Thất bại gần đây của WeWork gây chấn động giới đầu tư khi công ty được quỹ SoftBank từ Nhật Bản định giá tới 47 tỷ USD, dự đoán là một startup kỳ lân hoành tráng nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên kỳ lân chỉ xuất hiện trong truyền thuyết (vì thế danh xưng này mới được gán cho những startup phát triển thần kỳ). Ngược lại, WeWork giống như một con kỳ lân gãy sừng: Rớt giá xuống còn 10 tỷ USD, kế hoạch IPO nay đành gác lại, CEO bị tống khứ, nhà đầu tư quay lưng, còn giới quan sát thì được dịp tỏ ra hết sức nghi ngại về nền kinh tế chia sẻ cũng như những bong bóng startup công nghệ!
Wall Street Journal từng nhận xét về nhà sáng lập Neumann trước cả khi anh từ chức, rằng: “CEO này có sự tổng hòa về tầm nhìn kinh doanh, tính cách thu hút và đủ liều lĩnh để đưa công ty vượt qua cột mốc 2 tỷ USD doanh thu/năm, đồng thời trở thành startup có giá trị nhất cả nước. Giờ đây, cũng chính những phẩm chất đó đang đưa công ty lao đi với tốc độ nguy hiểm vào thị trường tư nhân chồng chất nợ”.
Nhưng bên cạnh một Adam Neumann gây xôn xao dữ dội, đã có nhiều CEO danh tiếng khác phải ê chề từ chức trong thời gian gần đây. Theo Forbes, điểm chung giữa họ ngoài các biểu hiện rõ ràng như rắc rối tài chính, scandal, sự tháo chạy của tập thể nhân viên… còn có 2 dấu hiệu nhẹ nhàng nhưng đủ cho thấy: Đã tới lúc người đứng đầu công ty nên thoái lui rồi.
1. Người lãnh đạo không còn muốn lắng nghe
Khi công ty phát triển và kẻ dẫn đầu leo lên các bậc thang cao hơn của danh vọng, không ít người trong số họ mất đi khả năng thông cảm, lắng nghe.
“Việc trở nên thiếu nhạy cảm và đáng ghét với đồng nghiệp sẽ tăng cao khi bạn lên chức” - theo giáo sư Bob Sutton từ ĐH Stanford nhận xét. “Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, một số người khi nắm quyền lực thì chỉ muốn phục vụ nhu cầu của bản thân, không thèm ngó ngàng tới nguyện vọng, cảm xúc của người khác”.
Trong trường hợp của WeWork, chính người lãnh đạo bị chỉ trích nhiều nhất: nào là tổ chức công ty có vấn đề, tài chính bấp bênh, CEO thiếu khả năng lãnh đạo, môi trường làm việc kì quặc… Đặc biệt, CEO Adam Neumann bị các đồng sự mô tả là “lúc nào cũng phản đối những quan điểm mới mẻ trong công việc, không chấp nhận được khi người khác chỉ ra thực tế khó khăn mà công ty phải đối mặt”.
2. Tập trung xây dựng hào quang của bản thân thay vì sứ mệnh của cả công ty
Việc trở thành người có tiếng nói trên thương trường dễ khiến các CEO dành nhiều thời gian chăm lo cho thương hiệu cá nhân và bỏ quên việc nâng cao giá trị của cả công ty.
CEO WeWork đã có hàng tá những bữa tiệc hoang dại, túy lúy trong những chai rượu tequila cao cấp, dung túng cho môi trường làm việc trọng nam khinh nữ và quấy rối tình dục… Theo chuyên gia Kets de Vries nhận định, Neumann cũng như các CEO thiếu bản lĩnh khác đã “ngã quỵ dưới gánh nặng của quyền lực, không thể giúp WeCompany phổ biến ra ngoài thế giới”.
Và chính Neumann cũng viết trong chính thư từ chức của mình: “Kể từ lúc thông báo IPO, đã có quá nhiều sự tập trung dồn về phía tôi... Nhiệm vụ của chúng ta vẫn luôn là các sứ mệnh và cộng đồng của chúng ta. Vì thế, tôi chọn cách rời khỏi vị trí CEO”.
Trước đó năm 2017, nhà sáng lập kiêm cựu CEO Travis Kalanick của Uber cũng viết: “Tôi vừa chấp nhận yêu cầu của các nhà đầu tư là thoái lui, để Uber có thể tập trung lại vào việc xây dựng công ty thay vì phân tâm với các cuộc chiến hỗn loạn”.
Cựu CEO Uber cũng phải ngậm ngùi rời đi
Cuối cùng, liệu một người có còn xứng đáng làm lãnh đạo nữa hay không sẽ dựa vào 1 câu hỏi: “Bạn có đặt lợi ích của công ty lên hàng đầu hay không?”.
Nếu câu trả lời là không, có lẽ người ấy nên nối bước Neumann, Kalanick để rời khỏi công ty và nhường lại vị trí dẫn dắt cho một cá nhân nhiệt huyết hơn.