, tài chính luôn đi chung với sự vận hành trơn tru nên việc tối ưu luôn là điều bắt buộc” - bà Liên chia sẻ.
Lưu ý tiếp theo là về thời gian. Thời gian rất quan trọng, đâu là mốc để các doanh nghiệp nhìn nhận lại bản thân để thay đổi. Các doanh nghiệp không nên để thời gian trôi qua bình lặng mà không có một sự can thiệp nào, bởi sẽ có thời điểm không phải muốn thay đổi, muốn chuyển mình là sẽ làm được ngay. Vì vậy, cần phải tận dụng khoảng thời gian vàng, phù hợp trên thị trường để hành động. “Theo tôi, các doanh nghiệp luôn luôn ghi nhớ hai từ “sẵn sàng”. Nếu mà chúng ta nghĩ rằng, phải có sự biến động thì mới thay đổi, giống như nước đến chân mới nhảy, tôi cho rằng đó là sự nguy hiểm đến với các doanh nghiệp. Mức độ rủi ro sẽ giảm bớt đi khi chúng ta luôn lường trước được những khó khăn, cùng với đó là sử dụng những công cụ sẵn có trong tay để có thể ổn định hoạt động bằng kinh nghiệm, niềm tin hay cảm quan trên thị trường” - Bà Liên cho biết.
Đối với kỹ thuật tối ưu chi phí, doanh nghiệp cần đặc biệt biết đến 5 giai đoạn: Xây dựng đường cơ sở tài chính; Thiết lập giả thuyết; Xác định và định lượng hóa cơ hội; Xây dựng lộ trình tối ưu hóa chi phí và Triển khai tối ưu hóa chi phí. Theo đó, công nghệ thông tin là phương tiện hỗ trợ doanh nghiệp các nghiệp vụ tài chính - kế toán giúp nâng cao hiệu quả quản lý tài chính theo hướng minh bạch, lành mạnh.
Dấu hiệu báo cho doanh nghiệp trước khủng hoảng
Từ góc độ tài chính, trước khi xảy ra sự khủng hoảng, đã có những dấu hiệu để cảnh báo mà doanh nghiệp có thể bị nhầm lẫn với sự “up and down” của thị trường. Cụ thể, theo bà Nguyễn Thị Liên – Phó Giám đốc Dịch vụ Tư vấn - Quản lý tài chính KPMG, tổng quan gồm 3 giai đoạn.
Giai đoạn đầu đến từ việc doanh thu bị sụt giảm, khả năng thanh toán của doanh nghiệp bị hạn chế, việc huy động nguồn vốn gặp khó khăn, doanh thu vẫn đang tăng trưởng ở tốc độ nhỏ nhưng lợi nhuận không đạt được kỳ vọng, dòng tiền không đạt với mục tiêu… Thông thường sẽ có một số doanh nghiệp mắc phải nhầm lẫn mà không quá focus, nhận diện không được rõ ở giai đoạn này. Giai đoạn hai là khoảng thời gian trước khi lâm vào khủng hoảng. Lúc này các ngân hàng từ chối gia hạn hạn mức cho vay, nhà cung cấp giảm thời hạn cho vay hoặc bắt phải thanh toán ngay. Giai đoạn cuối cùng, ngân hàng từ chối cho doanh nghiệp vay, thu hồi khoản vay, đòi nợ ngay lập tức, nhà cung cấp không bán hàng cho doanh nghiệp. Nguy hiểm nhất là doanh nghiệp không còn đủ tiền trả lương cho nhân viên.
“Ngay ở giai đoạn đầu, khi đã có dấu hiệu đi xuống, doanh nghiệp cần bắt tay rà soát để xem lại việc cải tiến, cải tổ. Còn ở những giai đoạn sau, không hẳn là sẽ không vượt qua được khó khăn, tuy nhiên lúc đó, doanh nghiệp sẽ phải gồng mình hơn, cố gắng hơn rất nhiều lần trong các vấn đề khác nhau. Tất nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng giống nhau, tùy vào năng lực và quy mô, nếu họ đủ nguồn lực về nhân sự, thời gian, kinh phí thì hoàn toàn có thể tự triển khai tự rà soát trong quá trình cải tổ, cải tiến” - Bà Liên chia sẻ.
Văn hóa doanh nghiệp đáng học hỏi
Từ nhận thức trên, các thành viên của KPMG luôn đề cao văn hoá doanh nghiệp. Các giá trị cốt lõi của KPMG định nghĩa hành động, quyết định hàng ngày và cách làm việc của công ty với nhau, với khách hàng và cổ đông. Đầu tiên là Integrity (chính trực), đó là sự minh bạch, trung thực, công bằng, không phải chỉ trong công việc. Những nhân viên đều phải điều khiển những hành vi của mình thật sự đúng đắn chuẩn mực. Thứ hai là Excellence (xuất sắc) – mỗi nhân viên phải liên tục học hỏi để trở nên tốt hơn, phải luôn làm chất lượng tốt nhất ở tiêu chuẩn chuyên môn của KPMG.
Courage (can đảm) là giá trị cốt lõi thứ ba, mang hai ý nghĩa. Đó là trao đổi thẳng thắn, trung thực, đi vào đúng vấn đề trọng tâm và khuyến khích sự đổi mới sáng tạo của nhân viên, họ dám suy nghĩ, đổi mới dám làm trong công việc. Thứ tư là Together (chung sức), ai cũng đều có những thế mạnh khác nhau. Nếu phát triển thế mạnh của từng người sẽ xây dựng được một tập thể lớn mạnh đến từ việc tôn trọng lẫn nhau và khai thác điểm mạnh từ sự khác biệt. Cuối cùng là For Better (cho điều tốt hơn), KPMG không vận hành chỉ trong ngày hôm nay hay ngày mai mà phải hướng đến cho tương lai lâu dài và xa hơn, hành động vì mục đích chính đáng.
Một điều đặc biệt mà ai cũng nhận thấy: Văn hóa là cội nguồn cho những giá trị của KPMG. Tính trung thực và chính sách giao tiếp chân thật, cởi mở đã xây dựng nên niềm tin và sự hợp tác, trong khi sự linh hoạt, đa dạng đã tạo nên văn hóa làm việc nơi mọi người có thể tự do chia sẻ kiến thức và mang đến những giá trị tốt nhất từ bản thân. Nhân viên của KPMG được hưởng lợi từ những suy nghĩ cấp tiến này vì họ biết rằng bản thân là một phần của một nền văn hóa tích cực và đầy trách nhiệm, nơi giúp họ tiến tới một công việc kinh doanh, môi trường xã hội và môi trường tự nhiên tốt hơn.