Mở cửa thị trường ngày 11/10, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến đà giảm mạnh.
Tính đến 9h30, VN-Index giảm gần 40 điểm, tương đương khoảng 4%, về dưới 954 điểm. Đến 10h40, đà giảm của thị trường được nới rộng. VN-Index giảm hơn 55 điểm (5,53%) xuống dưới 940 điểm, VN30-Index cũng giảm tương đương còn 911 điểm. Sàn Hà Nội cũng không thoát khỏi sắc đỏ khi những chỉ số chính lần lượt giảm điểm. HNX-Index giảm gần 5,9% còn UPCOM-Index giảm hơn 4%.
Độ rộng của thị trường nghiêng hoàn toàn về phía bên bán. Trên sàn HoSE, hơn 300 mã cổ phiếu giảm điểm trong khi số mã tăng chỉ hơn 20. Hầu hết nhóm cổ phiếu tâm điểm gần đây đều bị lực bán mạnh ép về gần mức giá sàn.
Ở nhóm ngân hàng, một loạt các mã cổ phiếu thu hút được dòng tiền gần đây như VPB, HDB, TCB, BID hay VIB đều giảm trên 4%, nhiều cổ phiếu về sát mức giá sàn.
Ở nhóm chứng khoán, cả SSI và VND đều ở trạng thái trắng bảng bên mua. Nhóm dầu khí, là cái tên thu hút sự chú ý gần đây, cũng bị bán ồ ạt. Những cổ phiếu có xu hướng dịch chuyển theo giá dầu đã bị bán mạnh khi giá “vàng đen” thế giới sụt giảm.
Giá dầu ngày 10/10 đã giảm 2% trong bối cảnh chứng khoán Mỹ đi xuống, trên thị trường Việt Nam nhóm cổ phiếu “họ P” như PVD, PVS, PLX và một số cái tên khác như BSR, OIL bị bán về gần mức giá sàn.
Theo một số chuyên gia, đà giảm của thị trường Việt Nam sáng nay chủ yếu do ảnh hưởng từ trạng thái bán tháo trên thị trường thế giới kéo dài từ phiên tối qua.
|
Những cổ phiếu lớn trên HoSE đều giảm mạnh trong phiên sáng nay khi lệnh bán ồ ạt đẩy vào thị trường. Ảnh: SSI |
Thị trường tài chính toàn cầu đã có một đêm chao đảo khi những thị trường quan trọng đều giảm mạnh. Tại Mỹ, chỉ số Dow Jones Industrial đã giảm hơn 831 điểm xuống dưới mốc 25.600 điểm, Nasdaq Composite cũng giảm hơn 4% còn 7.422 điểm, trong khi chỉ số S&P 500 giảm 3,3% còn 2.786 điểm.
Hai hai chỉ số chứng khoán đứng đầu nước Mỹ là Dow Jones và S&P 500 đều ghi nhận mức giảm trong một phiên cao nhất kể từ tháng 2/2018. Trong khi đó, mức giảm của chỉ số Nasdaq là lớn nhất kể từ ngày 24/7/2016.
Đà giảm nối dài sang các thị trường khác. Mở cửa trong phiên sáng nay, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 3,28%, Nikkei 225 của thị trường Nhật Bản giảm 3,86%, Kospi của Hàn Quốc giảm 2,7%. Thị trường Trung Quốc, Shanghai Composite và Shenzhen Composite đều giảm trên 3%.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng và mối lo căng thẳng thương mại với Trung Quốc có thể là một phần nguyên nhân của đợt sụt giảm. Tuy nhiên, một số nhà phân tích từ Phố Wall lại cho rằng đà suy giảm của thị trường toàn cầu tối qua dường như không do một "chất xúc tác" đáng kể nào, bao gồm cả sự căng thẳng về chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ray Attrill, người đứng đầu về chiến lược ngoại hối của Ngân hàng Quốc gia Australia cho rằng việc bán tháo cổ phiếu có thể do hành động chốt lời từ phía nhà đầu tư khi đã đạt được mức lợi nhuận tương xứng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong phát biểu mới đây nhắc đến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là nguyên nhân dẫn tới phiên giảm điểm kỷ lục của Dow Jones hôm qua. "Tôi nghĩ Fed đang mắc một sai lầm. Họ quá chặt chẽ. Tôi cho rằng, Fed đã phát điên", ông Trump nói với các phóng viên ở Pennsylvania.
Người đứng đầu Nhà Trắng cũng cho rằng đây là đợt điều chỉnh mà nhà đầu tư đã mong chờ trong một khoảng thời gian dài.
Trong những báo cáo mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong hai năm tới do những lo ngại về căng thẳng thương mại và rủi ro từ các thị trường mới nổi. Cơ quan này cũng cảnh báo về nguy cơ một cuộc khủng hoàng có thể diễn ra với những rủi ro hiện tại.