Bánh Bảo Ngọc (BNA) lợi nhuận lao dốc, kế hoạch kinh doanh 2023 'dậm chân' cùng dự án nhà máy chậm tiến độ

An Nhiên

Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất Bảo Ngọc (mã CK: BNA) mới đây đã công bố biên bản Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2023 với nhiều thông tin đáng chú ý.

Bánh Bảo Ngọc (BNA) lợi nhuận lao dốc, kế hoạch kinh doanh 2023 'dậm chân' cùng dự án nhà máy chậm tiến độ

Kế hoạch kinh doanh 2023 không tăng trưởng, nhà máy miền trung chưa thể đi vào hoạt động

Về hoạch định chiến lược giai đoạn 2023 - 2018 công ty dự kiến đưa dược liệu quý vào sản phẩm tiêu dùng thiết yếu nhằm phòng ngừa bệnh tật nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Để thực hiện chiến lược này, Bảo Ngọc sẽ tập trung vào phát triển sản phẩm mới khác biệt so với các sản phẩm bánh tươi trên thị trường bằng cách tìm kiếm công ty đông dược để kết hợp giữa bánh tươi và dược liệu quý tạo ra sản phẩm mới khác lạ và tốt cho sức khỏe cộng đồng.

Về kế hoạch kinh doanh 2023, Bảo Ngọc đặt ra gần như không tăng trưởng so với năm 2022.

Nguồn: Nghị quyết ĐHĐCĐ 2023
Nguồn: Nghị quyết ĐHĐCĐ 2023

Công ty đặt kế hoạch doanh thu mục tiêu là 1.012 tỷ đồng, lợi nhuận kế toán trước thuế là 75,4 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế mục tiêu đạt 60 tỷ đồng.

Đồng thời, tại Đại hội cổ đông, công ty cũng trình đại hội thông qua gia hạn tiến độ xây dựng cơ bản và đưa công trình và hoạt động đối với dự án nhà máy sản xuất Bảo Ngọc miền Trung.

Theo đó dự án nhà máy Bảo Ngọc miền trung với quy mô dự án 12.000 tấn sản phẩm một năm, diện tích đất sử dụng là 7.921 m2, tổng vốn đầu tư dự án là 160 tỷ đồng.

Theo kế hoạch xây dựng cơ bản nhà máy này sẽ được đưa vào hoạt động chính thức tại quý 4/2022.

Tuy nhiên, hiện tại dự án này đang vướng mắc, tồn đọng về vấn đề giải pháp thoát nạn tại công trình chưa đảm bảo theo quy định của nhà nước.

Đồng thời, hệ thống điện cấp cho hệ thống phòng cháy cháy chưa đảm bảo theo quy định và thuyết minh thiết kế về phòng cháy chưa thể hiện đầy đủ các nội dung yêu cầu về phòng cháy chữa cháy.

Vì vậy dự kiến hoạt động của Nhà máy không thể đảm bảo theo đúng tiến độ ban đầu.

Dự kiến các công việc liên quan đến phòng cháy chữa cháy sẽ được hoàn thành trong tháng 6/2023. Nhà máy sẽ được thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy xây thô và xây hoàn thiện vào quý 3/2023 và lắp đặt trang thiết bị vào quý 4/2023.

Đồng thời, tại đại hội cổ đông cũng thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2022 với tỷ lệ chi trả cổ tức bằng cổ phiếu là 20%.

Đại hội cũng thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ.

Vốn điều lệ trước phát hành dự kiến là 312 tỷ đồng tương ứng 31,8 triệu cổ phiếu. Số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành riêng lẻ là 20 triệu cổ phiếu bằng 62,74% số lượng cổ phiếu dự kiến lưu hành tại thời điểm phát hành.

Kết quả kinh doanh lao dốc 66%, hàng tồn kho và nợ phải trả ngắn hạn đều tăng cao

Về hoạt động kinh doanh quý 1/2023 của công ty. Công ty ghi nhận doanh thu thuần giảm 25,58% xuống còn 214 tỷ đồng.

Doanh thu hoạt động tài chính ghi nhận tăng 12,8 lần so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái, lên mức 251 triệu đồng, trong đó chủ yếu là khoản lãi chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ lên tới 191 triệu đồng.

Trong quý 1, công ty ghi nhận chi phí tài chính tăng mạnh gấp 4,1 lần so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái, lên mức 8,1 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay chiếm 7,7 tỷ.

Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp không có sự thay đổi nhiều vẫn duy trì ở mức 11,9 tỷ đồng.

Kết quả, công ty ghi nhận lợi nhuận kế toán trước thuế đạt 8,1 tỷ đồng giảm tới 66% so với cùng kỳ năm trước. Tổng lợi nhuận kế toán sau thuế đạt 6,2 tỷ giảm 67,8% so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn: Báo cáo tài chính quý 1/2023
Nguồn: Báo cáo tài chính quý 1/2023

Bên cạnh kết quả kinh doanh lao dốc quý 1, công ty cũng đang gặp phải vấn đề rất lớn từ việc gia tăng mạnh lượng hàng tồn kho.

Thời điểm 31/3/2023 tổng lượng hàng tồn kho đã tăng tới 34% so với thời điểm đầu năm, lên mức 541 tỷ đồng, chiếm 56,1% trên tổng tài sản. Trong đó, chủ yếu là nguyên vật liệu chiếm 238 tỷ và hàng hóa chiếm 301 tỷ đồng.

Bên cạnh sự gia tăng mạnh của hàng tồn kho, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với sự gia tăng mạnh của khoản nợ phải trả ngắn hạn lên tới 17% so với thời điểm đầu năm, lên mức 517 tỷ đồng.

 Khoản nợ ngắn hạn chiếm tỉ trọng lên tới 54% trong tổng nguồn vốn của doanh nghiệp. Trong đó, chủ yếu là vay và nợ thuê tài chính chiếm tới 397 tỷ đồng.

Hệ quả của kết quả kinh doanh lao dốc và lượng hàng tồn kho tăng cao đã ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến lượng tiền lưu chuyển của doanh nghiệp.

Quý 1/2023, doanh nghiệp ghi nhận lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 73 tỷ trong khi cùng kỳ năm trước cũng ghi nhận âm 40 tỷ.

Nguồn: Báo cáo tài chính quý 1/2023
Nguồn: Báo cáo tài chính quý 1/2023

Dòng tiền hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng bởi việc tăng lượng hàng tồn kho lên tới 137 tỷ, đồng thời tiền lãi vay phải trả ảnh hưởng 7,6 tỷ, thêm vào đó kết quả hoạt động kinh doanh lợi nhuận trước thuế giảm từ mức 24,1 tỷ cùng kỳ năm trước xuống còn 8 tỷ vào kỳ này.

Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính cũng chỉ ra doanh nghiệp kỳ này đang phải đi vay tới 373 tỷ để hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp. Điều này cũng lý giải lý do vì sao chi phí chi phí lãi vay kỳ này tăng gấp 3,9 lần so với cùng kỳ năm trước nên mức 7,7 tỷ đồng.

Tin Cùng Chuyên Mục