Trong bối cảnh thị trường bán dẫn và smartphone ngày càng suy giảm, gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc một lần nữa còn phải đối mặt với rủi ro liên quan đến chất lượng sản phẩm và quyền sở hữu (liên quan đến việc triển khai quyền thừa kế của Phó chủ tịch Lee).
Samsung Electronics cho rằng tình huống hiện này là một cuộc khủng hoảng mới và đang tích cực tìm kiếm các biện pháp để giải quyết một loạt thách thức lớn.
Cảm giác cấp bách của Samsung được thể hiện phần nào qua nhận xét gần đây của Lee Jae-yong – Phó Chủ tịch kiêm người thừa kế của Tập đoàn. Hôm thứ Bảy vừa qua, Lee đã xuất hiện tại sảnh của trụ sở bán dẫn Samsung, ở Hwaseong, tỉnh Gyeonggi, để thảo luận về kế hoạch đầu tư và việc làm của công ty với việc tập trung sự quản lý ở cấp độ cao nhất cho bộ phận sản xuất chip.
Theo Samsung, trong cuộc họp kéo dài bốn giờ, phó chủ tịch nhấn mạnh: "Samsung không nên hài lòng hay thất vọng về những kết quả và cơ hội ngắn hạn; và những gì chúng ta không nên từ bỏ trong bối cảnh môi trường thay đổi nhanh chính là tính lâu dài và năng lực của các công nghệ cơ bản".
Sau đó, Lee kêu gọi ban lãnh đạo cấp cao của công ty thực hiện kế hoạch đầu tư 180 nghìn tỷ won (153 tỷ USD) và thuê 40.000 nhân viên trong ba năm (và kế hoạch này sẽ không bị thay đổi vì bất kỳ lý do gì).
Đây là lần đầu tiên Lee tổ chức một cuộc họp như vậy kể từ khi ông lên lãnh đạo Tập đoàn thay cha mình - Chủ tịch Lee Kun-hee, người phải nhập viện vào tháng 5 năm 2014.
Đây cũng là ý kiến chỉ đạo mạnh mẽ nhất của Phó chủ tịch Samsung từ trước đến nay và nó cho thấy các khó khăn mà Samsung đang phải đối mặt là nghiêm trọng. Một quan chức giấu tên của Samsung cho biết công ty coi đây là "một cuộc khủng hoảng mới".
Samsung hiện đang phải đối mặt với vô số thách thức cả trong và ngoài nước.
Thị trường chip nhớ toàn cầu bước vào chu kỳ suy giảm với việc giá thành sản phẩm thấp và các hợp đồng bị trì hoãn khiến hoạt động kinh doanh bán dẫn của Samsung được dự báo giảm lợi nhuận trong cả năm 2019. Lợi nhuận hoạt động trong quý đầu tiên của công ty đã giảm 60% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 6,23 nghìn tỷ won. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất trong 10 quý gần đây của mảng kinh doanh này.
Sự bất ổn ngày càng tăng trong môi trường kinh doanh toàn cầu, bao gồm các cuộc xung đột thương mại đang diễn ra giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng là một mối quan tâm lớn đối với Samsung. Huawei của Trung Quốc vừa là đối thủ vừa là đối tác kinh doanh của Samsung.
Lee đã nhờ cựu Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush cho lời khuyên về vấn đề thương mại toàn cầu trong chuyến thăm Hàn Quốc vào tháng trước.
Sự cố mới nhất của Samsung với Galaxy Fold là một thách thức khác và tạo thêm áp lực cho gã khổng lồ công nghệ trong bối cảnh thị trường smartphone cao cấp đang trì trệ.
Chiếc smartphone màn hình gập của Samsung được trình làng lần đầu tiên hồi tháng 2 năm nay nhưng sau đó một số reviewer Mỹ đã phát hiện lỗi trong quá trình thử nghiệm. Điều này khiến việc bán ra sản phẩm vào tháng 4 bị trì hoãn và hiện tại kế hoạch mới cho sản phẩm vẫn chưa được Samsung tiết lộ.
Bên cạnh những thách thức kinh doanh, Samsung một lần nữa phải đối mặt với rủi ro sở hữu liên quan đến việc chuẩn bị cho sự kế thừa của Phó chủ tịch.
Người thừa kế Samsung Lee đang phải đối mặt với cáo buộc từ các công tố viên về vai trò của mình trong vụ sáp nhập không công bằng giữa Samsung C & T và Cheil Industries vào năm 2015, cũng như gian lận kế toán tại Samsung BioLogics cho đợt chào bán công khai lần đầu năm 2016. Cả hai sự cố đã được xem là một phần của quy trình bất hợp pháp chuyển quyền kiểm soát Tập đoàn từ Chủ tịch Lee sang con trai ông.
Một quan chức giấu tên cho biết: "Lee nhấn mạnh rằng Samsung một lần nữa trải qua giai đoạn khó khăn. Các nhân viên của Samsung nói rằng bầu không khí tại công ty khá tệ, giống như thời điểm Lee bị giam trong tù (năm 2017) do vụ bê bối hối lộ của tổng thống".