Tiền gửi ngân hàng tăng, gần chạm mốc 10 triệu tỷ
Lãi suất tiết kiệm tiếp tục giảm các kỳ hạn trên 6 tháng từ đầu tháng 8 đến nay. Hiện lãi suất kỳ hạn 12 tháng trên 7%/năm chỉ còn ít ngân hàng và lãi suất thấp nhất còn 5,95%/năm. VietABank vừa điều chỉnh giảm từ 0,1 - 0,3% lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 6 - 36 tháng.
Theo đó, lãi suất kỳ hạn 6 - 7 tháng giảm 0,2% còn 6,8%/năm. Lãi suất kỳ hạn 8 - 11 tháng giảm 0,1% còn 6,9%/năm. Lãi suất các kỳ hạn 12 - 36 tháng về chung một mức 7%/năm.
BacA Bank cũng vừa công bố giảm 0,25% lãi suất các kỳ hạn tiền gửi từ 6 - 36 tháng. Đây là lần thứ hai trong tháng ngân hàng này giảm lãi suất. Cụ thể, kỳ hạn 6 - 8 tháng còn 6,75%/năm; kỳ hạn 9 - 11 tháng 6,8%/năm; kỳ hạn 12 tháng về 6,85%/năm.
Techcombank cũng giảm đồng loạt 0,7% lãi suất với khoản tiền từ 6 tháng trở lên. Hiện ngân hàng này có mức lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng thấp nhất thị trường còn 5,95%/năm. Cũng kỳ hạn này, nhiều ngân hàng đang để mức lãi suất thấp hơn cả nhóm 4 ngân hàng quốc doanh. Cụ thể, ACB (6,1%/năm); Eximbank (6,0%/năm). Nhóm ngân hàng big 4 (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank) vẫn giữ kỳ hạn 12 tháng 6,3%/năm.
Theo báo cáo vừa được công bố bởi CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lãi suất huy động đã giảm liên tục 5 tháng. Trong tháng 7, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng và 6 tháng bình quân là 7% và 6,5%, lần lượt giảm 36 và 31 điểm % so với tháng trước.
Mặt khác, thống kê tại 28 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2023 cho thấy, dù lãi suất huy động đã giảm sâu, song tốc độ tăng trưởng tiền gửi của khách hàng tại các nhà băng vẫn tăng trở lại.
Cụ thể, tính đến 30/06/2023, các nhà băng trên sàn chứng khoán ghi nhận tổng số dư tiền gửi khách hàng là gần 9,01 triệu tỷ, tăng gần 367 nghìn tỷ đồng (4,2%) so với cuối tháng 3/2023. Trong khi hồi quý 1/2023, tốc độ tăng trưởng tiền gửi chỉ là gần 310 nghìn tỷ đồng (3,7%).
Dấu hiệu của sự phục hồi kinh tế
Các chuyên gia cho rằng đây là tín hiệu của sự phục hồi của nền kinh tế và những thành tựu trong việc số hóa, cải thiện quy trình của các nhà băng. Cụ thể, trong năm 2022, do lạm phát, các quốc gia trên toàn cầu đã phải thắt chặt tiền tệ. Điều này đã làm hạn chế đáng kể các hoạt động tiêu dùng.
Việt Nam với độ mở kinh tế đến 200% GDP cũng không nằm ngoài vùng ảnh hưởng. Các doanh nghiệp đã ghi nhận lượng đơn hàng giảm đáng kể, người lao động cũng bị giảm thu nhập, điều này đã dẫn đến dòng tiền vào hệ thống ngân hàng có tăng trưởng chậm lại, đặc biệt là ở khoản tiền gửi không kỳ hạn CASA.
Tuy nhiên, từ cuối quý III/2022, trước các áp lực trong và ngoài nước, Ngân hàng Nhà nước đã phải tăng lãi suất điều hành. Cùng lúc, lãi suất huy động tại các nhà băng cũng tăng lên, góp phần thu hút một lượng không nhỏ vốn của xã hội chảy vào bù đắp lại phần nào dòng vốn bị thiếu hụt. Điều này có thể được nhìn thấy rất rõ trong việc quý IV/2022 và quý I/2023 tiền gửi có kỳ hạn là nhân tố chính thúc đẩy tổng tiền gửi tăng trưởng.
Theo đó, trong quý IV/2022 tăng trưởng tổng tiền gửi là gần 500 nghìn tỷ, song đã có đến 412 nghìn tỷ là từ tiền gửi có kỳ hạn và tiết kiệm; hay quý I/2023, tiền gửi không kỳ hạn giảm 180 nghìn tỷ, trong khi các khoản tiền gửi tiết kiệm và có kỳ hạn tăng đến 493 nghìn tỷ đồng.
Đến cuối quý II/2023, số dư tiền gửi tại các ngân hàng đã quay trở lại đà tăng trưởng, trong đó đáng chú ý nhất là CASA đã có dấu hiệu phục hồi. Điều này cho thấy, thứ nhất các hoạt động kinh tế đang bắt đầu ấm dần lên, thu nhập của doanh nghiệp và người dân đã bắt đầu phục hồi, tiền cũng theo đó chảy vào hệ thống ngân hàng nhiều hơn. Thứ hai ngân hàng dường như là một kênh giao dịch không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại, các hoạt động số hóa, cải thiện quy trình của các ngân hàng đã cho thấy những kết quả khả quan, khi người dân sẵn sàng để tiền ở kênh không kỳ hạn.
Cùng với đó, tiền gửi tiết kiệm sẽ khó lòng cạnh tranh về mặt lãi suất đối với các kênh tài sản khác, đặc biệt là trong bối cảnh lãi suất sẽ còn tiếp tục giảm trong thời gian tới. Đồng thời, các ngân hàng nên hạn chế chạy đua cạnh tranh lãi suất huy động, vì điều này “lợi bất cập hại”. Mặt khác, báo cáo tài chính của các ngân hàng cho thấy, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trên tổng tiền gửi của các ngân hàng trung bình quanh mức 17-20%, trong khi đó có một số ngân hàng ghi nhận con số này trên 50%. Điều này có nghĩa là việc phát triển tiền gửi không kỳ hạn ở các ngân hàng vẫn còn nhiều tiềm năng, bên cạnh đó đây còn là một kênh thu hút nguồn vốn giá rẻ cho các nhà băng, góp phần nới rộng NIM, tăng lợi nhuận.
Điều này cho thấy, đây là một tín hiệu về sự ổn định của thị trường tài chính và kinh tế, hoạt động kinh tế đang bắt đầu ấm dần lên, thu nhập của doanh nghiệp và người dân đã bắt đầu phục hồi, tiền cũng theo đó chảy vào hệ thống ngân hàng nhiều hơn.
Các chuyên gia đánh giá, từ nay đến cuối năm, dự báo dưới sự hỗ trợ của nhà nước bằng cả chính sách tài khóa và tiền tệ, các hoạt động kinh tế sẽ tốt hơn. Qua đó, thu nhập của doanh nghiệp và người dân cũng được cải thiện, tiền gửi vào hệ thống ngân hàng theo đó sẽ tăng trưởng tích cực hơn. Mặt khác, nhờ vào việc tăng cường số hóa, cải thiện quy trình, tiền gửi không kỳ hạn sẽ tiếp tục tăng trưởng về mặt số dư cũng như tỷ trọng trong tổng tiền gửi.