Lợi ích của đa dạng, bình đẳng và bao trùm
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), có rất nhiều lợi ích khi gắn kết đa dạng, bình đẳng và bao trùm (D,E&I) trong chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Về khía cạnh kinh tế, D,E&I giúp nâng cao khả năng tiếp cận các thị trường mới, hỗ trợ cải thiện năng lực quản trị doanh nghiệp, cũng như giúp thu hút và giữ chân “nhân tài” tốt hơn. Những điều này góp phần tạo ra lợi nhuận trong dài hạn cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, D,E&I cũng tạo ra lợi thế thu hút tốt hơn nguồn vốn đầu tư cho doanh nghiệp, trong bối cảnh các nhà đầu tư ngày càng quan tâm nhiều hơn đến việc thực hiện ESG tại doanh nghiệp.
Đánh giá này được ông Vinh đưa ra tại diễn đàn doanh nghiệp mới đây của Mạng lưới Doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE).
Ông phân tích thêm và cho rằng, về khía cạnh môi trường, doanh nghiệp có đặc tính D,E&I cao thường có nhiều ý tưởng đổi mới, sáng tạo hơn, cũng như có tính linh hoạt cao hơn.
Điều này giúp doanh nghiệp có thể vận hành thông minh hơn, linh hoạt hơn, có nhiều giải pháp mới để giảm thiểu “dấu chân” carbon từ các hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần ứng phó biến đổi khí hậu hiệu quả hơn.
Về khía cạnh xã hội, theo ông Vinh, doanh nghiệp có văn hóa đa dạng, hòa nhập trao quyền cho nhân viên, đặt con người vào trung tâm của mọi chiến lược và quyết định, sẽ đưa ra những quyết định hợp lí và hiệu quả hơn.
Đặc biệt, trong thời đại số hóa ngày này, yếu tố đa dạng, bình đẳng, bao trùm càng có ý nghĩa quan trọng để đảm bảo “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Trong phạm vi nội bộ doanh nghiệp, D,E&I thể hiện ở tính bình đẳng, trao quyền cho nhân viên, tôn trọng sự đa dạng của các nền văn hóa, lối tư duy, khuyến khích tính đổi mới, sáng tạo, đặt con người vào trung tâm của mọi chiến lược và quyết định.
Những doanh nghiệp có văn hóa D,E&I cho thấy sức chống chịu, phục hồi sau khủng hoảng nhanh hơn các doanh nghiệp khác.
Ở phạm vi ngoài doanh nghiệp, tính bao trùm trong mô hình kinh doanh của doanh nghiệp được thể hiện khi doanh nghiệp kinh doanh tạo tác động xã hội; thúc đẩy sự tham gia của các nhóm liên quan như đối tác, nhà cung ứng, khách hàng, đặc biệt là các nhóm yếu thế; từ đó giúp giải quyết các thách thức trong xã hội, cải thiện đời sống cộng đồng.
Các gợi ý cho doanh nghiệp
Theo lãnh đạo VBCSD, bất bình đẳng đã trở thành một nguồn rủi ro mang tính hệ thống, đe dọa các nền tảng chính trị và kinh tế mà doanh nghiệp dựa vào đó để vận hành, đổi mới và phát triển.
Trước “sự trỗi dậy” của bất bình đẳng, doanh nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng, bởi doanh nghiệp tạo ra đến 80% tổng số lượng việc làm trên toàn cầu, quyết định đối tượng lao động, loại hình công việc và mức thu nhập của người lao động.
Ông Vinh nhận định, xây dựng chuỗi giá trị và nơi làm việc đa dạng, bình đẳng và bao trùm là hành động có thể tạo ra những tác động, ảnh hưởng tích cực đến cả bốn nhóm đối tượng, bao gồm lực lượng lao động của doanh nghiệp; người lao động xuyên suốt chuỗi giá trị; người tiêu dùng; và cộng đồng.
Để làm được điều này, doanh nghiệp trước hết cần đảm bảo sự đa dạng, thu nhập bình đẳng, và môi trường làm việc có tính bao trùm ở mọi cấp độ của tổ chức.
Ở khía cạnh này, doanh nghiệp có thể tập trung vào ba ưu tiên, bao gồm xây dựng những chương trình thu hút, phát triển nhân sự trên cơ sở công bằng; đảm bảo tính bình đẳng trong thu nhập và phúc lợi cho người lao động; và thúc đẩy văn hóa bao trùm xuyên suốt doanh nghiệp.
Ngoài ra, ông Vinh khuyến nghị doanh nghiệp cần gắn kết văn hóa đa dạng, bình đẳng, bao trùm vào trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp.
Cùng với đó, hỗ trợ thúc đẩy, lan tỏa tính đa dạng, bình đẳng, bao trùm đến khách hàng, người tiêu dùng và cộng đồng nói chung.