Ngày pháp luật

Bamboo Airways được phê duyệt Dự án Viện đào tạo Hàng không, đào tạo gần 3.500 sinh viên/năm

Theo PV/Trí Thức Trẻ

Dự kiến sau khi đi vào hoạt động từ Quý I/2022, Viện sẽ đào tạo gần 3.500 sinh viên/năm, tập trung đào tạo chuyên môn nghiệp vụ ngành như: Phi công, Tiếp viên hàng không, Kỹ thuật, Khai thác Mặt đất và các chức năng đào tạo cơ bản…

Bamboo Airways được phê duyệt Dự án Viện đào tạo Hàng không, đào tạo gần 3.500 sinh viên/năm - Ảnh 1

 

UBND Tỉnh Bình Định vừa ban hành Quyết định số 2072/QĐ-UBND ngày 19/6/2019, chính thức phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Viện đào tạo Hàng không Bamboo Airways của hãng hàng không Bamboo Airways, đặt tại khu quy hoạch Trung tâm nghiên cứu đào tạo nguồn nhân lực thuộc Khu lõi Khu đô thị Du lịch sinh thái Nhơn Hội.

Viện đào tạo Hàng không Bamboo Airways có quy mô 10 hecta, tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng cho giai đoạn thành lập và phát triển trường. Dự kiến sau khi đi vào hoạt động từ Quý I/2022, Viện sẽ đào tạo gần 3.500 sinh viên/năm, tập trung đào tạo chuyên môn nghiệp vụ ngành như: Phi công, Tiếp viên hàng không, Kỹ thuật, Khai thác Mặt đất và các chức năng đào tạo cơ bản…

Bên cạnh đó, Viện đào tạo Hàng không Bamboo Airways sẽ liên kết với Trường Đại học Quốc tế Du lịch – Công nghệ - Hàng không Hạ Long – là mô hình Trường Đại học quốc tế do Tập đoàn FLC đang nghiên cứu và trình Thủ tướng phê duyệt để thực hiện đào tạo các chuyên ngành như Quản trị vận tải, Vận hành hàng không quốc tế, Quản trị cảng hàng không và hoạt động bay, Quản trị marketing và quảng cáo hàng không…

Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long kêu gọi Hãng hàng không Bamboo Airways triển khai thực hiện dự án theo đúng tiến độ và mục tiêu, đồng thời bổ sung Dự án vào Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh Bình Định đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Chiến lược quan trọng

Như vậy, nửa đầu năm 2019 đánh dấu bước tiến mới của Tập đoàn FLC vào địa hạt Giáo dục – đào tạo. Đầu tháng 6/2019, Đề án thành lập Đại học FLC cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phát triển theo mô hình Đại học tư thục không lợi nhuận, trường Đại học FLC được xây dựng với quy mô dự kiến khoảng 50 ha tại phường Hà Lầm và phường Hà Trung, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, tổng vốn đầu tư ước tính gần 4.000 tỷ đồng.

Với ba chuyên ngành mũi nhọn là công nghệ cao, du lịch và hàng không, Trường dự kiến tuyển sinh mùa đầu tiên vào cuối năm 2020 với quy mô tuyển sinh ban đầu là 600 sinh viên, tăng lên 6.100 sinh viên vào năm 2024 và 10.000 sinh viên vào năm 2035.

Đây được xem là những thông tin đáng mừng trong bối cảnh bài toán về thiếu hụt nhân sự trong lĩnh vực hàng không đang là chủ đề nóng tại nhiều hội nghị, diễn đàn chuyên ngành.

Theo tính toán của Cục Hàng không Việt Nam, dự kiến giai đoạn 2020-2030, Việt Nam sẽ có 250 máy bay và cần khoảng 200 phi công/năm để đáp ứng nhu cầu phát triển. Trong khi trên thực tế, các trung tâm đào tạo huấn luyện phi công tại Việt Nam hiện mới đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu, hầu hết nhân lực phải đào tạo tại nước ngoài, chi phí đào tạo cao, thâm hụt nguồn lực xã hội và đặc biệt không chủ động được nguồn nhân lực.

"Vì vậy việc thành lập trung tâm huấn luyện phi công cơ bản tại Việt Nam là rất cần thiết và là chiến lược quan trọng của ngành hàng không dân dụng trong giai đoạn hiện nay", lãnh đạo Cục Hàng không cho biết.

Chủ động nguồn nhân lực

Theo các khảo sát, thu nhập của nghề phi công vẫn nằm trong nhóm thu nhập "đáng mơ ước nhất" trên thị trường lao động, trong đó các hãng hàng không tư nhân mới như Bamboo Airways hay Vietjet Air sẵn sàng đãi ngộ phi công với mức lương bình quân lên tới 200 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, để trở thành một phi công trình độ cơ bản, các học viên phải vượt qua nhiều vòng tuyển chọn khắt khe về thể hình, thể lực, bản lĩnh và trình độ văn hóa, sau đó hoàn thành các khóa đạo tạo có chi phí ước tính nhiều tỷ đồng. Tiếp tới các học viên sẽ phải tham dự các khóa học tại các trường huấn luyện uy tín trên thế giới để có được bằng lái quốc tế.

"Nếu được đào tạo hoàn toàn tại Việt Nam, học viên sẽ tiết kiệm được khoảng 10-15% chi phí", bà Hồ Thị Thu Trang – Giám đốc Nhân sự Bamboo Airways kiêm Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo Bamboo Airways nói.

Theo bà, Viện đào tạo Hàng không Bamboo Airways sẽ hợp tác và liên kết với Học viện Hàng không New Zealand (New Zealand Aviation Academy) – một trong những học viện uy tín của quốc gia có nền giáo dục hàng đầu châu Úc với ngành vận tải du lịch hàng không cực kỳ phát triển - để đào tạo phi công theo tiêu chuẩn quốc tế.

Bà Hồ Thị Thu Trang cho biết hiện nguồn phi công chính của Bamboo Airways đến từ nước ngoài, được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, cộng với kinh nghiệm bay thực tế dày dặn. Tuy nhiên, kinh phí để tuyển dụng những nhân sự này tốn kém hơn so với phi công trong nước. Do đó, đầu tư chiến lược này của Bamboo Airways sẽ giúp cân đối chi phí hoạt động cho hãng hàng không đang trong giai đoạn đầu phát triển.

Quan trọng hơn, bà Trang khẳng định việc đào tạo tại chỗ lao động chuyên ngành là phương án tổng thể mà Bamboo Airways xác định để đảm bảo chủ động nguồn nhân lực.

"Sau khi đưa vào hoạt động, Viện đào tạo sẽ góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa nhân sự ngành, giảm lệ thuộc vào đối tác nước ngoài, nâng cao năng lực cạnh tranh ngành cũng như đảm bảo cho sự tăng trưởng bền vững của ngành hàng không Việt Nam", bà nhấn mạnh.

Tin Cùng Chuyên Mục