Tỷ phú Trung Quốc Li Shufu thường có thói quen sắp xếp lại hoạt động các công ty con thuộc đế chế xe hơi của mình để tìm ra giá trị đầu tư tốt nhất. Thế nhưng, chiến lược gia tài giỏi này lại chưa giải quyết được vấn đề của chính bản thân - đó là khoản nợ khổng lồ đang ngày một gia tăng.
Vài tháng một lần, Zhejiang Geely - tập đoàn mẹ của Geely Automobile và Volvo Car AB của Thụy Điển - lại đưa ra một kế hoạch khác nhau cho các công ty con.
Cho dù đó là niêm yết trên thị trường chứng khoán, thanh lý tài sản, tạo thương hiệu mới để gia tăng giá trị hay hợp nhất các bộ phận và đơn vị khác nhau, mục tiêu đặt ra chỉ có một: chuyển đổi giá trị và tối đa hóa hiệu quả tất cả nguồn vốn đang được đưa vào hoạt động.
Cho tới giờ, hầu hết các nhà đầu tư đã quen với phương thức hoạt động này và không khó để nhận thấy động lực của tỷ phú Li Shufu. Công ty xe hơi Thụy Điển Volvo, viên ngọc quý trên vương miện đế chế xe hơi của ông, đang hướng tới đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào cuối năm nay, với mức định giá doanh nghiệp vào khoảng 20 tỷ USD.
Vào tháng 7 vừa qua, Volvo đã đồng ý nắm quyền kiểm soát trung tâm nghiên cứu và phát triển cũng như các hoạt động sản xuất tại Trung Quốc từ Zhejiang Geely. Điều này xảy ra sau khi Zhejiang Geely hoãn kế hoạch hợp nhất Geely Automobile và Volvo, vốn được cho là sẽ giúp hợp lý hóa nguồn vốn và chi phí sản xuất.
Hai công ty sau đó thành lập công ty liên doanh với có tên gọi Aurobay nhằm cung cấp các hệ thống truyền động hoàn chỉnh bao gồm động cơ đốt trong thế hệ mới, hộp số và hệ thống hybrid.
Cùng thời điểm này, Volvo tiết lộ ý định tăng cổ phần ở thương hiệu xe điện Polestar. Khoản đầu tư vào Polestar đã giúp giá trị thương hiệu Volvo tăng 239 triệu USD. Theo thông tin từ Bloomberg, Polestar đang đàm phán để tiến hành IPO thông qua việc sáp nhập với một SPAC, qua đó nâng định giá công ty sau thương vụ này lên mức 25 tỷ USD.
Kể từ khi mua lại nhà sản xuất ô tô Thụy Điển từ Ford Motor, tỷ phú Li Shufu đã tìm nhiều cách để xoay chuyển tình thế khó khăn của Volvo. Giờ đây, Volvo đã trở thành thương hiệu mạnh hơn cả Geely. Trong nửa đầu năm 2021, Volvo đã mang về cho công ty mẹ 481,3 triệu USD doanh thu và 695,7 triệu USD tiền cổ tức đặc biệt.
Tuy nhiên, rủi ro có thể ập đến bất cứ lúc nào bởi khoản nợ chồng chất của tập đoàn mẹ Zhejiang Geely. Tính đến cuối năm 2020, Zhejiang Geely đang vướng phải các khoản nợ lên tới 23,9 tỷ USD, tăng từ mức 19,5 tỷ USD của một năm trước đó.
Ngay cả khi Volvo và Geely Automobile hiện đang không ghi nhận khoản nợ nào, thì hệ số đòn bẩy tài chính của công ty mẹ vẫn sẽ khiến rủi ro quản lý gia tăng, đặc biệt khi nhu cầu chi tiêu tiếp tục tăng và việc huy động vốn gặp nhiều khó khăn.
Trong hồ sơ chào bán trái phiếu gần đây của Zhejiang Geely có lưu ý, “các khoản nợ, hệ số đòn bẩy tương đối cao có thể ảnh hưởng nghiêm trọng và gây bất lợi đến tính thanh khoản của tập đoàn".
Bản hồ sơ cũng tiết lộ, tập đoàn có thể phải rút bớt dòng tiền đang đưa vào hoạt động để trả nợ. Do đó, vốn lưu động cũng sẽ giảm đi. Gánh nặng từ các khoản nợ ngày một tăng cao phần nào hạn chế tính thanh khoản của tập đoàn.
Theo S&P Global Ratings, ông vua xe hơi Trung Quốc khó có thể giảm bớt các khoản nợ nếu không có vốn cổ phần từ các công ty con. Việc niêm yết Geely Automobile trên thị trường Shanghai Star Board có thể giúp giảm bớt nợ, nhưng kế hoạch này đã thất bại. Để giải quyết vấn đề, ông đang tính đến việc tìm kiếm các nguồn tài trợ bên ngoài cho dự án phát triển thương hiệu xe điện Zeekr.
Thương vụ IPO của Volvo sẽ diễn ra vào cuối năm nay. Việc trả bớt nợ sẽ giúp Volvo có được mức định giá cao nhất mà tỷ phú Li Shufu đang hướng tới. Và tất nhiên, các cổ đông khác cũng sẽ vô cùng hài lòng với điều này.