Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bằng giải pháp truy xuất nguồn gốc

Nhã An

(Doanhnhan.vn) - Nhằm hưởng ứng ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4), tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức đến cộng đồng về Luật Sở hữu trí tuệ cũng như tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, Vina CHG tổ chức hội thảo “Sở hữu trí tuệ và giải pháp truy xuất nguồn gốc, chống hàng giả”.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ông Lê Tấn Cường, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Dương cho biết, vấn đề sở hữu trí tuệ hiện đang là mối quan tâm của thế giới, và có vai trò vô cùng quan trọng trong việc định hình và phát triển nền kinh tế dựa trên tri thức.

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bằng giải pháp truy xuất nguồn gốc - Ảnh 1

Ông Lê Tấn Cường, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tình Bình Dương phát biểu khai mạc hội thảo.

Trong những năm qua, dù vẫn còn tồn tại một số hạn chế, nhưng công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam được nhiều cơ quan chức năng quan tâm, cũng như ngày càng có nhiều doanh nghiệp ý thức được giá trị của tài sản trí tuệ và tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp.

Cũng theo ông Cường, Hội thảo “Sở hữu trí tuệ và giải pháp truy xuất nguồn gốc, chống hàng giả” được tổ chức tại Bình Dương lần này ngoài là hoạt động thiết thực nhằm hưởng ứng ngày sở hữu trí tuệ thế giới (26/4), còn là dịp để thảo luận về các vấn đề liên quan đến xác lập quyền sở hữu trí tuệ, xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng như tìm ra những giải pháp hiệu quả để chống lại vấn nạn xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, cụ thể là nạn hàng giả, hàng nhái.

Tại Hội thảo, ông Trần Giang Khuê, Phó Trưởng đại diện, phụ trách Văn phòng đại diện Cục SHTT tại TP.HCM đã nêu lên những đóng góp to lớn của phụ nữ trong việc sáng tạo, đổi mới, được dẫn trong bài diễn văn kỷ niệm ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2018 của WIPO.

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bằng giải pháp truy xuất nguồn gốc - Ảnh 2

 Ông Trần Giang Khuê, Phó Trưởng đại diện, phụ trách Văn phòng đại diện Cục SHTT tạiTP.HCM phát nêu các vấn đề liên quan đến công tác xác lập quyền và xử lý vi phạm SHTT hiện nay.

Ông Khuê cũng chỉ ra nhiều vấn đề thiết thực trong công tác xác lập quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp. Cụ thể, theo ông Khuê, không thể chỉ xét yếu tố vi phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng văn bản, giấy chứng nhận quyền mà còn cần xét cả thực tế áp dụng thương hiệu vào sản xuất, tiêu dùng. Nhiều trường hợp, khi xét trên giấy chứng nhận không có vấn đề gì, nhưng khi đi sâu vào việc sử dụng thương hiệu lại xảy ra hiện tượng sao chép, cố ý gây nhầm lẫn.

“Thậm chí, yếu tố đối tượng khách hàng mà doanh nghiệp sở hữu thương hiệu hướng tới cũng có thể khiến cho việc xem xét có hay không việc xâm phạm quyền SHTT”, ông Khuê cho biết. Vì vậy, việc xác lập quyền SHTT, từ đó quyết định xem có hay không hành vi xâm phạm quyền là công tác phức tạp, cần phân tích, xem xét nhiều yếu tố, chứ không đơn giản chỉ là trên văn bản, giấy tờ.

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bằng giải pháp truy xuất nguồn gốc - Ảnh 3

 Giải phép tem thông minh ứng dụng truy xuất nguồn gốc ứng dụng công nghệ 4.0 được Vina CHG giới thiệu tại Hội thảo.

Cũng tại Hội thảo, đại diện Vina CHG, một trong những công ty ở Việt Nam cung cấp các giải pháp bảo vệ thương hiệu, chống hàng giả cho nhiều doanh nghiệp hiện nay đã đưa ra giải pháp mang tên Vinacheck 4.0 giúp bảo vệ tài sản thương hiệu thông qua việc dùng các ứng dụng truy xuất nguồn gốc và tem chống hàng giả ứng dụng công nghệ 4.0.

Theo đại diện Vina CHG, xu hướng tiêu dùng của người tiêu dùng hiện tại đang dần chuyển hướng theo hướng tiêu dùng thông minh, đồng thời người tiêu dùng cũng đã nhận thức và chọn sử dụng những sản phẩm thương hiệu uy tín có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng từ những doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội, sử dụng những giải pháp thông minh để bảo vệ quyền lợi khách hàng…

“Bằng cách áp dụng truy xuất nguồn gốc, công nghệ chống hàng giả và công cụ quản lý doanh nghiệp hướng tới chăm sóc trực tiếp người tiêu dùng bằng một giải pháp thông minh sẽ giúp doanh nghiệp bảo vệ hiệu quả hơn tài sản trí tuệ của mình, đặc biệt trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay”, đại diện Vina CHG cho biết.

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bằng giải pháp truy xuất nguồn gốc - Ảnh 4

 

Tại phần thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng cần có nhiều hơn những hướng dẫn, thông tin liên quan đến thực thi công tác bảo vệ và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời cần có thêm những giải pháp thật sự hiệu quả giúp DN bảo vệ tốt hơn thương hiệu, bảo vệ tài sản trí tuệ của mình.

Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2018: Phụ nữ với hoạt động đổi mới sáng tạo

Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (World Intellectual Property Organization, viết tắt là WIPO) được thành lập vào năm 1967, là một trong những cơ quan chuyên môn của Liên Hiệp Quốc với mục tiêu đẩy mạnh hoạt động trí tuệ sáng tạo và tạo điều kiện chuyển giao công nghệ liên quan đến sở hữu trí tuệ sang các nước đang phát triển nhằm mục tiêu đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa, và khuyến khích sự sáng tạo của nhân loại và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên toàn thế giới. WIPO hiện nay có 188 thành viên và quản lý 23 hiệp ước quốc tế, đặt trụ sở chính tại Genève, Thụy Sĩ.

Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới được cử hành vào ngày 26 tháng 4 hàng năm, là ngày mà Công ước thiết lập Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới bắt đầu có hiệu lực trong năm 1970, được WIPO thiết lập từ năm 2000 nhằm nâng cao nhận thức về cách mà bằng sáng chế, quyền tác giả, thương hiệu và thiết kế tác động đến cuộc sống hàng ngày cũng như biểu dương tính sáng tạo, sự đóng góp của những người sáng tạo và những người đổi mới vào việc phát triển các xã hội trên thế giới.

Theo WIPO, chiến dịch kỷ niệm Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2018 được tổ chức với chủ đề “Tiếp sức cho những thay đổi - Phụ nữ với hoạt động đổi mới sáng tạo”, nhằm tôn vinh tài năng, sự khéo léo, ham học hỏi và sự can đảm của phụ nữ - những người bằng lao động sáng tạo của mình đang thay đổi thế giới và định hình tương lai chung của nhân loại.

Tin Cùng Chuyên Mục