Ngày pháp luật

Bảo hiểm bồi thường ra sao cho xe ngập nước do bão Usagi?

Theo Lệ Chi - Trung Tín/ VNE

Các hãng ước tính thiệt hại có thể tới hàng chục tỷ đồng nhưng chủ yếu bồi thường cho ôtô bởi hầu như không có xe máy mua bảo hiểm.

Chiều 25/11, dù đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới khi vào đất liền, hoàn lưu của bão Usagi gây mưa to. Cơn mưa với lưu lượng lớn nhất từ trước đến nay tại TP HCM khiến nhiều khu vực thuộc vùng trũng có cốt san nền thấp chìm trong biển nước. Không chỉ xe máy, ôtô chết máy ngoài đường mà trong những tòa nhà cao tầng, khu vực hầm để xe cũng thất thủ.

Do đó, theo các doanh nghiệp bảo hiểm, tổn thất của cơn bão số 9 với thị trường bảo hiểm là không nhỏ. Thống kê sơ bộ, riêng những thiệt hại của xe cơ giới cũng phải lên đến hàng chục tỷ đồng. Dòng xe hạng sang có giá trị trên 100.000 USD mỗi chiếc chiếm khoảng trên dưới 20% số xe tham gia bảo hiểm trong đợt này, trong đó không ít trường hợp bị thuỷ kích.

Riêng với trường hợp xe máy bị hư hỏng, hiện trên thị trường đã có sản phẩm bảo hiểm vật chất. "Tuy nhiên, hiện loại bảo hiểm này rất ít được người dân mua. Do đó, công ty gần như không phát sinh các trường hợp bảo hiểm thiệt hại về vật chất với xe máy", lãnh đạo một doanh nghiệp cho biết.

Đến sáng nay, theo báo cáo nhanh của trung tâm khí tượng thuỷ văn, mưa lớn vẫn kéo dài tại khu vực Quận 7 TP HCM. Do vậy, các nhà bảo hiểm cho biết, số lượng còn tăng lên.

Từ ngày hôm qua, nhân viên của hầu hết hãng bảo hiểm phải trực 24/24 để tiếp nhận các thông tin của chủ xe. Ngoài ra, họ cũng đến tận hiện trường để hướng dẫn chủ xe phương án xử lý ban đầu.

Tạm tính đến chiều 26/11, Công ty Bảo hiểm Bảo Long đã tiếp nhận và hỗ trợ 34 khách hàng bị tổn thất, đa phần là liên quan đến tình trạng ôtô bị ngập nước. Đội ngũ hơn 30 giám định viên của công ty tại TP HCM phải hoạt động liên tục để hỗ trợ khách hàng.

Bảo hiểm bồi thường ra sao cho xe ngập nước do bão Usagi? - Ảnh 1
Máy bơm được đưa xuống hầm để bơm nước ra, cứu hộ ôtô và xe máy đang bị ngập tại tòa nhà ở quận 5, TP HCM. Ảnh: Song Ngư

Công ty đang phối hợp chặt chẽ cùng các garage kiểm tra xe cho khách hàng để xem xe bị ngập nước cần làm vệ sinh máy hay là bị thủy kích (nước tràn vào đường hút gió của máy). Nếu bị ngập và phải làm vệ sinh, trung bình chi phí sửa chữa khoảng vài triệu đến vài chục triệu đồng còn bị thủy kích thì thiệt hại sẽ nặng hơn và tùy theo từng dòng xe. Ước tính chi phí phải chi trả trên một tỷ đồng. 

Đại diện Tổng Công ty bảo hiểm PVI cũng cho biết đã tiếp nhận hơn 87 trường hợp xe bị hư hại do ngập nước. Trong đó, đa phần là các trường hợp bị ngập và phải làm vệ sinh, còn số xe bị thuỷ kích rất ít. Ước tính chi phí phải chi trả ban đầu khoảng 4 tỷ đồng.

Theo vị đại diện PVI, cao điểm tối qua, công ty tiếp nhận nhiều trường hợp xe báo hư hỏng, nhân viên phải túc trực liên tục để đến hiện trường hoặc thông qua điện thoại hướng dẫn khách. Nhưng vướng mắc lớn là quá nhiều xe hư nên các lượng xe cứu hộ không đáp ứng đủ, phần do thiếu số lượng, phần do đường ngập không tới được. Vì vậy, nhiều xe khách phải nằm ngoài đường suốt đêm và đến sáng hôm nay mới đưa về garage để kiểm tra, sửa chữa. "Do đó, con số thiệt hại sẽ còn tăng lên khi nhiều xe được kiểm tra, giám định", ông nói. Công ty này cam kết sẽ thanh toán phí bảo hiểm chậm nhất sau 15 ngày kể từ khi khách hàng hoàn tất các thủ tục.

Trong khi đó, theo thống kê nhanh của Bảo hiểm PTI, chỉ từ 20h - 24h, công ty này đã tiếp nhận được gần 100 cuộc gọi thông báo của khách hàng có xe bị ngập trong khu vực TP HCM. Trung bình, mỗi giám định viên phải hỗ trợ từ 3 - 5 khách hàng.

Anh Tuấn, Giám định viên của PTI tại TP HCM cho biết, các tuyến đường đều ngập quá đầu gối khiến việc di chuyển rất khó khăn. Nhiều xe của giám định viên bị chết máy vì đi vào khu vực nước sâu đành phải gửi tại nhà dân để lội bộ đến hiện trường hỗ trợ khách.

Do số lượng xe hư hỏng yêu cầu hỗ trợ tăng đột biến, nên anh Tuấn cho hay, các xe cứu hộ dù vận hành hết công suất cũng không kịp phục vụ. Nhiều xe của khách hàng phải gửi tạm tại các khu nhà dân cao hay khu đỗ cao để chờ cẩu kéo về garage khắc phục tổn thất. Một vài trường hợp khách hàng ở những khu vực ngập lụt quá sâu, trong ngõ ngách chưa đếp kịp, giám định viên PTI cũng đã chủ động gọi khách hàng để hướng dẫn những bước cơ bản, làm sạch xe tránh cho việc tổn thất bị nặng nề hơn.

Ông Vũ Xuân Thưởng - Phó giám đốc ban Xe cơ giới của PTI cho biết, do số lượng khách hàng gọi lên tổng đài quá lớn nên đến sau 12h đêm, các giám định viên vẫn phải chạy đua với nước để hỗ trợ khách hàng.

Thông tin từ Công ty bảo hiểm Liberty cũng cho biết, hiện đơn vị đã tiếp nhận 66 trường hợp chủ xe yêu cầu hỗ trợ, trong đó 54 xe là do ngập nước, còn lại là lý do khác.

Đại diện Công ty PTI cho rằng, đa phần khách hàng đều biết thủy kích gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng tới xe, làm giảm giá trị thương mại của xe. Do đó, công ty thường xuyên khuyến cáo khách hàng tránh đi vào vùng ngập nước và nếu đã đi vào vùng bị ngập nước thì phải tắt ngay công tắc và tuyệt đối không khởi động lại. Không mở cửa xe nhằm tránh làm hư hỏng nội thất và các hộp điều khiển; đẩy xe đến chỗ cao và gọi xe cứu hộ.

Tin Cùng Chuyên Mục