Sau khi thành công vươn lên vị trí điều hành cấp cao ở Warner Music, doanh nhân Tony Fernandes quyết định như thế là đủ với âm nhạc và nhảy sang một ngành hoàn toàn mới mẻ - công nghiệp hàng không.
Năm 2001, Fernandes mua lại hãng bay yếu ớt AirAsia với giá tượng trưng 1 ringgit (26 xu tiền Mỹ). Thế nhưng sau 17 năm, AirAsia đã phát triển khủng khiếp, doanh thu năm 2018 đạt mức 10,6 tỷ ringgit (khoảng 2,58 tỷ USD). Cùng năm đó, AirAsia còn được công ty nghiên cứu Skytrax bình chọn là Hãng bay giá rẻ tốt nhất thế giới năm thứ 10 liên tiếp.
Bí quyết của nhà lãnh đạo 54 tuổi là gì mà có thể giúp AirAsia chuyển mình thần kỳ đến thế? Ông Fernandes khiêm tốn đáp: “Tôi nghĩ ưu thế mạnh mẽ nhất của mình, nếu có, là tìm kiếm ra những con người tuyệt vời”.
Dưới sự dẫn dắt của Tony Fernandes, công ty đã phát triển từ 200 nhân viên và 2 máy bay lên gấp 100 lần - hiện có mạng lưới 20.000 nhân sự đa quốc gia để vận hành đội tàu bay 250 chiếc.
Để làm được điều đó, vị CEO tiết lộ ông luôn ưu tiên “săn đầu người”, tìm kiếm nhân viên có kĩ năng giao tiếp tốt và mục đích nghề nghiệp rõ ràng.
“Tôi trông cậy vào những người có khát khao mãnh liệt” - Fernandes nói. “Nếu nhìn vào đội ngũ AirAsia, bạn sẽ thấy đa số mọi người chưa đạt tới đỉnh cao thành công hay đang muốn chứng tỏ bản thân mình”.
Khả năng phát hiện nhân tài của Fernandes tỏ ra vô cùng có ích khi ông tìm kiếm đối tác cho BigPay - ứng dụng thanh toán trên điện thoại vừa ra mắt của AirAsia.
Trong một lần gặp Christopher Davison ở quán bar, vị CEO AirAsia đã lập tức nhận ra lòng can đảm và quyết tâm lớn của chàng doanh nhân tuổi trẻ tài cao này. Ấn tượng mạnh mẽ đến nỗi Fernandes đã đưa Davison trở thành nhà đồng sáng lập kiêm CEO của BigPay.
Christopher Davison - đồng sáng lập kiêm CEO BigPay
Mặt khác, ông Fernandes cho rằng việc tìm kiếm người tài chỉ là một nửa trách nhiệm của nhà lãnh đạo. Nửa còn lại, phụ thuộc vào khả năng dìu dắt, giữ chân các tài năng cho công ty.
Để hoàn thành việc đó, Fernandes cho rằng doanh nghiệp phải có 3 thứ: sự minh bạch, tôn vinh nhân sự và đảm bảo không gian để các nhân viên thoải mái vùng vẫy, phát triển.
“Rất nhiều công ty không nhận ra giá trị về con người” - Fernandes nhận xét, cho biết thêm AirAsia là hãng hàng không duy nhất ở quy mô lớn tầm đó mà không có Công đoàn - tổ chức đấu tranh cho quyền lợi của người lao động.
“Tôi nghĩ, chúng tôi đã luôn nhận ra và đảm bảo những quyền lợi ấy rồi” - vị CEO nói thêm.
Hàng ngày, Fernandes đều ăn vận giản dị và trò chuyện gần gũi với các nhân viên của mình. Nhiều buổi sáng thức dậy, ông còn nhận tới hàng trăm tin nhắn từ cấp dưới.
Không cảm thấy bị làm phiền, Tony Fernandes lại khẳng định: “Rất nhiều doanh nhân nghĩ rằng họ biết tuốt. Nhưng bạn phải luôn sẵn sàng lắng nghe mọi người xung quanh mình”.