Tham dự tọa đàm có ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ; ông Vũ Hoàng Diệp, Phó Tổng Biên tập Báo PLVN; ông Đinh Thanh Phú, Chánh Thanh Tra Sở Công thương TP Cần Thơ; bà Võ Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ);ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Cục Trưởng Cục Hải quan TP Cần Thơ; cùng lãnh đạo các Sở,ban ngành TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL, các công ty, doanh nghiệp trong khu vực ĐBSCL.
Quang cảnh buổi tọa đàm
Tạo điều kiện gỡ “nút thắt” cho doanh nghiệp
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Vũ Hoàng Diệp, Phó Tổng Biên tập Báo PLVN cho biết, trong suốt 34 năm qua, bên cạnh công tác làm báo, Báo PLVN cũng chú trọng tổ chức nhiều chương trình, sự kiện, cuộc thi nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Từ năm 2017, Báo đã tổ chức Cuộc thi Vinh danh Doanh nghiệp, doanh nhân “Thượng tôn pháp luật, phát triển bền vững” nhằm tuyên truyền, vận động và cổ vũ doanh nhân, doanh nghiệp áp dụng pháp luật trong sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tìm kiếm và biểu dương những doanh nhân, doanh nghiệp điển hình, kinh doanh thành đạt, phát triển bền vững trên cơ sở tôn trọng pháp luật vì sự thịnh vượng chung của đất nước. Trong khuôn khổ chương trình, Báo đã tổ chức nhiều buổi tọa đàm bàn luận về những chuyên đề mà doanh nghiệp quan tâm. Từ đầu năm đến nay, Báo đã tổ chức 3 buổi tọa đàm tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh.
Theo ông Diệp, ĐBSCL là vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Do điều kiện tự nhiên thuận lợi, đất đai màu mỡ, phì nhiêu, hệ thống kênh ngòi chằng chịt nên có tiềm năng rất lớn về nông, thủy sản. Vùng đóng góp 40% giá trị sản xuất nông nghiệp, trên 50% sản lượng lúa, 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản, 70% sản lượng trái cây. Nơi đây được xem là vựa lúa, vựa thủy sản lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư và phát triển các ngành hàng này, doanh nghiệp ĐBSCL gặp không ít khó khăn, trở ngại, từ cơ chế, chính sách, quy định pháp luật cho đến yếu tố thị trường.
“Hiện nay, nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến vấn đề pháp lý trong kinh doanh, sản xuất. Đối với các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu, nếu không kịp thời cập nhật những quy định, cơ chế, chính sách mới thì vô tình tạo nên rào cản rất lớn, bỏ qua những “ưu đãi” mà Đảng và Nhà nước dành cho doanh nghiệp… Thấu hiểu khó khăn đó, Báo PLVN đã chọn chủ đề đó Báo đã chọn chủ đề: “Hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp trong xuất, nhập khẩu nông, thủy sản” để lắng nghe và tháo gỡ khó khăn, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Diệp nhấn mạnh.
Ở góc độ địa phương, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ hoan nghênh Báo PLVN đã chọn Cần Thơ tổ chức tọa đàm để cung cấp những thông tin bổ ích cho các doanh nghiệp và các sở, ban ngành. Theo ông Hiển, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân. Đây là động lực quan trọng của nền kinh tế. Thời gian qua, TP Cần Thơ đã thực hiện hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh, môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch. Hiện nay, toàn TP có gần 8.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên nhiều lĩnh vực sản xuất, thương mại, xuất nhập khẩu… chiếm 26% doanh nghiệp ĐBSCL.
Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ tin tưởng tọa đàm cung cấp rõ cơ chế chính sách pháp luật trong nông thủy sản, gỡ khó cho doanh nghiệp
Theo ông Hiển, Tọa đàm đã quan tâm đến những nội dung liên quan tình hình xuất nhập khẩu Việt Nam và ĐBSCL, khó khăn vướng mắc trong quy định pháp luật của doanh nghiệp. “Đây là nội dung quan trọng cần thiết cho cộng đồng doanh nghiệp doanh nhân trong thời gian sắp tới. Tin tưởng tọa đàm cung cấp rõ cơ chế chính sách pháp luật trong nông thủy sản, gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Hiển nhấn mạnh.
Bài học “lớn” cho doanh nghiệp Việt Nam
Nói về tiềm năng kinh tế vùng ĐBSCL, bà Võ Thị Thu Hương, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ cho biết, kim ngạch xuất khẩu của ĐBSCL tăng trưởng tốt qua các năm, đạt 17,4 tỷ USD trong năm 2018, tăng 10% so với năm 2017 và chiếm 7,1% so với tổng kim ngach xuất khẩu của cả nước. Trong đó xuất khẩu nông thủy sản là chủ lực. Năm 2018, xuất khẩu tôm đạt 3,44 tỷ USD, cá tra 2,17 tỷ USD, gạo 2,7 tỷ USD, rau quả 2,6 tỷ USD.
Tuy nhiên, để mặt hàng xuất khẩu xuất ra nước ngoài cần phải dựa trên hợp đồng giữa đối tác Việt Nam và đối tác nước ngoài. Trên thực tế, trong quá trình xuất khẩu còn xảy ra nhiều vụ tranh chấp quốc tế và các doanh nghiệp còn khá lúng túng trong việc giải quyết các vụ tranh chấp quốc tế từ đó làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu.
Ông Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Việt – Úc trình bày tại Tọa đàm
Để các doanh nghiệp hiểu rõ về hợp đồng thương mại quốc tế, Luật sư Võ Hoàng Tâm, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ đã chỉ rõ cho các doanh nghiệp hiểu về khái niệm, chủ thể và các dạng hợp đồng thương mại quốc tế. Theo luật sư Tâm, có 3 khung pháp lý làm cơ sở để ký các hợp đồng thương mại: Điều ước quốc tế, pháp luật Việt Nam và Tập quán thương mại quốc tế. Khi chọn cơ sở pháp lý nào các doanh nghiệp cũng đặc biệt lưu ý. Đối với pháp luật Việt Nam dựa vào Bộ luật Dân sự 2015, Bộ luật Hàng hải 2015, Luật Thương mại 2005.
Đối với việc giải quyết tranh chấp, pháp luật Việt Nam giải quyết căn cứ vào Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2014, Luật Trọng tài Thương mại năm 2010. Nếu dựa trên Điều ước quốc tế sẽ căn cứ vào Công ước New York 1958 về Công nhận và thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài để giải quyết tranh chấp.
Theo luật sư Tâm, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đang “lãng phí” rất nhiều Hiệp định song phương có lợi. Đồng thời cho biết, Việt Nam đã gia nhập Công ước Viên, có khoảng 80 thành viên. “Vì vậy khi chọn cơ sở pháp lý áp dụng cho hợp đồng giao dịch cần xem nước ký kết có tham gia hợp đồng này hay chưa để khi tranh chấp biết đường áp dụng”.
Thực tế các vụ tranh chấp, thiệt thòi xảy ra do các doanh nghiệp chưa tìm hiểu thị trường, pháp luật nước sở tại, các Điều ước quốc tế liên quan. “Các doanh nghiệp nước ngoài qua Việt Nam thông qua cơ quan đại diện của họ tại Việt Nam và tìm hiểu rất kỹ trước khi ký kết trong khi việc tìm hiểu thị trường của Việt Nam còn rất hạn chế”, ông Tâm cho biết.
Ông Vũ Hoàng Diệp, Phó Tổng Biên tập Báo PLVN trả lời các ý kiến của doanh nghiệp
Theo ông Tâm, các doanh nghiệp Đàm phán hợp đồng chưa kỹ, “đưa là ký”, đồng thời ngại đàm phán, sợ mất lòng, sử dụng mẫu hợp đồng có sẵn hoặc ký theo hợp đồng của đối tác. Đồng thời, ngại tham vấn chuyên gia, luật sư tư vấn về vấn đề hợp đồng và trong tranh chấp. Tìm hiểu kỹ pháp luật nước sở tại và luật quốc tế liên quan. Từ đó, ông Tâm cho rằng, cần có những diễn đàn kết nối doanh nghiệp xuất khẩu để hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. và tham vấn chuyên gia, luật sư chuyên về thương mại quốc tế.
Ông Vũ Hoàng Diệp, Phó Tổng Biên tập Báo PLVN trao tặng kỷ niệm chương cho các doanh nghiệp tài trợ
Pháp luật giúp doanh nghiệp phát triển bền vững
Mở đầu bài tham luận của mình, Luật sư, Thạc sĩ Kiều Anh Vũ, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh khơi gợi một vấn đề mà nhiều doanh nghiệp quan tâm đó là “Tại sao doanh nghiệp phải quan tâm pháp luật?”. Theo Luật sư Vũ, các doanh nghiệp muốn có lợi nhuận để phát triển nhưng để làm giàu an toàn thì phải có lá chắn pháp lý bảo vệ, phải tiếp cận, hiểu, biết, vận dụng, tận dụng pháp luật như thời cơ, lợi thế trong quá trình kinh doanh
Nhà nước luôn quan tâm hội nhập quốc tế, tạo điều kiện doanh nghiệp phát triển bền vững. Các hiệp định thương mại quốc tế tự do mang đến nhiều lợi thế cho doanh nghiệp nhưng lại ít biết tận dụng. Nếu kịp thời nắm bắt và tận dụng các hiệp định sẽ góp phần xóa bỏ hàng rào thuế quan, rào cản thương mại để dễ dàng đưa sản phẩm, hàng hoa qua thị trường quốc tế. Vấn đề hiện nay là các doanh nghiệp chưa quan tâm, chưa thấy được lợi thế của pháp luật mang lại. Nhiều trường hợp doanh nghiệp gặp rắc tối chủ yếu là do không hiểu luật và việc vận dụng còn nhiều hạn chế, bất cập
Theo luật sư Vũ, thực trạng hiện nay, người dân và doanh nghiệp còn khó khăn trong quá trình tìm hiểu pháp luật Việt Nam. “Thông tư này sửa đổi thông tư kia đôi khi luật sư theo dõi cũng khó... Nhiều quy định không rõ ràng, nhiều khi các hiểu của các bộ ngành về một văn bản cũng khác nhau. Với pháp luật nước ngoài, người dân cũng rất khó để tiếp cận và tìm hiểu”, luật sư Vũ nói rõ.
Đại biểu và khách mời chụp ảnh lưu niệm tại tọa đàm
Theo đó Luật sư Vũ đề nghị, các bộ, ngành cần tạo sự thống nhất, minh bạch khi ban hành các văn bản pháp luật. Đồng thời cán bộ thực thi nghiêm minh và hiểu đúng về các văn bản pháp luật. Về phía doanh nghiệp, phải chú trọng đưa pháp luật đi sâu, đi sát vào hoạt động kinh doanh, sản xuất và đặc biệt là xây dựng đội ngũ pháp chế để tạo sự vững chắc cho doanh nghiệp.
Trả lời ý kiến của doanh nghiệp về vai trò của Báo PLVN trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, ông Vũ Hoàng Diệp, Phó Tổng Biên tập Báo PLVN cho biết, Báo PLVN là cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp thực hiện nhiệm vụ chính trị là tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân cũng như doanh nghiệp. Việc tổ chức Cuộc thi viết Vinh danh doanh nghiệp, doanh nhân Thượng tôn pháp luật, phát triển bền vững và các chương trình tọa đàm là một trong những nội dung tuyên truyền của Báo nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân phát triển bền vững, làm giàu cho bản thân và đóng góp nhiều cho đất nước.