Vào cuối những năm 1980, Jean-Marc Wiederrecht nhận được sự ủy thác từ Chopard với nhiệm vụ thiết kế một bộ chức năng lịch vạn niên siêu mỏng. Đến nay, danh tiếng của Wiederrecht – nhà sản xuất độc lập cho các nhãn hiệu xa xỉ – vẫn gắn liền với sự mỏng dẹt đầy đẳng cấp. Ông dành những năm đầu của sự nghiệp trong trường đào tạo, nghiên cứu lắp ráp các bộ chuyển động sao cho vừa một đồng xu vàng 10 đô-la. Thế nhưng càng cống hiến nhiều thời gian cho bộ hiển thị của lịch vạn niên, ông càng trở nên bế tắc với sự bất tiện của quá trình tiểu hình hóa. “Tôi không hài lòng với các bộ khung nhỏ,” ông phàn nàn. “Tôi muốn những cây kim lớn hơn. Tôi không thích những chiếc đồng hồ quá khó đọc.”
Kể cả khi hoàn thành đơn đặt hàng của Chopard, Wiederrecht vẫn tiếp tục trăn trở về tính bất tiện của kích cỡ nhỏ. Dần dần sự chú ý của ông chuyển qua những bộ hiển thị retrograde, với những cây kim có thể xoay một góc giới hạn nhưng theo cả hai chiều. Vào thời điểm đó, những cây kim retrograde này được dùng cho bộ dự trữ năng lượng. “Tôi chợt nhận ra rằng ngày tháng năm có khởi đầu thì cũng có kết thúc,” ông nói. Bằng trí tưởng tưởng tuyệt vời, ông đã phóng to cặp kim cổ điển và mỗi chiếc phục vụ cho từng bên trái, phải của mặt số, để chỉ thứ trong tuần và ngày trong tháng.
Ông cùng với Roger Dubuis, người bạn đồng hành trong suốt một khoảng thời gian dài, sáng tạo thành công cơ chế retrograde kép (bi-retrograde) đầu tiên trên thế giới. Vào năm 1989, Harry Winston đưa bộ chuyển động vào sản xuất hàng loạt, không chỉ tạo ra chiếc đồng hồ chức năng đầu tiên gắn mác Winston, mà còn đánh dấu khởi đầu của sự hợp tác kéo dài nhiều năm.
Ngày nay, Wiederrecht cho rằng siêu phẩm Harry Winston Double Retrograde Perpetual Calendar là chiếc đồng hồ đột phá của ông; một bộ chức năng đặc trưng giúp định hình phong cách, đề cao tính rõ ràng dễ đọc, thiết lập triết lý sản xuất đặt trọng tâm ở thiết kế, và cả phương thức hợp tác rất độc lập trong công việc. Tiền lãi vẫn tới đều đều, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Là người đứng đầu công ty Agenhor, ông trở thành bậc thầy của phát minh retrograde dành cho các thương hiệu hàng đầu như Hermès và Van Cleef & Arpels, thắng lợi ở nhiều giải thưởng cao quý trong ngành bao gồm “Nghệ nhân chế tác của năm” tại Grand Prix d’Horlogerie de Genève năm 2007. Không dừng lại ở đó, ông tiếp tục đem tới những cải tiến bằng các định dạng hiển thị mặt số độc đáo, gần nhất chính là bộ chức năng bấm giờ đồng tâm trong siêu phẩm mới ra mắt của Singer và Fabergé.
Đồng hồ do Wiederrecht chế tác khiến chúng ta “nhìn nhận thời gian một cách hoàn toàn mới”
Wiederrecht cho rằng thành công của ông với tư cách một nghệ nhân chế tác bắt nguồn từ những trận cãi vã thời thơ ấu với cha. “Cha tôi nói rằng tôi phải lấy bằng cử nhân,” ông chia sẻ. Trong khi đó, ông lại là người không thích môi trường học tập và thường trốn đến École d’Horlogerie, trường đào tạo chế tác đồng hồ tại Geneva. “Vì thế mà tôi bắt đầu công việc chế tạo đồng hồ với một lợi thế. Tôi không chỉ thông thạo với đôi bàn tay, mà còn cả cái đầu nữa.”
Thập kỷ sau khi tốt nghiệp năm 1972 đã mang tới cho ông những bài học quan trọng. Lúc làm việc cho Châtelain, với nhiệm vụ biến những miếng vàng thỏi thành những chiếc đồng hồ đắt tiền, ông đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm để tạo dựng một doanh nghiệp gia đình. Về sau, công ty được bán lại cho nhà đầu tư mới, những người không thực sự quan tâm đến việc lưu giữ nghề thủ công. “Từ lúc nào công ty trở thành một nhà xưởng sản xuất công nghiệp,” ông chia sẻ, “tình hình càng lúc càng tệ và chúng tôi không thực sự làm tốt nhiệm vụ của mình.” Sau khi nhìn thấy Wiederrecht quá buồn bã, vợ của ông đã đề nghị họ nên bắt đầu kinh doanh riêng. Từ đó, một xưởng sản xuất độc lập được thành lập vào năm 1978.
Và một cuộc sống với công việc tự do bắt đầu, đi kèm những đơn hàng đến từ Chopard, Harry Winston, và Patek Philippe. Âm thầm cống hiến, ông hoàn thiện tay nghề của mình và khai sáng thêm nhiều điều mới mẻ, báo hiệu một sự nghiệp sáng chói về sau.
Chức năng lịch vạn niên retrograde kép có lẽ là bài học lớn nhất. Trước khi cấp giấy phép cho Winston, Wiederrecht tâm sự rằng ông và Dubuis dự tính sản xuất công nghệ retrograde kép cho Patek Philippe. Thương hiệu nổi tiếng này đã tạm ứng một số tiền để đảm bảo việc phát triển cơ chế, và khi chiêm ngưỡng kết quả, họ muốn mua đứt bằng sáng chế. Bằng bản năng của mình, Wiederrecht đã từ chối và trả lại toàn bộ tiền đầu tư của Patek Philippe. “Nếu chúng tôi bán, toàn bộ sự nghiệp của tôi cùng với retrograde sẽ tan thành mây khói,” ông chia sẻ. Wiederrecht nhận ra rằng sở hữu trí tuệ là quyền lực duy nhất của các nhà phát triển độc lập, kể cả khi thông tin của quá trình sáng chế cho các thương hiệu luôn được bảo mật. “Điều quan trọng nhất chính là giữ quyền sở hữu bằng sáng chế, từ đó chúng ta mới có thể lựa chọn khách hàng.” Đây chính là chiến lược lâu dài của ông.
Winston lại là người linh hoạt hơn khi nhắc tới sở hữu trí tuệ. (Bước vào thị trường của những cỗ máy thời gian phức tạp, thương hiệu không có tiếng nói mạnh mẽ như Patek.) Và ngay khi chiếc Double Retrograde Perpetual Calendar được đưa vào sản xuất, thương hiệu đã thâu nạp được một tài sản khác cực kỳ giá trị là Maximilian Büsser, người được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành cho bộ phận Harry Winston Rare Timepieces.
Büsser là người đầu tiên thấu hiểu được những gì mà Wiederrecht có thể đóng góp cho thương hiệu, và hai người đã tạo dựng một hình ảnh Wiederrecht đầy sôi động để tiếp cận khách hàng. “Đây chính là một cách chế tác đồng hồ hoàn toàn mới,” ông hồi tưởng. “Tôi đã tuyên bố, ‘Hãy đến với những ý tưởng thiết kế của bạn và chúng tôi sẽ tạo ra những bộ máy chạy bên dưới mặt số.'” Được tiếp cận những khái niệm thiết kế đầy tính sáng tạo mạnh mẽ của Eric Giroud, Wiederrecht bước thêm những bước tiến mới. Trong những năm đầu kết hợp cùng Harry Winston Rare Timepieces, ông chịu trách nhiệm sản xuất hơn một nửa các cơ chế và bộ máy. Sự hợp tác giữa bộ ba này đã đem lại quả ngọt vào năm 2009, khi Wiederrecht và Giroud sản xuất chiếc đồng hồ Opus 9 bi-retrograde, đi kèm chữ ký của cả hai.
Siêu phẩm Opus 9 bi-retrograde cho Harry Winston
Trong khi các thương hiệu bắt đầu nhận ra tài năng của Widerrecht, một số khác thậm chí còn trân quý cái tên của ông bằng cách đề cập đến công sức sáng tạo. Van Cleef & Arpels đã làm điều này. Giống như Harry Winston, Van Cleef & Arpels được biết đến như một hãng kim hoàn hàng đầu. Thế nhưng, điều đặc biệt ở thương hiệu này chính là trong khoảng năm 2000, họ mong muốn chế tạo những chiếc đồng hồ phức tạp dành cho phụ nữ, điều chưa ai từng thực hiện.
Ý tưởng ban đầu của họ chính là tạo ra một chiếc đồng hồ với một đĩa lớn nằm dưới mặt số, có thể quay theo từng năm, thể hiện bốn mùa trong những màu men rực rỡ. Vấn đề nằm ở chỗ chiếc đĩa lớn sẽ dày, và mặt đĩa tráng men chẳng bao giờ là phẳng cả. Wiederrecht giải quyết gọn ghẽ bằng một cơ chế xoay hàng năm kẹp giữa mặt số và bộ chuyển động. Sau đó, Van Cleef & Arpels đã tự hào quảng bá cỗ máy Quantième de Saison như một sáng chế của Wiederrecht.
Điều sáng tạo hơn cả cơ chế có một không hai đó chính là việc giới thiệu một dòng đồng hồ mới hoàn toàn dưới cái tên “Những chức năng thi vị”. Như Wiederrecht giải thích, cơ chế này sử dụng “những cỗ máy cầu kỳ để kể một câu chuyện đầy thơ mộng, và những chiếc đồng hồ này chỉ nặng về mặt kỹ thuật ở bên trong thôi”. Thấm nhuần tinh thần này, những nhà thiết kế ở Van Cleef & Arpels thường xuyên mộng tưởng ra những câu chuyện cổ tích dựa trên sức mạnh của cơ chế retrograde. Chẳng hạn như chiếc Pont des Amoureux, siêu phẩm hiển thị thời gian bằng câu chuyện hẹn hò của đôi tình nhân trên cầu. (Vị trí của người phụ nữ biểu thị giờ và người đàn ông cho biết số phút.)
Vượt qua các giới hạn khi trộn lẫn các hình mẫu về giới tính trong ngành đồng hồ, Wiederrecht mang sự tinh tế của các chức năng dành cho phụ nữ để quyến rũ những khách hàng nam giới. Tại Van Cleef & Arpels, ông đã điều chỉnh chức năng lịch vạn niên để minh họa cho chủ đề thiên văn: In the Midnight in Paris, với chiếc đĩa thể hiện một biểu đồ các chòm sao trên bầu trời đêm của Paris luân phiên thay đổi theo mùa.
Wiederrecht có khả năng thổi hồn sức sống mới vào di sản của những thương hiệu khác
Và mối quan hệ của Wiederrecht với Hermès đã thúc đẩy ông khám phá một lĩnh vực mới mà ông gọi là “Những chức năng triết lý”, được thiết kế để “nhìn nhận thời gian một cách hoàn toàn mới”. Ví dụ điển hình được hân hoan chào đón nhất chính là Le Temps Suspendu, một chiếc đồng hồ có thể dừng thời gian chỉ bằng một nút bấm, tạm thời di chuyển kim chỉ đến vị trí 12 giờ. Người đeo có thể quyết định khi nào bị chi phối bởi thời gian và khi nào có thể chìm đắm trong thời khắc.
Sự khác biệt giữa Le Temps Suspendu và Pont des Amoureux thực sự rất ấn tượng, và sự tương phản kể những câu chuyện dưới mặt số một cách rất khác nhau. “Khá là dễ dàng cho tôi khi chuyển từ thương hiệu này sang thương hiệu khác,” ông chia sẻ. “Diễn giải những gì mình cảm thấy là đặc trưng phong cách mà tôi mong muốn, sử dụng những chức năng phức tạp để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật.” Và tài năng thổi hồn sức sống mới cho di sản của những thương hiệu khác nhau có lẽ chính là lý do mà Wiederrecht chưa bao giờ muốn tung ra một thương hiệu riêng của mình. “Tạo ra một thương hiệu sẽ bó buộc tôi lại,” ông giải thích.
Jean-Marc Wiederrecht trung thành đi theo một mô hình kinh doanh trong suốt bốn thập niên. Giờ đây, khi có được đặc quyền từ chối những đơn hàng mà bản thân không cảm thấy gắn kết về mặt sáng tạo, ông vẫn sống bằng sự thông thái của mình, điều chắc chắn sẽ thách thức một doanh nghiệp gia đình khi tuổi nghỉ hưu ùa đến.
Khi dần bàn giao các hoạt động hàng ngày cho hai người con trai, ông nhận ra rằng ngày càng có nhiều thương hiệu muốn sản xuất các bộ chức năng, các cỗ máy hoàn toàn khép kín trong nội bộ. “Chúng tôi không thể tiếp tục chỉ sản xuất những bộ phận tách rời của đồng hồ hay các chức năng riêng lẻ nữa,” ông nhận xét. Thay vào đó, ông nhìn thấy tương lai gần Agenhor sẽ phải sản xuất những cỗ máy và bộ chuyển động hoàn chỉnh.
Như mong đợi của Wiederrecht, những bộ chuyển động ông thiết kế đem tới một nền tảng linh hoạt cho nhiều dạng thức thiết kế và sáng tạo. Và như để thỏa mãn nỗi ám ảnh về tính rõ ràng, những cơ chế này cho phép nhà thiết kế sử dụng những cây kim cỡ lớn, nhờ vào bộ máy đếm giờ có một lỗ nhỏ để gắn kết cùng các chức năng khác ngay tại trung tâm.
Chiếc đồng hồ bấm giờ ngay tại trung tâm được Fabergé và Singer ra mắt đã thể hiện rõ sự cải thiện về độ dễ nhìn khi kim hiển thị bấm giờ được đặt ngay tại trung tâm mặt số. Chúng cũng tiết lộ mức độ tương thích dễ dàng của bộ chuyển động AgenGraphe với nhiều thiết kế khác nhau. Là một người đặt nặng vấn đề sở hữu trí tuệ, Wiederrecht cho rằng việc phát hành liên tiếp các sản phẩm mới sẽ đảm bảo cho những sáng chế này gắn liền với tên tuổi của Agenhor chứ không phải các nhãn hiệu. Wiederrecht tin rằng những biến thể khác nhau dành cho các thương hiệu sẽ nuôi sống công ty ông trong rất nhiều năm nữa.