Ngày pháp luật

Bán FE Credit với giá “khủng”, cổ phiếu VPBank lên đỉnh lịch sử với thanh khoản kỷ lục

Quỳnh Chi

Với thị giá tăng mạnh, VPBank cũng có bước nhảy vọt về vốn hóa lên xếp vị trí thứ 9 trên HoSE với 143.719 tỷ đồng (~6,3 tỷ USD), chiếm 3,08% vốn hóa toàn sàn.

Sau thông tin bán FE Credit với giá “khủng”, cổ phiếu VPB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) trở thành tâm điểm của thị trường khi giao dịch đầy hưng phấn trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 4.

Cổ phiếu này thậm chí có thời điểm chạm giá trần trước khi đóng cửa tại 58.500 đồng/cổ phiếu (+6,4%), thiết lập mức đỉnh lịch sử mới.

Bán FE Credit với giá “khủng”, cổ phiếu VPBank lên đỉnh lịch sử với thanh khoản kỷ lục - Ảnh 1

Không chỉ tăng mạnh về điểm số, giao dịch trên VPB cũng đặc biệt sôi động khi có tới 41,5 triệu cổ phiếu được đổi chủ tương ứng giá trị giao dịch lên đến 2.341 tỷ đồng, lớn nhất thị trường. Đây cũng là mức thanh khoản kỷ lục của cổ phiếu này kể từ khi niêm yết trên hoSE năm 2017.

Đáng chú ý, VPB cũng là cổ phiếu bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh nhất trong phiên hôm nay với khối lượng hơn 10 triệu đơn vị, tương ứng giá trị gần 580 tỷ đồng.

Dù vậy, có thể thấy dòng tiền nội dồi dào đã hập thụ toàn bộ lượng cổ phiếu bán ra kể trên thậm chí còn kéo VPB trở thành một trong những cái tên đóng góp đáng kể vào mức tăng của VN-Index.

Trên thực tế, thông tin thoái vốn FE Credit đã được đồn đoán từ lâu và cổ phiếu VPB cũng đã có một sóng tăng tương đối dài suốt từ cuối tháng 1/2021 đến nay. Từ vùng giá dưới 30.000 đồng/cổ phiếu, thị giá VPB đã tăng tới gần gấp đôi chỉ sau 3 tháng và là một trong những cổ phiếu có mức tăng ấn tượng nhất trong giai đoạn này.

Với thị giá tăng mạnh, VPBank cũng có bước nhảy vọt về vốn hóa lên xếp vị trí thứ 9 trên HoSE với 143.719 tỷ đồng (~6,3 tỷ USD), chiếm 3,08% vốn hóa toàn sàn.

Bán FE Credit với giá “khủng”, cổ phiếu VPBank lên đỉnh lịch sử với thanh khoản kỷ lục - Ảnh 2

FE Credit có thể được định giá lên đến 4 tỷ USD nếu IPO?

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 diễn ra hôm nay, VPBank đã trình cổ đông thông qua việc chuyển nhượng 49% vốn điều lệ FE Credit cho đối tác chiến lược đến từ Nhật Bản là SMBC và chuyển nhượng 1% vốn điều lệ FE Credit cho Công ty cổ phần chứng khoán Bản Việt (VCSC).

Theo đó, VPBank sẽ chỉ còn sở hữu 50% tại FE Credit tuy nhiên công ty tài chính tiêu dùng lớn nhất Việt Nam vẫn là công ty con của nhà băng này.

Trước đó, trong ngày hôm qua (28/4), VPBank đã tổ chức lễ ký thoả thuận bán 49% vốn FE Credit cho SMBC. Phía VPBank cho biết, mức định giá để bán FE Credit là 2,8 tỷ USD tương ứng số tiền SMBC phải chi ra để sở hữu 49% vốn FE Credit vào khoảng 1,37 tỷ USD. Mức định giá này thậm chí cao hơn vốn hóa của nhiều ngân hàng đang niêm yết trên sàn như VIB, SHB, Sacombank, HDBank,…

Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank chia sẻ khi lựa chọn phương án bán vốn, có 2 phương án được đưa ra, một là IPO sau đó niêm yết, hai là bán vốn cho cổ đông chiến lược.

"Nếu theo phương án IPO thì định giá của FE Credit có thể còn cao hơn, thậm chí lên đến 4 tỷ USD. Nhưng chúng tôi quyết định hợp tác với SMBC để tận dụng nguồn vốn rẻ và kinh nghiệm từ họ nhằm tiếp tục phát triển FE Credit lên những tầm cao mới", ông Dũng phát biểu.

Ông Dũng nhấn mạnh, VPBank đã bán 49% cổ phần FE Credit tuy nhiên sau khi bán thì FE Credit vẫn là công ty con của VPBank nên sẽ tiếp tục hạch toán trong bảng cân đối hợp nhất. Ngân hàng sẽ vẫn có trách nhiệm đưa FE Credit tiếp tục phát triển mạnh mẽ cùng với đối tác.

Việc bán này không phải VPBank bỏ đi "con gà đẻ trứng vàng", mà tìm kiếm đối tác. Có thể, trong 1-2 năm đầu, lợi nhuận chúng tôi thu dc từ FE Creditcó thể giảm một chút hoặc không tăng, nhưng về lâu dài lợi nhuận sẽ tiếp tục tăng.

VPBank tin tưởng rằng kế hoạch kinh doanh từ ngân hàng và nguồn vốn từ bán vốn FE cho phép ngân hàng phát triển các mảng kinh doanh khác. Thực tế, VPBank đang mong muốn miếng bánh cho vay tiêu dùng phát triển hơn nhiều.

FE Credit hiện có 20.000 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc và trên 13.000 nhân viên. Năm 2020, công ty tài chính tiêu dùng này đóng góp tới 40% nguồn thu của VPBank với 39.000 tỷ đồng.

Tin Cùng Chuyên Mục