Tại Philippines, các quan chức tại một cảng cho biết có khả năng phải đóng cửa lưu thông cảng, địa điểm vận chuyển nhập khẩu quan trọng của gạo khi hàng nghìn container vận chuyển vẫn đang chất đống tại đây do các biện pháp phong tỏa của chính phủ để phòng chống dịch covid-19. Trong khi đó, lệnh giới nghiêm ở Guatemala và Honduras, được biết đến với đặc sản cà phê, cũng khiến hoạt động tại các cảng bị giới hạn và làm chậm các chuyến hàng. Và tại các vùng của Châu Phi, nơi phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu thực phẩm, đã không có đủ công nhân để tháo dỡ hàng hóa.
Sự tắc nghẽn tại các cảng biển chỉ là ví dụ điển hình về những ảnh hưởng mà covid-19 gây ra đối với sản xuất và phân phối thực phẩm toàn cầu. Vận chuyển bị ứ đọng, công nhân nhà máy bị bệnh, cấm xuất khẩu và tâm lý hoảng loạn mua sắm của người tiêu dùng chính là lý do khiến những kệ hàng tạp hóa tại các siêu thị trống rỗng trong nhiều ngày trong khi nguồn cung vẫn dồi dào, thậm chí dư thừa.
Quy trình cung ứng thực phẩm từ trang trại đến tay người tiêu dùng thông qua một mạng lưới tương đối phức tạp. Vì vậy, chỉ cần một vướng mắc nhỏ trong mạng lưới này, như sự tồn đọng tại các cảng vận chuyển cũng tạo ra chậm chạp đáng lo ngại.
Ví dụ, lúa mì được trồng ở châu Âu có thể được vận chuyển đến Ấn Độ, nơi nó được chế biến thành bánh mì naan để xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Sự gián đoạn trong quá trình vận chuyển gây ra sự chậm trễ nặng nề cho các bên liên quan.
Và mọi thứ sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn nếu các vấn đề ở cảng biển tiếp tục lan rộng. Ở Mỹ, người tiêu dùng có thể không mua được nhãn hiệu khoai tây chiên yêu thích vì hết hàng, nhưng các mặt hàng chủ lực cơ bản như gạo hoặc bánh mì đều có sẵn. Ở các nước phụ thuộc vào nhập khẩu thực phẩm, tình hình có thể nghiêm trọng hơn. Xét trên khía cạnh này, các quốc gia xuất khẩu lương thực thực phẩm, ít ra cũng chắc chắn sẽ không rơi vào nạn đói.
Lệnh phong tỏa đất nước trong 3 tuần của Mỹ đã khiến việc vận chuyển hàng hóa tại các biên giới bị đình trệ.
"Ở mọi nơi trên thế giới, có lẽ bạn sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho thực phẩm so với vài tháng trước, hoặc thậm chí vài tuần trước. Chắc chắn rằng bạn sẽ thấy giá thực phẩm tăng lên", Adnan Durrani, CEO công ty thực phẩm đông lạnh Saffron Road của Mỹ cho biết. "Đây không giống như bất kỳ cuộc khủng hoảng nào tôi từng thấy. Nếu tình hình này tiếp diễn thêm hai tháng nữa hoặc lâu hơn, sự căng thẳng về nguồn cung thực phẩm sẽ trở nên gay gắt hơn và Saffron Road có thể buộc phải tìm kiếm các nhà cung cấp khác", Adnan nhấn mạnh.
Các container vận chuyển hàng hóa chồng chất lên nhau tại cảng ở Thượng Hải ngày 23/3
Ở một số nơi trên thế giới, tình trạng gián đoạn trong việc vận chuyển đã được cải thiện.
Trung Quốc từng gánh chịu những khó khăn tương tự. Ở đỉnh điểm của đại dịch, hàng ngàn container thịt lợn, thịt gà và thịt bò đông lạnh đã phải chất đống tại các cảng lớn sau khi bị gián đoạn trong việc vận chuyển và thiếu lao động. Tuy nhiên, vấn đề này đã được giải quyết khi nước này trở lại hoạt động bình thường.
Tại Brazil, nước xuất khẩu đậu nành, thịt bò, cà phê và đường hàng đầu thế giới, các chuyến hàng hiện đang hoạt động với tốc độ bình thường trong bối cảnh cả chính phủ và các công ty đều nỗ lực giải quyết vấn đề lưu thông hàng hóa.
Brazil cũng đã xuất khẩu được khối lượng đậu nành kỷ lục trong tháng 3, sau khi chính phủ can thiệp để ngăn chặn một cuộc đình công của các công nhân cảng bởi họ quá lo lắng về vấn đề an toàn sức khỏe của chính mình.
“Số lượng xuất khẩu của Brazil lớn đến nỗi mọi vấn đề nhỏ phải được giải quyết rất nhanh. Mặt khác, nó có thể dẫn đến các nút thắt hậu cần trên toàn thế giới”, ông Gabriel Mendes, người đứng đầu nhóm xuất khẩu ngũ cốc quốc gia cho biết.