Ngày pháp luật

Bí quyết kinh doanh online của CEO Bảo Liên Luxury

Đã đến lúc các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực online nên tự soi lại mình và phải thay đổi để có thể tìm lại chỗ đứng của thương hiệu trên thị trường trong nước. Đó là quan điểm của bàTrần Ngọc Bảo Liên, CEO Thương hiệu Bảo Liên Luxury.

Càng hoạt động càng đam mê

- Từng nổi tiếng và thành công ở rất nhiều lĩnh vực, tại sao chị lại chọn “bến đỗ” là thời trang?

Tôi từng có thời gian làm việc cho các tập đoàn nước ngoài, sau đó về nước làm cho lĩnh vực nhà hàng, khách sạn và được đào tạo bởi những chuyên gia nổi tiếng của Pháp, trong đó có những người đã từng xây dựng khách sạn Sofitel đầu tiên tại Việt Nam.

Bí quyết kinh doanh online của CEO Bảo Liên Luxury - Ảnh 1
Bà Trần Ngọc Bảo Liên tại chương trình Quyền năng phái đẹp.

Sau đó tôi chuyển qua lĩnh vực giáo dục và tiếp tục đầu quân cho công ty nước ngoài. Nhưng vì phải nuôi con nhỏ và chăm sóc gia đình nên tôi quyết định chuyển sang lĩnh vực trang điểm, rồi sang Hàn Quốc để học vẽ nghệ thuật và đã từng tham dự cuộc thi giải trang điểm quốc tế Hàn Quốc vào năm 2009.

Ngoài ra, tôi còn tham gia giảng dạy cho các học viên là phụ nữ và bắt đầu làm quen dần với lĩnh vực thời trang.

Sau 10 năm, khi đã tích lũy được chút ít kinh nghiệm, tôi quyết định kinh doanh lĩnh vực thời trang, với mong muốn mang lại vẻ đẹp cho những phụ nữ 35 tuổi trở lên, trong đó có các nữ lãnh đạo.

Càng hoạt động trong lĩnh vực này, tôi càng thấy đam mê và tôi thấy rằng mình đã chọn cho mình bến đỗ phù hợp cho sự nghiệp.

- Chị nhận định thế nào về thị trường thương mại điện tử, bán hàng online qua mạng trước thực trạng niềm tin của khách hàng đang ngày càng giảm sút đối với loại hình kinh doanh này?

Thật ra tôi đã nhận ra thực trạng này từ 10 năm trước, khi mà lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử bắt đầu có mặt và manh nha phát triển tại thị trường Việt Nam.

Nhưng tôi cho rằng việc lựa chọn mua sắm qua mạng chỉ tập trung ở khách hàng là những người làm văn phòng, học sinh, sinh viên, những bà nội trợ bận rộn, vì đa số nhưng người này họ không có nhiều thời gian để lựa chọn cho mình những sản phẩm thời trang và sản phẩm mua sắm khác.

Thực tế, việc bán sản phẩm thật không như hình ảnh trên online đã trở thành nỗi ám ảnh của những người mua hàng.

Đó là tôi chưa nói đến những sản phẩm cao cấp, nếu lỡ may những sản phẩm này không đúng với hình ảnh và thông số kỹ thuật đăng trên các trang online thì người thiệt hại nhiều nhất chính là người tiêu dùng. Điều này đã gây ảnh hưởng trực tiếp, nghiêm trọng đến quyền lợi và niềm tin mà khách hàng dành cho các thương hiệu kinh doanh online.

Nên có chính sách cụ thể

- Là người làm trong lĩnh vực thương mại điện tử, chị đã xây dựng hình ảnh sản phẩm online của mình như thế nào?

Làm sao để bán hết sản phẩm, bán nhiều sản phẩm trong cùng một lúc và nâng cao doanh thu là điều mà các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực online hướng đến.

Chính điều này đã làm cho các ông chủ quên đi cái mà họ hướng đến đó chính là xây dựng thương hiệu và giữ vững thương hiệu, chính vì chạy theo những giá trị thực dụng mà họ đã bỏ mất đi quá nhiều cơ hội về thị trường và người tiêu dùng.

Điều đó cũng tạo điều kiện cho các ông chủ kinh doanh online lớn mạnh từ các nước có cơ hội phát triển và “bành trướng” thương hiệu tại thị trường Việt.

Tôi biết đến lĩnh vực kinh doanh online khá lâu, bản thân tôi cũng đã và đang kinh doanh online trong lĩnh vực thời trang. 

Sản phẩm thời trang tôi có nhiều điểm khác lạ, tôi đánh vào thế mạnh của những người yêu thời trang, sành về thời trang và biết xây dựng cho mình một phong cách thời trang, tôi mang nét đẹp sang trọng nhưng trẻ trung đến cho tất cả mọi nguời.

Tôi chỉ đăng lên trang online những nội dung về cách lựa chọn thời trang, tư vấn thời trang phù hợp theo từng người và thông qua tôi, tôi lựa chọn những bộ trang phục đẹp để làm nổi bật thương hiệu thời trang của mình trên các trang online và xây dựng hình ảnh thương hiệu sản phẩm thông qua hình ảnh cá nhân của tôi.

- Thực tế trên cho thấy, các công ty kinh doanh bán hàng online qua các website cần phải có sự quản lý chặt chẽ từ những cơ quan có thẩm quyền để làm giảm bớt rủi ro cho người tiêu dùng?

Tôi cho rằng, không phải đến thời điểm này các cơ quan chức năng mới vào cuộc mà nên đưa ra các quy định và triển khai thực hiện cách đây mấy năm về trước.

Theo tôi, các cơ quan chức năng nên có chính sách cụ thể, chi tiết với những quy định pháp luật rõ ràng để bảo về người tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi để người tiêu dùng không vấp phải sự gian dối, lừa gạt, đặc biệt không phải chịu cảnh “Tiền mất tật mang”. Chỉ có như vậy mới vực dậy được uy tin, chất lượng và niềm tin của ngành thương mại điện tử. Tóm lại, các doanh nghiệp Việt phải có tâm, đừng tự đánh mất đi cơ hội phát triển thương hiệu tại nước nhà và trên một thị trường tiềm năng như Việt Nam.

Tin Cùng Chuyên Mục