Sự chuyển hướng mạnh mẽ về nhu cầu
Theo đánh giá về tổng quan thị trường bất động sản năm 2018 của CBRE Việt Nam, tính đến tháng 11/2018, thị trường Hà Nội có khoảng 33.000 căn hộ được xây mới và đưa vào thị trường chào bán, tăng xấp xỉ 2.000 căn so với năm 2017. Tại Tp.HCM có khoảng 32.000 căn được chào bán, tăng 1.000 căn so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo nghiên cứu của CBRE, phân khúc căn hộ hạng sang và cao cấp tăng từ 8-9% so với năm 2017. Trong khi đó, phân khúc nhà bình dân không có nhiều biến động, chỉ có những dự án đẹp mới có mức tăng từ 1-3%.
Cùng với đó, xu hướng mua bất động sản an cư cũng giảm dần, thay vào đó là hình thức đầu tư. Minh chứng cho điều này, CBRE đưa ra con số: Phân khúc nhà hạng sang và cao cấp với nhu cầu mua đất chiếm đến 61% , trong khi năm 2017 chỉ có 50% được giao dịch. Trong đó, khách mua để ở chỉ chiếm 26% và đầu tư ngắn hạn chiếm 13%; trong khi đó, năm 2017 mua để ở chiếm 35% và đầu tư ngắn hạn chiếm 15%.
Năm 2018 cũng là năm ghi nhận sự thay đổi trong nhu cầu mua nhà của khách ngoại. Nếu năm 2017, Việt kiều là các đối tượng nước ngoài chính mua bất động sản ở Việt Nam thì năm 2018, 70% lượng khách nước ngoài mua nhà là nhà đầu tư nước ngoài, cụ thể Hàn Quốc chiếm 19%, Trung Quốc chiếm 41% và Mỹ chiếm 3%.
Đất ven đô dậy sóng
Ngay từ đầu năm 2018, giá đất nền của các quận, huyện vùng ven Tp.HCM bắt đầu dậy sóng. Cụ thể, khu vực phía đông Sài Gòn thuộc các quận 2, 9 và Thủ Đức trở thành tâm điểm khi quy hoạch định hướng Thủ Thiêm trở thành trung tâm kinh tế - hành chính mới của thành phố.
Theo kết quả định giá, đất nền tại quận 2 được thiết lập mặt bằng giá ở thời điểm đỉnh vào khoảng 83 triệu đồng/m2. Trong khi đỉnh giá của năm 2017 là 76 triệu đồng/m2, tăng 9%.
Tình trạng tăng giá đất một cách đột biến lan rộng ra các huyện xung quanh như Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi... với mức tăng từ 50 - 100%. Nhiều lô đất tại huyện Bình Chánh đã tăng cả tỷ đồng chỉ sau 1 năm.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu bất động sản Tp. HCM, do quỹ đất khan hiếm nên cơn sốt ngay sau đó lan rộng ra các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu...Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, giá đất ở các thành phố và các huyện đều liên tục tăng mạnh từ những tháng cuối năm 2017 đến giữa năm 2018, với mức tăng khoảng 20-30%.
Trái ngược hoàn toàn với các tỉnh phía Nam, bất động sản Hà Nội trải qua một năm khá ảm đạm về giao dịch, đặc biệt ở phân khúc căn hộ.
Cơn sốt đất “kinh hoàng” gắn với đặc khu
Bất động sản ba địa bàn dự kiến xây dựng thành vùng hành chính - kinh tế là Vân Đồn (Quảng Ninh); Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) trải qua một năm đầy biến động và dậy sóng. Việc thành lập đặc khu đã khiến giá đất tại những địa phương này liên tục “lên đỉnh” chưa từng xảy ra trong lịch sử. Tình trạng phân lô bán nền, rao bán đất nông nghiệp diễn ra tràn lan khiến chính quyền địa phương phải đưa ra phương án “cấm” giao dịch.
Cơn sốt đất ở đặc khu kinh tế Vân Đồn - Quảng Ninh giữa năm 2018 khiến các trung tâm giao dịch lúc nào cũng kín người bất kể sáng hay tối.
Tại Vân Đồn, giá đất ở thời điểm tháng 5/2018 đạt mức 60 triệu đồng/m2. Tương tự, giá đất ở Bắc Vân Phong cũng đẩy lên gấp 3-4 lần so với năm 2017; Trên đảo Phú Quốc, mức tăng chóng mặt từng ngày, có những giao dịch một lô đất sáng bán 5 tỷ đồng, nhưng đến chiều tối đã nhảy lên 15-17 tỷ đồng.
Trước những diễn biến "chóng mặt" trên, chính quyền các tỉnh Quảng Ninh, Kiên Giang, Khánh Hòa đã ban hành các lệnh hành chính như cấm giao dịch, chuyển đổi mục đích sử dụng, rà soát các văn phòng môi giới nhà đất và xử lý nghiêm những trường hợp môi giới nếu sai phạm.
Cùng với đó, các chuyên gia bất động sản cũng đưa ra những cảnh báo về tình trạng sốt đất ảo tại các khu vực quy hoạch thành đặc khu. Trên thực tế, đây chỉ là chiêu trò thổi giá của các cò đất.
Quốc hội đã quyết định rút nội dung biểu quyết thông qua Dự án Luật Đặc khu.
Không ít nhà đầu tư cá nhân không tỉnh táo đã ngậm trái đắng khi người cuối cùng ôm đất với mức giá thực rớt một cách thê thảm so với giá ảo.