Jack Ma đồng sáng lập công ty thương mại điện tử và công nghệ Alibaba vào năm 1999 cùng với một vài người bạn. Vào ngày 10 tháng 9, tại lễ kỷ niệm 19 năm của công ty, Ma cho biết ông sẽ chuyển giao chức vụ của mình cho CEO hiện tại là Daniel Zhang vào tháng 9 năm 2019.
Jack Ma viết trong một lá thư gửi nhân viên, cổ đông và khách hàng: "Không có công ty nào có thể hoàn toàn dựa dẫm vào người sáng lập cả. Trong tất cả mọi người, tôi nên là người hiểu nhất điều đó. Bởi vì những giới hạn về năng lực và sức lực của một người khiến cho không ai có thể gánh vác trách nhiệm của vai Chủ tịch và CEO mãi mãi được. Vì thế, tôi nên làm điều đúng đắn cho tôi và cho công ty, đó là để cho một người trẻ tuổi hơn, tài năng hơn tiếp quản.
Trong những năm gần đây, Alibaba đã đóng một vai trò quan trọng trong hệ sinh thái start-up của Ấn Độ. Alibaba đã đầu tư ít nhất là 1,7 tỷ USD vào những start-up thành công nhất của quốc gia này như Paytm, start-up thanh toán kỹ thuật số và BigBasket, cửa hàng tạp hoá trực tuyến.
Nhưng ngoài ra, công bố mới nhất của Jack Ma còn có một số bài học quan trọng cho những nhà lãnh đạo doanh nghiệp Ấn Độ : cách để lập kế hoạch tìm người kế vị và cách rời bỏ chức vụ sao cho đúng đắn.
Dinesh Mirchandani, đối tác và giám đốc điều hành của công ty tìm kiếm Boyden Ấn Độ cho biết: "Các nhà lãnh đạo của chúng tôi không biết cách để rời bỏ chức vụ một cách đúng đắn. Không ai biết cả. Nó như là dự báo cho cái chết của chính mình và điều đó đòi hỏi phải có kế hoạch và sự can đảm."
Sự bẽ bàng của Ấn Độ
Tại Ấn Độ thường không có kế hoạch chuyển giao quyền lực, và các vị CEO thường không từ bỏ quyền lực của mình một cách dễ dàng.
Lấy ví dụ, công ty công nghệ thông tin lớn thứ hai của Ấn Độ, Infosys đã phải vật lộn với việc tìm người kế vị lãnh đạo trong vài năm qua. Trong năm 2014, CEO sáng lập cuối cùng của họ, SD Shibulal đã chuyển giao quyền lực của doanh nghiệp cho một "người ngoài" là Vishal Sikka. Nhưng 3 năm sau, Sikka đột ngột rút lui do quá khác biệt với những người sáng lập. Công ty phải mất 4 tháng để tìm ra được một CEO mới, Salil Parikh, người đã gia nhập Infosys từ dịch vụ công nghệ thông tin Capgemini của Pháp.
Kể cả những nhóm doanh nghiệp kinh doanh lâu đời như Tata Sons và Raymond cũng đã thất bại trong khoản này: Tata Sons có tranh cãi về quản lý và phong cách lãnh đạo, trong khi Raymond thì có xung đột trong gia đình.
Điều này ngược lại hoàn toàn so với kế hoạch của Jack Ma.
Prashant Mehta, đối tác của công ty đầu tư mạo hiểm Lightbox, người mà Jack Ma đã gặp vài lần trong quá khứ cho biết: "Đây thực ra lại là lúc tốt nhất để ông ấy bước xuống và chỉ dẫn cho lãnh đạo mới. Nhưng nên nhớ rằng, Jack sẽ không bước đi quá xa, nhất là khi có việc gì cần sự chú ý của ông." Và quả đúng như vậy, Jack Ma sẽ vẫn ở trong hội đồng của Alibaba cho đến năm 2020.
Thực chất Alibaba đã chuẩn bị cho sự kế vị của Jack Ma trong 10 năm qua. Họ đã phát triển "một hệ thống quản lý dựa trên nền văn hoá và cơ chế độc nhất để phát triển những tài năng và người kế thừa phù hợp," theo Jack Ma đã viết trong lá thư. Việc chọn Zhang là một minh chứng cho sự chuẩn bị này, theo các chuyên gia cho hay.
Anindya Ghoé, giáo sư kinh doanh tại trường Stern của đại học New York cho biết "Zhang là một trong những nhà tư tưởng phân tích sâu sắc nhất hiện nay tại Trung Quốc." Kể từ khi anh gia nhập Alibaba vào năm 2007, Zhang đã cho ra mắt T-mall, một thị trường tập trung vào các nhãn hiệu tách biệt với Taobao, thứ đầy rẫy những lo ngại về sản phẩm fake. Anh chàng 46 tuổi này cũng là đầu não đằng sau ngày lễ mua sắm giống như ngày Black Friday, được gọi là "Ngày độc thân."
Với những nhà lãnh đạo doanh nghiệp Ấn Độ, học tập từ Jack Ma là điều dễ nói hơn là làm, theo các chuyên gia nhận định.
Mehta từ Lightbox VC chia sẻ: "Thật không may cho Ấn Độ, việc trao lại công ty cho con trai hay con gái dường như vẫn là sự lựa chọn ưa thích... Họ không khám phá những lựa chọn tốt nhất cho doanh nghiệp. Trong nhiều trường hợp, con ông cháu cha thậm chí có thể không đủ trình độ hoặc không quan tâm đến việc điều hành doanh nghiệp."