Ngày pháp luật

Báo Nhật viết gì về Vinpearl Air?

Theo Hoàng An/Trí Thức Trẻ

Nikkei Asian Review nói: Vingroup đang mở rộng kinh doanh lên "bầu trời" với thương hiệu hàng không mới.

Báo Nhật viết gì về Vinpearl Air? - Ảnh 1

 

Vingroup đã tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh nhanh chóng bằng cách ra mắt một thương hiệu hàng không với hy vọng trở thành hãng vận tải hàng không thứ sáu của Việt Nam, sau khi thành công với việc sản xuất xe hơi và điện thoại thông minh.

Thông báo của VinPearl Air được đưa ra chỉ vài tuần sau khi Vingroup khánh thành một nhà máy xây dựng thương hiệu ô tô nội địa đầu tiên của Việt Nam. Sự mở rộng mạnh mẽ của tập đoàn này đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư vì các doanh nghiệp mới sẽ đòi hỏi số vốn ban đầu lớn.

Để chuyển sang ngành hàng không, Vingroup hợp tác với Học viện Hàng không CAE Oxford của Canada đào tạo phi công - lực lượng vốn đang thiếu hụt tại Việt Nam và các thị trường châu Á khác. "Vinpearl Air sẽ tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu cả thị trường trong nước và quốc tế", ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch của Vingroup cho biết.

Một lãnh đạo của công ty cho biết Vinpearl có kế hoạch vận hành hãng hàng không của riêng mình trong tương lai. "Chúng tôi đang trong quá trình nộp hồ sơ để thành lập một hãng vận chuyển được cấp phép", lãnh đạo này nói với Nikkei Asian Review.

Nếu thành công, Vinpearl Air sẽ trở thành hãng hàng không thứ sáu tại Việt Nam. Năm hãng hàng không hiện có - Vietnam Airlines và VASCO thuộc sở hữu nhà nước, hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific Airlines và hãng hàng không tư nhân Vietjet Air và Bamboo Airways - đã phục vụ hơn 38 triệu hành khách trong nửa đầu năm nay.

Sự ra mắt của đơn vị hàng không được đưa ra sau khi Fitch cho biết họ đã rút xếp hạng trên Vingroup vì không đủ thông tin từ công ty. Trước động thái này, đánh giá của Fitch về Vingroup đứng ở mức B +.

Ông Nguyễn Việt Quang chia sẻ với truyền thông, nếu Vingroup muốn duy trì đánh giá của Fitch, họ sẽ phải từ bỏ việc sản xuất xe hơi: "Chúng tôi phải hy sinh những lợi ích (của việc được đánh giá) để tập trung và huy động mọi nguồn lực cho dự án VinFast".

VinFast và VinSmart đã đi vào hoạt động trong hai năm qua với mục đích đa dạng hóa hoạt động kinh doanh của tập đoàn, vượt ra ngoài lĩnh vực kinh doanh bất động sản cốt lõi. Chi phí vốn cho riêng VinFast ước tính khoảng 3,5 tỷ USD, theo công ty phân tích SSI Research.

Tập đoàn này đã công bố doanh thu 21,8 nghìn tỷ VND (941,7 triệu USD) trong quý đầu tiên của năm 2019, giảm 23% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế giảm 2% xuống còn 1 nghìn tỷ VND. Ngoài VinFast, VinSmart và Vinpearl Air, Vingroup đang chuẩn bị các dự án lớn khác, bao gồm tổ chức Giải đua xe Công thức Một đầu tiên của Việt Nam vào năm tới tại Hà Nội.

Tuy nhiên, Nikkei đặt câu hỏi: Liên doanh mới nhất (với CAE) đang làm dấy lên lo ngại, liệu Vingroup có đang đầu tư dàn trải?

Trong khi thừa nhận dự báo doanh số mạnh mẽ của Vingroup, SSI Research cho biết trong báo cáo ngày 11/6, có lo ngại về "sự mở rộng mạnh mẽ của Vingroup vào các lĩnh vực mới, đòi hỏi phải mất rất nhiều nguồn lực cho việc thành lập và cũng cần có thời gian dài để đạt mức tối ưu".

"Do đó, chúng tôi không loại trừ khả năng Vingroup có thể cần vốn lớn hơn, thông qua vốn chủ sở hữu hoặc nợ" - SSI nhận định.

Tin Cùng Chuyên Mục