Theo chuyên gia Jeff Haden chia sẻ với CNBC, ông đã thực hiện hàng nghìn cuộc với phỏng vấn với nhiều ứng viên khác nhau. Hầu hết, họ đều cố gắng giả vờ như mình biết mọi câu trả lời. Nhưng thực chất, lối tư duy "biết tuốt" nhằm lấy điểm với nhà tuyển dụng, không phải là một cách làm hay.
Nói cách khác, các ứng viên đang lầm tưởng rằng họ bắt buộc phải trả lời mọi câu hỏi từ nhà tuyển dụng, nếu muốn gây được sự ấn tượng.
Năm 2004, CEO Google - Sundar Pichai đã chứng minh điều ngược lại. Khi đó, Sundar vẫn là một tư vấn viên của McKinsey. Ông nộp đơn vào Google để ứng tuyển vào vị trí trưởng nhóm quản lý sản phẩm.
Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên, Sundar lâm vào thế bí với câu hỏi về Gmail. Với một người đang ứng tuyển vào vị trí trưởng nhóm sản phẩm, đây là một câu hỏi gần như... hiển nhiên. Vấn đề là, thời điểm đó Gmail vẫn là một khái niệm rất lạ lẫm, và chưa từng được công bố bao giờ.
Chính vì thế, Sundar không có bất cứ khái niệm gì về Gmail. Với những ứng viên khác trong hoàn cảnh tương tự, họ có thể "chém gió" về những điều sáo rỗng. Ví dụ như tìm cách nói về điểm yếu của các nền tảng email khác, và cách Gmail giải quyết mọi thứ. Hay ba hoa vài điều dự đoán vô thưởng vô phạt trong tương lai. Tóm lại, họ sẽ tìm mọi cách để đưa ra một câu trả lời nghe có vẻ hợp lý.
Nhưng trái lại, Sundar nghĩ ngợi giây lát rồi nói: "Tôi không biết, tôi chưa dùng Gmail bao giờ cả". Một câu trả lời tưởng chừng như dở tệ, lại khiến Sundar lọt ngay vào mắt xanh của Google.
Phần lớn ứng cử viên sẽ cố bịa ra một câu trả lời nào đó để nhanh chóng chuyển sang câu sau. Nhưng Pichai đã làm ngược lại và gây ấn tượng với người phỏng vấn. Cuối cùng, ông đã được tuyển.
Sự kỳ diệu của câu nói: "Tôi/tớ/mình không biết"
Một "team" làm việc ăn ý thường được dẫn dắt bằng một thủ lĩnh, trưởng nhóm biết về điểm mạnh, yếu của bản thân. Và mọi thứ trở nên dễ dàng hơn, khi các thành viên biết thừa nhận sự yếu kém của chính bản thân mình.
Điều này được các nhà khoa học lý giải một cách cô đọng như sau: Khi một thành viên trong nhóm thừa nhận điểm yếu của họ, sẽ tạo nên hiệu ứng tâm lý "domino" với các thành viên còn lại. Từng người còn lại sẽ không còn cảm giác ngại ngùng, xấu hổ, giấu dốt khi thể hiện sự yếu kém của bản thân. Và nó sẽ tạo nên sự gắn kết, tin tưởng giữa các thành viên với nhau.
Quay trở lại câu chuyện của Sundar Pichai. Rõ ràng, câu hỏi về Gmail thực chất chỉ là một cái bẫy. Bởi ở thời điểm đó, cả thế giới chẳng có ai biết gì về Gmail cả, trừ những nhân viên, lãnh đạo Google.
Và Sundar đã dám thừa nhận lỗ hổng kiến thức của bản thân. Anh chỉ đơn giản nói: "Tôi không biết" là đủ!
Một cách gián tiếp, anh đã bộc lộ đức tính khiêm nhường của bản thân.
Laszlo Bock, cựu Phó Giám đốc điều hành nhân sự của Google, gọi đó là một trong những phẩm chất hàng đầu mà ông tìm kiếm ở một ứng viên. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York Times, ông nhấn mạnh: “Những người thành công, thông minh hiếm khi gặp thất bại và vì vậy, họ không biết cách học hỏi từ thất bại ấy. Thay vào đó, họ lại mắc một lỗi cơ bản rằng nếu điều gì đó tốt đẹp xảy ra, tất cả là bởi họ đều là thiên tài. Nếu chuyện không hay xảy ra, họ sẽ cho nguyên nhân là một kẻ ngốc nào đó phạm lỗi hoặc họ không có được nguồn lực cần thiết hoặc do thị trường bất ngờ biến động”.
Lại nhớ đến Jeff Bezos - người đàn ông giàu nhất hành tinh hiện nay. Bezos từng tiết lộ ông tìm kiếm những nhân tài biết nhận sai, và thay đổi quan điểm đúng lúc. Ông tin rằng người thông minh là người luôn hồ hởi tiếp nhận cái mới, dù cho nó ngược với tư duy của họ.
Tóm lại, trong quan điểm của các CEO hàng đầu, người giỏi là những cá nhân luôn thử thách tư duy của chính bản thân. Thay vì chỉ chăm chăm bảo vệ cái tôi cá nhân, hãy liên tục tìm kiếm góc nhìn, quan điểm mới để mở mang tầm nhìn!