Ngày pháp luật

Bản quyền trong kinh doanh: Doanh nghiệp phải luôn đổi mới để tự bảo vệ mình

Đình Đại

Mặc dù, Luật Sở hữu trí tuệ đã có hiệu lực từ năm 2005, tuy nhiên, việc vi phạm bản quyền tác giả, quyền Sở hữu trí tuệ vẫn đang diễn ra khá phức tạp, khiến nhiều tổ chức, doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề cả về uy tín, danh dự lẫn kinh tế.

Bản quyền trong kinh doanh: Doanh nghiệp phải luôn đổi mới để tự bảo vệ mình - Ảnh 1

 

Vi phạm vì thiếu hiểu biết hay cố tình?

Tâm lý của đại bộ phận người tiêu dùng hiện nay là đều thích được “xài chùa”, từ nghe nhạc miễn phí, xem phim miễn phí, sử dụng phần mềm miễn phí, đến sao chép các chương trình đào tạo…Đặc biệt là trong thời đại công nghệ số hiện nay việc vi phạm sở hữu trí tuệ và quyền tác giả đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Cũng có những trường hợp vi phạm vì thiếu hiểu biết, tuy nhiên, phần lớn những vi phạm là do cố tình vì một mục tiêu kinh tế, gây lên tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp.

Đối với lĩnh vực xuất bản cũng có không ít những vụ vi phạm được cho là khá nghiêm trọng, điển hình là các vụ vi phạm về bản quyền đối với các đầu sách của Công ty First New. Theo ông Nguyễn Văn Phước – Giám đốc First New, riêng đối với cuốn “Đắc Nhân tâm”, do First New mua bản quyền và phát hành, hiện nay trên thị trường đã có tới 16 bản in lậu, bản công khai, nghĩa là có 16 đầu sách khác nhau. Thiệt hại về kinh tế đối với đơn vị này trong vòng 20 năm qua là khoảng 4 triệu USD.

Đối với lĩnh vực giáo dục, vi phạm bản quyền được xem là thầm lặng nhưng hậu quả của nó lại rất lớn. Vi phạm trong lĩnh vực này chủ yếu là sao chép, in ấn lậu các tài liệu, các công trình nghiên cứu khoa học phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu của sinh viên trong các trường đại học. Tuy nhiên, cũng có không ít những trường hợp vi phạm bản quyền tác giả một cách công khai, sử dụng công trình của người khác vào mục đích thương mại và coi nó như là công trình của mình. Đơn cử như trường hợp của Dale Carnegie Việt Nam, Trường Doanh nhân Đắc Nhân Tâm đã từng bị một chuyên gia huấn luyện cũ của mình sao chép chương trình đào tạo, huấn luyện, đã được đăng ký bản quyền tại Việt Nam để làm công cụ cho việc đào tạo tại công ty riêng của mình.

Còn trong lĩnh vực phần mềm, năm 2018 được xem là một năm có bước tiến mới trong việc giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm. Tuy nhiên, tỷ lệ này so với các nước trong khu vực vẫn còn khá cao, ở mức 74%, giảm 4% so với kết quả khảo sát của Liên minh phần mền Doanh nghiệp (BSA) được công bố vào năm 2016.

Ngoài ra, âm nhạc cũng là một trong những lĩnh vực có nhiều vi phạm về bản quyền tác giả. Theo Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, trong năm 2018 đã có hơn 2000 link vi phạm bị tháo dỡ, chủ yếu là vi phạm về quyền tác giả của các website, các ứng dụng (app) nhạc, các bản ghi (link)…Ngoài ra Trung tâm này còn phát hiện và gửi đơn cảnh báo đến nhiều tổ chức, cá nhân khác cũng với những lỗi vi phạm tương tự.

Nguyên nhân và những chế tài

Bản quyền trong kinh doanh: Doanh nghiệp phải luôn đổi mới để tự bảo vệ mình - Ảnh 2

Nhiều chuyên gia ngành luật cho rằng Việt Nam cần các quy định “cứng rắn” hơn về bản quyền

Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan quy định hành vi sao chép tác phẩm mà không hỏi ý kiến chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại Điểm a và Điểm đ Khoản 1 Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 bị coi là vi phạm quyền tác giả.

Điều 18 Nghị định số 131/2013/ NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả và quyền liên quan quy định hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả bị phạt tiền từ 15 - 35 triệu đồng.

Theo Luật sư Phạm Đoàn Thanh Diệu – Văn phòng Luật sư Thanh Niên – Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là xâm phạm bản quyền ở nước ta hiện nay diễn ra khá phổ biến và ngày càng phức tạp. Theo quy định chỉ bị xem xét xâm phạm bản quyền khi thỏa mãn đủ các điều kiện sau: Đối tượng bị xâm hại thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; Có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét; Người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép sử dụng.

Cũng theo Luật sư Diệu, Khoản 1 Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả mà sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình thu lợi bất chính từ 50 - 300 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100 - 500 triệu đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100 - 500 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 50 - 300 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

“Muốn ngăn chặn triệt để được thì phải xử lý thật nặng nếu mong muốn thực thi pháp luật về quyền tác giả đạt được hiệu quả như mong muốn thậm chí cần phải xử lý hình sự. Chú trọng xử lý vi phạm, công bố và tạo dư luận tẩy chay các sản phẩm vi phạm quyền  sở hữu trí tuệ và đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức pháp luật chung trên phạm vi rộng” - luật sư Diệu nêu quan điểm.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Phước – Tổng Giám đốc First New cho rằng: Cần phải có những chế tài cao hơn đối với những hành vi vi phạm bản quyền, các doanh nghiệp phải cùng nhau lên tiếng để tạo ra một hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn chân chính. “Những nhà làm Luật, nhà xuất bản Việt Nam cần phải học tập kinh nghiệm của các nước như Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, họ rất tôn trọng vấn đề về bản quyền. Có như vậy thì các hãng lớn trên thế giới mới tin tưởng và đưa sản phẩm vào kinh doanh tại Việt Nam” - ông Phước nhấn mạnh.

Bản quyền trong kinh doanh: Doanh nghiệp phải luôn đổi mới để tự bảo vệ mình - Ảnh 3

Không chỉ ở lĩnh vực xuất bản, các “di sản tri thức” nổi tiếng như Dale Carnegie còn bị xâm phạm cả ở lĩnh vực giáo dục - đào tạo

Bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Dale Carnegie Việt Nam, một đơn vị đã có nhiều năm đi tìm công lý về bản quyền cho những chương trình giáo dục của mình thì cho rằng: “Quan điểm của đơn vị giáo dục không phải là vấn đề tranh chấp mà là sự giáo dục sâu rộng nhận thức của xã hội về vấn đề bản quyền hay rộng hơn là công lý trí tuệ. Sau tất cả những đấu tranh về bản quyền, mong muốn lớn nhất của Dale Carnegie Việt Nam cũng như Dale Carnegie toàn cầu, không phải là những khoản bồi thường, mà chỉ đơn giản là sự công nhận, sự “trả lại" nguyên bản những gì thuộc về di sản của Dale Carnegie cho chủ sở hữu hợp pháp là Dale Carnegie Việt Nam”.

Bên cạnh đó, bà Linh cũng nhấn mạnh rằng, tranh chấp bản quyền xét cho cùng chỉ là vấn đề ngắn hạn. Để bảo vệ lâu dài các thành quả riêng thuộc về chất xám, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tiên phong tạo ra những sáng tạo khác biệt khó có thể sao chép, đồng nghĩa với việc đòi hỏi năng lực chuyên môn của doanh nghiệp phải cao. Điều này vừa tạo lợi thế cạnh tranh, nhưng cũng là cách để “đứng vững" trước vấn nạn vi phạm sở hữu trí tuệ tràn lan như hiện nay.

Tin Cùng Chuyên Mục