Ngày pháp luật

Bầu Kiên "tháo chạy", VietBank về tay ai?

Theo Huyền Anh/Dân Việt

Phần lớn vốn sở hữu của nhóm cổ đông ông Nguyễn Đức Kiên đã được bán sang tay chủ mới, VietBank nhiều khả năng sẽ không còn là ngân hàng gắn liền với cái tên bầu Kiên nữa. Vậy sau bầu Kiên, ai có đủ lực để “gánh” VietBank

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) mới đây đã có thông báo tới các cổ đông của mình về việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường. Ngân hàng sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 2.1.2019, và đại hội được tổ chức vào ngày 18.1.2019. Nội dung triệu tập cuộc họp là để bàn về các vấn đề thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ.

Tuy nội dung cụ thể chưa được thông báo, nhưng theo nhìn nhận của các thành viên tham gia thị trường nhiều khả năng liên quan tới những thay đổi trong tỷ lệ sở hữu ngân hàng sau những biến động thời gian qua.

Bầu Kiên chạy khỏi VietBank

VietBank được biết đến là một trong những ngân hàng thuộc nhóm nhỏ của hệ thống và vợ chồng Bầu Kiên là một trong những cổ đông sáng lập.

Vướng vào vòng lao lý kể từ năm 2014, song bầu Kiên vẫn giữ lượng lớn cổ phần tại Vietbank. Vào đầu năm nay, nhóm bầu Kiên nắm sở hữu khoảng 48,56 triệu cổ phiếu Vietbank, chiếm tỷ lệ sở hữu gần 14,95% vốn điều lệ. Trong đó, bà Lan nắm nhiều nhất với 14,97 triệu cp (4,608%); bầu Kiên nắm 6,6 triệu cp (2,035%). Chưa kể số cổ phần do những người có liên quan đến ông bầu này đang nắm giữ

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, các cổ đông của nhóm bầu Kiên liên tục đăng ký chuyển nhượng cổ phần Vietbank. Kết quả có ba người đã thoái thành công toàn bộ cổ phần nắm giữ tại Vietbank gồm bà Nguyễn Thúy Lan (em gái bầu Kiên), ông Đào Văn Kiên (em rể) và bà Nguyễn Thúy Hương (em gái) với tỷ lệ lần lượt 2,05%; 1,93% và 2,03%.

Bầu Kiên

(TV Tổng hợp)

Trong khi đó, vợ chồng bầu Kiên liên tục thoái bất thành. Sau nhiều lần thất bại, cuối tháng 8 vừa qua, Bầu Kiên đăng ký thoái toàn bộ 66.132 cổ phần với mệnh giá 1 triệu đồng (tương đương 6,61 triệu cổ phiếu theo mệnh giá 10.000 đồng), tương đương 2,035% vốn điều lệ VietBank. Giao dịch được thực hiện từ ngày 6.12.2018 đến 6.1.2019.

Mới đây nhất, bà Nguyễn Thị Kim Thanh (mẹ bà Đặng Ngọc Lan) đã đăng ký chuyển nhượng hơn 3,9 triệu cổ phần ở VietBank, dự kiến giao dịch từ ngày 19.12 đến ngày 19.1.2019. Cũng trong thời gian này, ông Đặng Công Minh (bố bà Lan) đã đăng ký chuyển nhượng hơn 3,5 triệu cổ phiếu mà ông sở hữu.

Đây là toàn bộ số cổ phần mà 2 cổ đông trên còn sở hữu tại VietBank sau đợt thoái vốn vào tháng 7. Trước đó, bà Thanh đã bán hơn 4,5 triệu cổ phần còn ông Minh cũng bán ra hơn 5,5 triệu cổ phần, tương đương hơn 3% vốn ngân hàng.

Nếu tất cả thành viên thuộc nhóm cổ đông này bán thành công số cổ phần tại VietBank, gia đình bầu Kiên sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại đây từ gần 20% xuống còn 4,61% vốn ngân hàng do bà Đặng Ngọc Lan nắm giữ. Đế chế VietBank cũng không còn thuộc về bầu Kiên.

Ai đang sở hữu Vietbank?

Được thành lập vào tháng 12.2006 với vốn điều lệ 200 tỷ đồng, ngoài bầu Kiên, cổ đông sáng lập của VietBank còn liên quan đến tập đoàn Hoa Lâm. Hiện ghế chủ tịch của ngân hàng do ông Dương Ngọc Hoà nắm giữ.

Bầu Kiên

Ông Dương Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT của VietBank và vợ là Trần Thị Lâm, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Lâm

Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Hoa Lâm (Tập đoàn Hoa Lâm), trước đây là CTCP Ô tô - Xe máy do Chủ tịch Vietbank Dương Ngọc Hòa sáng lập. Ông Hòa từng là Giám đốc Hoa Lâm, hiện nay vợ ông - bà Trần Thị Lâm là người đứng đầu Tập đoàn.

Ngược lại với động thái rút lui sở hữu của nhóm bầu Kiên thì với vai trò tối cao tại Vietbank khi nắm giữ ghế Chủ tịch và Phó Chủ tịch HĐQT, gia đình ông Dương Ngọc Hòa vẫn giữ nguyên sở hữu và thậm chí có thêm người liên quan mua vào cổ phần trong đợt tăng vốn mới đây của ngân hàng. Thời điểm trước tăng vốn vào cuối tháng 9, gia đình ông Hòa nắm giữ khoảng 44 triệu cổ phiếu Vietbank, tương đương 13,54% vốn điều lệ.

Bầu Kiên

Cũng phải nói thêm rằng, Vietbank vừa hoàn tất tăng vốn hôm 17.12 thêm 1.007 tỷ đồng, lên 4.256,2 tỷ đồng. Mục đích tăng vốn được HĐQT ngân hàng công bố là dành 507 tỷ đồng để kinh doanh, đầu tư trái phiếu, duy trì các tỷ lệ đảm bảo an toàn theo quy định pháp luật; ngoài ra 500 tỷ để mua tòa nhà Lim II tại số 62A CMT8, phường 6, quận 3.

Được biết tòa nhà Lim II do Công Ty TNHH TM - DV Chợ Đũi (vốn điều lệ 100 tỷ đồng) làm chủ đầu tư. Theo cơ cấu cổ đông mới cập nhật đến tháng 5.2018, Tập đoàn Hoa Lâm đã chuyển 1% vốn sở hữu tại Chợ Đũi sang cho Công ty TNHH Lương Thạch, còn lại Công ty TNHH BĐS Nhất Khang sở hữu 99% - cả hai công ty này đều có cùng trụ sở tại Tòa nhà Lim I (số 2 Thi sách, phường Bến Nghé, quận 1).

Bầu Kiên

Tòa nhà Lim II

Đáng chú ý, đây cũng chính là địa chỉ của nhiều doanh nghiệp do ông Nguyễn Phan Hoài Hiệp, sinh năm 1994 làm Chủ tịch như Công ty CP Đầu Tư THT Phú Trí; Công ty TNHH Đầu tư 29A Phú Trí; Công ty TNHH Đầu tư NDC Phú Trí và Công ty CP Đầu tư Phú Trí

Được biết, cá nhân nhận số cổ phần này tên là Nguyễn Phan Hoài Hiệp, sinh năm 1994. Ông Hiệp cũng chính là đại gia 9x đã chi 66 tỷ đồng mua cổ phần phát hành của Vietbank vừa qua.

Đến nay, dù câu chuyện sở hữu và các mối quan hệ trong giao dịch cổ phiếu của VietBank chưa ngã ngũ song có thể thấy, mối quan hệ giữa những công ty và cá nhân liên quan đến Tập đoàn Hoa Lâm không đơn giản.

Các thành viên tham gia thị trường cho rằng, cùng với động thái rút chạy khỏi VietBank của các cổ đông trong nhóm bầu Kiên, nhiều khả năng ngân hàng sẽ xuất hiện nhóm cổ đông lớn mới bởi tất cả giao dịch thoái vốn của gia đình ông Kiên đều là giao dịch thỏa thuận. Vì vậy, khó tránh khỏi việc vốn ngân hàng lại tập trung trong tay một nhóm cổ đông khác. 

Tin Cùng Chuyên Mục