Tài sản của giới siêu giàu Việt Nam có sự biến đổi mạnh mẽ trong năm 2018. Trong khi cái tên đình đám Phạm Nhật Vượng bước sang năm 2019 với tâm thế của tỷ phú giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt, thì ở chiều ngược lại, ba doanh nhân nổi bật là Trịnh Văn Quyết, Trần Đình Long, Nguyễn Đức Tài bất ngờ có mặt trong danh sách những tỷ phú bị thâm hụt tài sản nhiều nhất năm.
Dù chưa có bất cứ tuyên bố nào về kết quả này, thế nhưng, những chia sẻ về triết lý sống của cả ba doanh nhân đều có điểm chung: họ không coi tiền bạc là cái đích hay mục tiêu quan trọng nhất.
Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC, người mà năm trước đó thắng lớn trên sàn chứng khoán với số cổ phiếu sở hữu trực tiếp có giá thị trường lớn hơn tài sản của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng. Thế nhưng, 2018 lại là năm u ám khi cổ phiếu FLC Faros "trượt" mạnh xuống vùng giá thấp nhất trong 2 năm trở lại đây. Từ doanh nghiệp nằm trong top 10 vốn hóa lớn nhất sàn HOSE, FLC Faros tụt dốc giảm hơn 4 lần giá trị do kết quả kinh doanh không đạt kỳ vọng. 3 quý đầu năm Faros chỉ thu về hơn 100 tỷ đồng lợi nhuận, chưa bằng 1/6 so với riêng quý IV năm trước đó. Tài sản trên sàn chứng khoán của ông Quyết bốc hơi 43.130 tỷ đồng, chỉ còn 15.720 tỷ đồng.
Những con số thâm hụt khổng lồ có lẽ không thể làm giảm đi tham vọng phát triển của ông Trịnh Văn Quyết. Phát biểu trên báo chí, ông từng chia sẻ: "Thước đo một doanh nhân, một doanh nghiệp thành công không phải bằng tiền, mà bằng những giá trị họ mang lại cho xã hội.". Bước sang năm 2019, giới kinh doanh đang hồi hộp chờ đợi những động thái đầu tiên của ông Trịnh Văn Quyết trong việc "khởi động" hãng hàng không Bamboo Airways, trong bối cảnh hãng này đã hai lần lỡ hẹn với chuyến bay đầu tiên.
Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát
Những lo ngại về tương lai của dự án Khu liên hợp gang thép Dung Quất, cùng việc tăng mạnh vay nợ để triển khai các dự án khiến Hòa Phát chịu nhiều tác động. Bên cạnh đó, doanh nghiệp của ông Long còn bị ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại và giá thép giảm khiến lợi nhuận ngành thép sụt giảm. Cổ phiếu này cũng thuộc nhóm dao động mạnh nhất thị trường năm qua. So với đầu năm, cổ phiếu Hòa Phát đã giảm hơn 10%, và tài sản của Chủ tịch tập đoàn, ông Trần Đình Long cũng sụt tương ứng.
Trong buổi phỏng vấn đầu tiên sau khi nhận lọt vào danh sách những người giàu nhất thế giới của Forbes, ông Trần Đình Long thú nhận đã lâu không làm việc để vì mục tiêu kiếm một con số cụ thể bao nhiêu tiền trong ngày.
"Thực ra hàng ngày, khi làm việc tôi có nghĩ đến tiền đâu nên còn chẳng biết là mình có bao nhiêu tiền. Chắc chẳng phải riêng tôi, mà nhiều người cũng thế. Khi mình làm đến mức độ nào đó thì không phải để tìm ra con số cụ thể hằng ngày về tiền nữa. Đó là điều chắc chắn chứ không phải tôi khiêm tốn hoặc lảng tránh gì."
Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch Thế giới Di động
Cùng khó khăn với bài toán tăng trưởng, Thế giới Di động của ông Tài cũng gặp khó khăn trong năm 2018 trong việc chọn lối đi mới cho chuỗi cửa hàng của mình. Từ việc doanh thu Bách Hóa Xanh không đạt kỳ vọng, thất bại với dự án vuivui.com, thị giá cổ phiếu Thế giới Di động đã giảm 13% so với đầu năm dù lợi nhuận vẫn tốt. Tài sản của ông Nguyễn Đức Tài sụt giảm 639 tỷ đồng trong năm 2018.
Con đường dẫn tới thành công của ông Nguyễn Đức Tài không hề dễ dàng. Ông lớn lên trong nghèo khó tại TP.HCM, nơi mẹ ông thường bán xôi và bánh tráng cuốn dạo. Những năm tháng khó khăn đã khiến ông nung nấu mục tiêu: có được cuộc sống tốt hơn so với bố mẹ mình.
Cùng với suy nghĩ luôn muốn"nghĩ lớn, làm lớn", ông Nguyễn Đức Tài đã xây dựng Thế giới di động trở thành đế chế có giá trị gần 3 tỷ USD. Thế giới Di động cũng là công ty Việt Nam duy nhất trong danh sách 50 công ty niêm yết lớn nhất châu Á của Forbes năm 2017.
Chia sẻ về triết lý kinh doanh của mình, ông Nguyễn Đức Tài đúc kết: "Chúng tôi bán sự hài lòng, xem khách hàng là đối tác chứ không nhìn vào túi tiền của họ."