Dương Thị Thúy Hằng sinh ra và lớn lên ở vùng đất Tây Ninh, nơi có nghề làm bánh tráng. Thúy Hằng bắt đầu khởi tạo thương hiệu bánh tráng My My cách đây ba năm, chuyên cung cấp các sản phẩm bánh tráng phơi sương, bánh tráng trộn gia vị và được cấp chứng nhận ISO.
Đến với Shark Tank Việt Nam, Thúy Hằng muốn tìm nhà đầu tư rót 2 tỷ đồng cho 10% cổ phần để mở rộng sản xuất.
Nói về hiệu quả kinh doanh, nữ sáng lập cho biết doanh số trung bình của bánh tráng My My đạt khoảng 100 triệu mỗi tháng, tính cả năm 2022 đạt 1 - 1,2 tỷ. Sau khi trừ đi chi phí, lợi nhuận có thể đạt từ 40 – 50%.
Trong giai đoạn này, thương hiệu đang chuyển hướng từ bán online (trực tuyến) sang kênh siêu thị bởi mức giá của bánh tráng My My đang cao hơn từ 30 - 40% so với thị trường, khó cạnh tranh về giá trên các sàn thương mại điện tử. Thương hiệu này đã có mặt tại một hệ thống siêu thị lớn ở TP HCM được khoảng 4 tháng.
Sau khi tìm hiểu về mô hình kinh doanh của bánh tráng My My, Shark Tuệ Lâm đánh giá startup đang ở trong giai đoạn vừa đi vừa dò, mức doanh thu chưa quá ấn tượng với nhà đầu tư. Thêm vào đó, vì nhận thấy không tạo được thêm giá trị cho startup nên nữ "cá mập" từ chối đầu tư.
Shark Hưng gợi ý với một sản phẩm truyền thống như bánh tráng My My thì có thể đi vào những phân khúc thị trường ngách như chuyển giao công nghệ làm bánh tráng cho Việt kiều ở nước ngoài hoặc sản xuất ra sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu . Dưới góc độ nhà đầu tư, ông cũng từ chối thương vụ này.
Shark Minh Beta nhận định khả năng thành công và phát triển của doanh nghiệp còn chưa đủ và khá rủi ro. Do đó, ông cũng không đầu tư.
Shark Bình là người tiếp theo rời khỏi thương vụ vì không hợp khẩu vị đầu tư. "Cá mập" xứ Quảng Lê Hùng Anh cũng không tham gia thương vụ này vì kém tiền năng.