Báo cáo tài chính quý 2/2019 của Công ty Cổ phần bánh kẹo Hải Hà (Haihaco – HHC) công bố mới đây cho thấy, bức tranh lợi nhuận quý II của Haihaco không mấy sáng sủa.
Theo đó, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của Bánh kẹo Hải Hà ghi đạt xấp xỉ 150 tỷ đồng, giảm nhẹ từ mức 153 tỷ so với cùng kỳ năm trước, tương ứng giảm 3,7 tỷ đồng so với quý 2/2018.
Doanh thu giảm song giá vốn hàng bán lại tăng từ thêm 2 tỷ đồng, khiến cho lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp này cũng sụt giảm gần 6% so với cùng kỳ và chỉ mang về cho Haihaco 21,5 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận gộp đạt 14,4% trong khi cùng kỳ là 18%.
Cùng với đó, chi phí tài chính cũng cộng thêm 2 tỷ so với cùng kỳ, chủ yếu là chi phí lãi vay chiếm tới 98,7% chi phí tài chính trong kỳ. Chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp cùng đồng loạt tăng so với cùng kỳ, chủ yếu do tăng chi phí cho nhân viên và các chi phí dịch vụ mua ngoài khác.
Kết quả, Bánh kẹo Hải Hà lỗ đến 16,9 tỷ đồng, hơn gấp đôi số lỗ 7,3 tỷ đồng ghi nhận trong quý 2/2018.
Lũy kế 6 tháng, Bánh kẹo Hải Hà lỗ 10,5 tỷ đồng, giảm mạnh so với số lãi gần 700 triệu đồng đạt được nửa đầu năm ngoái. So với kế hoạch 1.080 tỷ đồng doanh thu và 57 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế đặt ra cho cả năm, thì Bánh kẹo Hải Hà còn cách rất xa chỉ tiêu được giao.
Điểm đáng lưu ý nhất trong 2 quý đầu năm chính là sự đột biến từ doanh thu và chi phí tài chính của doanh nghiệp. 6 tháng doanh thu tài chính gấp 7,6 lần chi phí tài chính trong đó chủ yếu là chi phí lãi vay cũng gấp 3 lần so với nửa đầu năm 2018.
Tính tới cuối tháng 6/2019, tổng tài sản của Bánh kẹo Hải Hà 942 tỷ đồng, tập trung tài sản ngắn hạn với 648 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ.
Nợ phải trả của doanh nghiệp giảm từ 619 tỷ xuống còn 562 tỷ cuối tháng 6/2019. Trong đó, nợ vay và thuê tài chính hơn 450 tỷ đồng, chiếm 80% nợ phải trả và gấp 1,2 lần so với 380 tỷ vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.
Lợi nhuận chưa phân phối tính đến hết quý II là âm 7,8 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trên bản báo cáo lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền kinh doanh chỉ còn ghi âm chưa đến 804 triệu, trong khi cùng kỳ là âm gần 156 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp tăng các khoản phải thu lên 65 tỷ đồng, so với mức âm gần 75 tỷ của cùng kỳ. Tiền chi khác từ hoạt động kinh doanh giảm mạnh từ 21 tỷ xuống 483 triệu đồng.
Trong kỳ, khoản mục tiền giảm mạnh gần 3 lần, chỉ còn 11 tỷ đồng.
Haihaco thành lập năm 1960. Trước khi Kinh Đô xuất hiện, Haihaco một thời nổi danh khắp miền Bắc. Hoạt động sản xuất kinh doanh của Haihaco có nhiều thăng trầm. Nhưng kể từ khi cổ phiếu HHC niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, thời điểm Haihaco “dậy sóng” chính là khi Tổng công ty thuốc lá Việt Nam (Vinataba) công bố thoái vốn toàn bộ.
Được biết, sau khi Tổng công ty thuốc lá Việt Nam (Vinataba) thoái vốn, Haihaco đã có không ít biến động trong việc sở hữu cổ phiếu HHC. Đại hội đồng cổ đông thậm chí bị hoãn vì cổ đông không tìm được tiếng nói chung.
Có những ý kiến cho rằng, những xáo trộn này đã khiến cho hoạt động của Haihaco không còn được như trước và đang có xu hướng “tuột dốc”. Đặc biệt, điều mà nhà đầu tư nhắc tới khi nói về giá trị của Haihaco không phải là hiệu quả kinh doanh mà Haihaco có thể mang lại. “Thỏi nam châm” lớn nhất của Haihaco lại nằm ở mảnh đất vàng trên phố Trương Định.
Nửa đầu năm 2019, Haihaco vẫn chưa thoát khỏi những biến động lớn về nhân sự khi 3 Thành viên HĐQT là ông Trần Anh Thắng, bà Lưu thị Tuyết Mai và bà Nguyễn Thị Lan cùng Trưởng BKS, bà Doãn Hồ Lan đều từ nhiệm. Thay vào đó, ông Nghiêm Khắc Đạt được bầu làm Trưởng BKS. Số Thành viên HĐQT được giảm từ 7 thành viên xuống còn 4 thành viên.
Và mới đây nhất, ông Nguyễn Mạnh Tuấn bị miễn nhiệm chức vụ Phó TGĐ công ty từ 10/7/2019.